Có nhiều ý tưởng cho một công việc trong mơ: Sáng check-in đúng giờ, chiều ra về đúng giấc, việc không chồng chất, đêm ngủ đủ giấc, ngày vui vẻ cùng đồng nghiệp.
Nhưng trên thực tế, người lao động có thể “nhào nặn" công việc hiện tại để mang đến nhiều niềm vui hơn với công thức mang tên “job crafting” (tạm dịch: Chế tác công việc). Công thức này áp dụng 3 khía cạnh: Thay đổi cả lượng lẫn tính chất của công việc hiện tại (task crafting), sau đó là thay đổi các mối quan hệ đồng nghiệp xung quanh (relationally crafting) và cuối cùng là biến đổi nhận thức về công việc (cognitive crafting).
“Job crafting” được đánh giá là một trong 5 xu hướng làm việc của 2024, theo nhận định bởi IMD - Viện Phát triển quản lý quốc tế, và cũng là thành tố quan trọng trong việc cải thiện cách làm việc đội nhóm tại doanh nghiệp, theo nghiên cứu được công bố trên trang Information Systems Journal.
Làm việc theo sở trường
Thay đổi cả lượng lẫn tính chất công việc (task crafting), theo Amy Wrzesniewski và Jane Dutton, người lao động có thể tự đề xuất được làm những công việc mình mong muốn. Khi đó, nguồn cảm hứng được kích hoạt, công việc dù vất vả hơn người lao động trẻ cũng cảm thấy hào hứng.
Làm việc theo sở trường là một trong những yếu tố giúp người lao động cảm thấy hứng khởi trong công việc. |
Một ví dụ cho thấy sự hiệu quả của câu chuyện trao cơ hội là chương trình SkillsFuture được hỗ trợ từ Chính phủ Singapore, cho phép người lao động theo học kỹ năng họ mong muốn. Điều này giúp hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp và gia tăng hiệu suất làm việc. Từ câu chuyện này, khi áp dụng các khóa học upskilling dựa trên mong muốn người lao động, doanh nghiệp Việt sẽ “ươm mầm” được những nhân tài.
Số liệu trong “Báo cáo lương thưởng Talentnet - Mercer 2023” cũng cho thấy khả năng phát triển và học hỏi nằm trong top 3 giá trị ưu tiên của giới trẻ (độ tuổi 21-30). “Ngay chính tại Talentnet, chúng tôi cũng có một kho gần 10.000 khóa học online và nhân viên có thể lựa chọn học theo sở thích của mình. Nhằm khích lệ cho việc học của nhân viên, mỗi tháng HR sẽ chọn ra ‘học sinh xuất sắc’ để khen thưởng”, bà Nguyễn Thị An Hà - Giám đốc Marketing và Hợp tác chiến lược của công ty tư vấn nhân sự Talentnet - chia sẻ.
Tìm được đồng nghiệp thân thiết
Theo Hubspot, động lực giữ chân 70% nhân sự làm việc từ xa chính là có đồng nghiệp thân thiết tại công ty. Con số này ở lao động văn phòng và lao động làm việc từ xa ở mức 65% và 67%. Đây là minh chứng cho sự thay đổi thứ 2 - thay đổi các mối quan hệ đồng nghiệp xung quanh (relationally crafting).
Xây dựng các mối quan hệ thân thiết tại công sở là động lực giúp mọi người hứng khởi khi đi làm. |
Việc gia tăng tương tác nội bộ ở các phòng ban là điều tất yếu để đồng nghiệp hiểu nhau và dễ dàng làm việc hơn. Trong khi đó, các cấp lãnh đạo và HR cần cân nhắc đến việc tổ chức các hoạt động giao lưu, gắn kết giữa các phòng ban với nhau nhằm gia tăng cơ hội cho nhân sự tìm ra “cạ cứng” bên ngoài bộ phận của mình.
Điều này giúp người lao động có thể hoàn thiện kỹ năng hiện có, học hỏi lẫn nhau, tăng thêm nhiều kỹ năng khác. Ví dụ, một nhân viên thuộc bộ phận marketing có thể chia sẻ với nhân viên bộ phận customer services để hiểu sâu hơn về chân dung khách hàng và những ý tưởng sáng tạo, từ đó tiếp cận khác hàng tốt hơn.
Tuyên ngôn tích cực
Ví dụ, bạn đang là người dọn dẹp văn phòng và nghĩ bản thân đang làm công việc dọn dẹp buồn tẻ, có thể bạn sẽ mau chóng chán việc. Nhưng khi thay đổi góc nhìn, nghĩ rằng mình đang tạo ra môi trường làm việc gọn gàng, chuyên nghiệp, công việc sẽ trở nên có ý nghĩa hơn.
Đó là ví dụ điển hình cho việc thay đổi nhận thức công việc (cognitive crafting).”Thay đổi nhận thức về công việc nghĩa là nhìn nhận những tác động tích cực của công việc này liên quan trực tiếp đến bản thân, tiếp đến là mọi người xung quanh và doanh nghiệp. Khi đó, thay vì nghĩ công việc là trách nhiệm, nhân sự có thể tạo nên cho mình tuyên ngôn tích cực để giúp bản thân gắn bó và yêu thích công việc,”, bà An Hà chia sẻ.
Về phía cấp trên, thay vì gạch đầu dòng trong bảng phân công hàng ngày, quản lý có thể tạo ra “tuyên ngôn tích cực” chung, đồng thời hỗ trợ nhân viên trong việc đưa ra “lối đi riêng” cho chính họ. Nếu nhân viên kế toán hiểu rằng công việc của họ không chỉ là số liệu, mà đang là người “khơi dòng chảy” cho cả doanh nghiệp, và nhân viên HR hiểu công việc của họ không chỉ là quản trị nhân sự, mà là “ươm mầm” cho sự gắn kết trong công ty, kết quả sẽ hoàn toàn khác biệt.
“Job crafting ra đời cách đây khá lâu, nhưng khi đưa vào bối cảnh hiện tại, công thức này đã mở ra ‘chương mới’ trong tư duy cho nhóm người lao động trẻ. Công việc lý tưởng vốn dĩ không tồn tại, mà nó chỉ thực sự hiện hữu khi và chỉ khi mỗi nhân viên và doanh nghiệp cùng chung tay kiến tạo nên định nghĩa này”, bà Nguyễn Thị An Hà đúc kết.