Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 câu hỏi về xét công nhận giáo sư, phó giáo sư 2019

Một số ứng viên cho rằng xét duyệt giáo sư, phó giáo sư năm 2019 còn bất cập. Người xứng đáng thì bị loại, người không đủ tiêu chuẩn lại lọt qua cả 3 cấp xét duyệt.

Sau khi Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên đủ tiêu chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2019, một nhóm nhà khoa học trẻ phản ánh về những đánh giá của hội đồng xét duyệt.

2019 là năm đầu tiên thực hiện xét đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo Quyết định 37. Theo đó, từ ngày 1/1/2020, tiêu chuẩn nâng lên, ứng viên giáo sư phải là tác giả chính của ít nhất 5 bài báo khoa học quốc tế, tiêu chuẩn của phó giáo sư là 3 bài.

Quy trình xét có "tiền hậu bất nhất"?

Một ứng viên đề nghị giấu tên cho biết tại hội đồng liên ngành, hồ sơ của anh không đạt tiêu chuẩn do thiếu 2 nghiên cứu sinh nên được cho phép thay bằng 6 bài báo quốc tế uy tín theo đúng quy định tại QĐ 37/2018 và nghị quyết 01. Việc này được sự đồng ý của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước và hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, khi hồ sơ được đề nghị lên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, hội đồng này lại phủ định việc thay thế và cho rằng ứng viên không đạt.

xet duyet giao su,  pho giao su anh 1
Phiên họp cuối cùng của Hội đồng Giáo sư Nhà nước để xét công nhận GS, PGS năm 2019. Ảnh: Tiền Phong.

Theo ứng viên, việc xét duyệt “tiền hậu bất nhất” gây thiệt hại về thời gian, công sức, tiền bạc và cả danh dự của nhà khoa học. Người này cho rằng anh hoàn toàn xứng đáng được công nhận đạt chức danh giáo sư không chỉ trong nước, mà còn chuẩn chung của các đại học quóc tế khi đã công bố 27 bài báo SCI, ISI, viết 4 sách, trong đó 1 sách bằng tiếng Anh, phản biện chính cho một số tạp chí đầu ngành quốc tế…

Một số người khác cũng cho biết qua hai vòng xét duyệt, họ bất ngờ khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước phủ định việc thay thế và đánh trượt nhiều ứng viên vì “không đạt tiêu chuẩn cứng”.

Các ứng viên trên bức xúc cho rằng nếu không cho phép thay thế thì cần thống nhất từ đầu.

Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, cho biết theo quyết định của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, các chủ tịch hội đồng ngành, liên ngành (cũng là ủy viên của hội đồng nhà nước) có trách nhiệm giải thích rõ lý do cho ứng viên không đạt tiêu chuẩn.

Ở một số ngành, ứng viên được chiếu cố?

Mới đây, một nhóm nhà khoa học trẻ làm công tác giảng dạy trong các trường đại học và nghiên cứu ở các viện nghiên cứu khoa học có thư gửi báo chí, nêu những bức xúc về việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2019. Họ cho biết đã nhiều lần gửi kiến nghị gửi lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhưng không có kết quả.

Những người này cho rằng nghịch lý của đợt xét duyệt vừa qua là có người xứng đáng thì bị loại, người không đủ theo Quyết định 37 lại lọt qua cả 3 cấp xét duyệt. 

Một số trường hợp có hồ sơ yếu kém, thiếu tiêu chuẩn cứng nhưng vẫn được các hội đồng thông qua, tập trung nhiều ở Hội đồng liên ngành văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao.

Cụ thể, căn cứ hồ sơ của các ứng viên đã được công bố trên website của Hội đồng Giáo sư Nhà nước có thể thấy rõ những giáo sư không đủ thâm niên giờ giảng tối thiểu, không có bài báo quốc tế uy tín (ISN, Scopus...), thậm chí không có chỉ số, không có nhà xuất bản. Ngoài ra, ứng viên có công bố quốc tế cũng thiếu chuẩn (bài đăng bởi NXB và tạp chí bị giới khoa học thế giới xếp vào danh sách đen)...

Theo các nhà khoa học trẻ trên, một số chuyên ngành lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn văn hóa, nghệ thuật được chiếu cố, nhưng dù ưu tiên cũng phải có những chuẩn nhất định để đảm bảo sự cân đối, công bằng giữa các ngành khoa học và giữa các ứng viên.

Thầy kém hơn trò?

Ông Trần Anh Tuấn cho biết các thành viên giáo sư Hội đồng ngành không có bài báo công bố quốc tế thì có thể thay bằng sách được xuất bản tại các nhà xuất bản uy tín theo Quyết định 37.

Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã có đầy đủ bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Tuy nhiên, theo mẫu được công bố trong Thông tư 04, các giáo sư chỉ cần liệt kê 5 bài báo hoặc 5 đầu sách cùng 5 công trình nghiên cứu tiêu biểu, là không đáp ứng đầy đủ lý lịch khoa học của ứng viên.

Trao đổi với Tiền Phong, GS Phùng Đắc Cam, ĐH Thành Đông, cho rằng thực tế có tình trạng thành tích của “thầy” - giáo sư hội đồng ngành - kém hơn trò - ứng viên giáo sư, phó giáo sư - cả về công trình khoa học và trình độ tiếng Anh. Các thầy chỉ hơn ứng viên ở thâm niên công tác.

GS Phùng Khắc Cam nêu quan điểm ứng viên không thể thay sách bằng bài báo khoa học vì bài báo “mang quân đi đánh nước người” mới giá trị. Bởi việc xuất bản ở trong nước thì dễ hơn rất nhiều so với bài báo quốc tế nếu so sánh. 

Chiều 3/12, Hội đồng Giáo sư Nhà nước ban hành quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư năm 2019 cho 422 người. Quyết định có hiệu lực từ ngày 27/11 do Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước Phùng Xuân Nhạ ký.

Năm nay, ứng viên trẻ tuổi nhất được công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư là bà Nguyễn Khánh Diệu Hồng, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội (ngành Hóa học) và ông Sĩ Đức Quang, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội (ngành Toán học), cùng 38 tuổi.

Lý lịch khoa học của giáo sư hội đồng ngành, liên ngành chưa công khai

Bản tóm tắt của gần 300 thành viên hội đồng giáo sư ngành, liên ngành và ủy viên của Hội đồng Giáo sư Nhà nước chưa được công khai.



Huỳnh Anh

Bạn có thể quan tâm