"Nếu như GS Lê được biết đến như người thầy mẫu mực, ghi chép lời thầy giảng sẽ được một bài viết dùng từ chuẩn xác, chặt chẽ, thì thầy Tấn lại rất uyên bác, biết nhiều ngoại ngữ. Có cảm giác mình hỏi cái gì thầy cũng biết. Còn thầy Vượng có rất nhiều ý tưởng hay, mới, gần với quần chúng nên được hâm mộ. Thầy Lâm thì mực thước", GS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nói.
Theo GS Vũ Minh Giang, nhiều đồng nghiệp đánh giá GS Tấn là thần đồng của nền sử học Việt Nam. Khi được hỏi bất cứ vấn đề gì, ông đều biết và thường lý giải thấu đáo.
Dù trẻ tuổi nhất trong nhóm "tứ trụ" của sử học Việt Nam "Lâm - Lê - Tấn - Vượng" (GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng), GS Tấn là người đầu tiên được giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học (năm 2000).
GS Hà Văn Tấn khi còn trẻ. Ảnh: ĐH KHXH&NV Hà Nội. |
GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội), đồng thời là học trò của GS Tấn, cho biết: "Cách tư duy, dạy học của GS Tấn rất thông tuệ. Thầy uyên thâm nhưng không theo kiểu hàn lâm, học thuật, mà là người thông minh có thể nói là kiệt xuất".
GS Phạm Hồng Tung chia sẻ GS Hà Văn Tấn rất coi trọng tư duy phê phán trong sử học. Luôn hoài nghi, tiếp nhận các vấn đề một cách thận trọng và phải có tinh thần phê phán là những điều mà thầy Tấn dạy học trò từ sớm.
"Môn thầy Tấn dạy kỹ nhất là phê phán sử liệu. Tất cả học trò sau này trở thành nhà khoa học đều bắt đầu từ bài học tìm kiếm, khai thác, phê phán thông tin, xử lý sử liệu để biết đâu là thông tin thật, giả, đâu là thông tin trực tiếp, gián tiếp", GS Tung nói.
Chú trọng khảo cổ học biển đảo từ sớm
GS Hà Văn Tấn thông thạo chữ Hán, tiếng Pháp, Anh, Nga, Đức, Nhật. Ông học tiếng Đức qua sách tiếng Nga, tiếng Nhật qua sách tiếng Trung Quốc, học tiếng Sanskrit (Phạn) - ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại - thông qua tiếng Đức. Đến nay, GS Tấn là người đầu tiên và duy nhất đọc được những bài kinh Phật khắc trên cột đá ở Hoa Lư.
PGS Nguyễn Công Khanh, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, ĐH Vinh, nhắc lại câu chuyện từng được thầy Tấn kể với học trò.
"Khi thầy đang đọc sách trong Thư viện Quốc gia, một người quen hỏi: Anh Tấn đọc được chữ Tiệp à? Thầy giật mình: Đâu? Song nhìn lại thì đây là sách tiếng Sec. Thầy nói do mình biết tiếng Nga, mà chữ Đông Âu (slave) gần nhau nên đọc được. Thế thôi", PGS Khanh nhớ lại.
GS Hà Văn Tấn có rất nhiều đóng góp quan trọng cho nền sử học, khảo cổ học và cả văn hóa Việt Nam. Ngoài các công trình về khảo cổ học, nổi bật nhất là việc hiệu đính cuốn "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi (1380-1442) khi ông mới 23 tuổi.
GS Phan Huy Lê từng đánh giá về GS Tấn: "Tác phẩm đầu tay của anh Tấn là hiệu đính và chú thích cuốn 'Dư địa chí' của Nguyễn Trãi do cụ Phan Duy Tiếp dịch, xuất bản năm 1960, lúc anh mới 23 tuổi. Tài năng và phong cách khoa học của anh đã được bộc lộ ngay trong công trình đầu tay này”.
Một công trình khoa học khác là cuốn "Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII" (viết chung với Phạm Thị Tâm, xuất bản năm 1968), được nhiều người xem là “kiệt tác sử học”. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông nhưng sử dụng sử liệu của nước ngoài. Ông xem sự kiện này mang tính tầm vóc của thế giới và sử dụng góc nhìn của thế giới để viết và phân tích.
"Người ta cũng nhắc rất nhiều về nghiên cứu toàn bộ diễn trình của văn hóa đồ đồng Việt Nam, dẫn đến sự ra đời của nhà nước Việt Nam đầu tiên của thầy. GS Tấn đã phân lập thời kỳ này thành các giai đoạn phát triển và tất cả sách giáo khoa viết về thời kỳ tiền sử, sơ sử cho đến khi lập quốc đều nhờ vào sự phân lập của ông trong cuốn sách 'Theo dấu vết các nền văn minh cổ'. Phân chia thời kỳ này thành các giai đoạn đòi hỏi sự khái quát hóa, sự uyên bác rất nhiều", GS Giang cho biết.
GS Hà Văn Tấn là nhà khảo cổ học, nghiên cứu cổ sử. Đặc biệt, khi nghiên cứu cổ sử, ông quan tâm miền Trung rất sớm. Ông nghiên cứu khảo cổ học về biển và dẫn học trò đi khảo cổ ở vùng biển Hậu Lộc (Thanh Hóa) và nhiều nơi khác.
GS Tấn cũng là người đầu tiên chỉ ra được chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc của người Việt có cội nguồn từ kinh tế, xã hội, tâm linh thông qua những nghiên cứu về nông dân, nông nghiệp Việt Nam. Ông phản bác luận điểm cho rằng chủ nghĩa yêu nước nảy sinh từ truyền thống chống giặc ngoại xâm.
Cả GS Tung và GS Giang đều đồng ý rằng nếu không bị bệnh tật giày vò trong gần 20 năm cuối của cuộc đời, GS Hà Văn Tấn sẽ có những đóng góp to lớn hơn cho nền sử học Việt Nam.
GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn, GS Phan Huy Lê (hàng trên từ trái qua) với người thầy của mình - GS Trần Văn Giàu và phu nhân. Ảnh: Tư liệu. |
Gần gũi, hài hước, yêu thương học trò
GS Vũ Minh Giang kể ngày đầu tiên gặp, ông đã nhầm GS Tấn là sinh viên vì lúc đó ông rất trẻ, người nhỏ nhắn, hay mặc áo bông, đội chiếc mũ lệch. GS Tấn cùng tham gia trận bóng đá với sinh viên, cũng tranh chấp bóng quyết liệt, tranh cãi với trọng tài. Trong ấn tượng của nhiều học trò, GS Tấn là người vui vẻ, hòa đồng và thương yêu sinh viên hết mực.
GS Tung chia sẻ trong những chuyến đi điền dã, khảo cổ với sinh viên, chính thầy Tấn là người nhường cơm, sẻ áo cho học trò vì thời đó rất nghèo.
"Năm đó, thầy chủ nhiệm lớp tôi, cả lớp cùng đi lao động động đắp đê Phú Cường. Thầy kéo xe chở đất với sinh viên, cùng tham gia chuyền đất. Vừa lao động, thầy vừa kể chuyện tiếu lâm cho mọi người cười để quên đi mệt mỏi. GS Hà Văn Tấn là cả một kho tàng chuyện tiếu lâm", bà Trương Quế Phương, một học trò của GS Tấn, nhớ lại.
Đặc biệt, GS Hà Văn Tấn, dù là nhà sử học, nghiên cứu khoa học xã hội, vẫn rất thích Toán học. Khi GS Vũ Minh Giang vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), chính GS Tấn đã truyền đạt tình yêu Toán học cho ông. GS Tấn nói rằng Toán học có thể giải quyết nhiều vấn đề của xã hội, đó là công cụ tìm ra những quy luật của khoa học xã hội.
"Thầy nói với chúng tôi, bên cạnh mở rộng quan hệ, tìm bạn cùng nghề, các cậu nên chơi với bạn khoa học tự nhiên, sẽ giúp mình rất nhiều. Ông bảo những nhà khoa học tự nhiên không bao giờ nghe dễ dãi những cách giải thích về lịch sử của các nhà khoa học xã hội. Họ luôn có những phản biện rất hóc búa. Logic của khoa học tự nhiên sẽ dùi mài để các cậu có cách nhìn nhận vấn đề xã hội theo tư duy khoa học thực chứng", GS Giang kể lại lời thầy Tấn.
Ông Giang cho hay trong suốt những năm tháng bị bệnh tật giày vò, dù không đi lại được, nói rất khó khăn, GS Tấn vẫn cố gắng rèn luyện khối óc để giữ sự minh mẫn và vẫn đọc sách. Mỗi lần học trò, đồng nghiệp đến thăm, nhắc về những kỷ niệm cũ, thầy rất dễ xúc động, cứ cầm tay học trò mà khóc.
"Đúng là thế hệ 'tứ trụ' khuất núi là sự mất mát không gì có thể thay thế được và còn rất nhiều công việc dang dở mà chúng tôi phải làm. Chúng tôi là học trò, những người đi sau, rất hiểu di nguyện của các thầy. Việc đầu tiên là chúng tôi chuẩn bị công bố Lịch sử Việt Nam 25 tập, được gọi nôm na là bộ quốc sử mới. Đây là tinh hoa của sử học Việt Nam, cũng là sự truyền thừa từ các thầy và báo đáp công ơn các thầy", GS Phạm Hồng Tung chia sẻ.
GS Hà Văn Tấn qua đời lúc 21h2 phút, hưởng thọ 82 tuổi. Ông sinh ra tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cùng làng với đại thi hào Nguyễn Du).
Ông là chủ nhiệm môn Phương pháp luận sử học (khoa Lịch sử, ĐH Tổng hợp, nay là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội); Viện trưởng Khảo cổ học (1988-2008).
Trong cuộc đời gần 50 năm nghiên cứu gắn với giảng dạy, ông đã hướng dẫn 25 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, công bố 298 bài báo, tham luận, nghiên cứu khoa học trên tạp chí trong và ngoài nước. GS Hà Văn Tấn còn là tác giả và đồng tác giả của hàng chục cuốn sách.
Ông được phong hàm giáo sư năm 1980, được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ (2000) và nhiều huy chương khác.
GS Hà Văn Tấn được các thế hệ giáo viên và sinh viên khoa Lịch sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội, phong là một trong tứ trụ "Lâm - Lê - Tấn -Vượng", gồm các GS Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng, của nền sử học Việt Nam đương đại.