Ngày 27/6, văn phòng UNESCO phát đi thông cáo bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của GS Phan Huy Lê. Tổ chức này khẳng định GS Phan Huy Lê đã mở cánh cửa nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam với thế giới.
GS Phan Huy Lê trong lần gặp gỡ cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: M.G. |
"Chúng tôi xin chia buồn sâu sắc tới gia đình của GS Phan Huy Lê, một con người mẫu mực cho giới trí thức, nghiên cứu. GS Phan Huy Lê đã mở cánh cửa nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam với thế giới thông qua nỗ lực tuyệt vời của ông dành cho thúc đẩy trao đổi và hợp tác với giới học thuật quốc tế.
Ông khơi nguồn và là tấm gương cho nhiều thế hệ các nhà sử học của Việt Nam, cũng như quốc tế. GS ra đi trong sự tiếc nuối của rất nhiều người, trong số đó nhiều người hàm ơn ông về sự giúp đỡ rộng lượng và hướng dẫn tận tình”, trích thông cáo.
UNESCO cũng khẳng định bên cạnh những đóng góp to lớn đối với nền sử học hiện đại của Việt Nam, GS Phan huy Lê đã đóng góp nổi bật cho sự thành công của đề cử Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam vào danh sách di sản thế giới UNESCO.
Đặc biệt, cho tới khi ra đi, GS Phan Huy Lê luôn đảm nhận vai trò dẫn dắt về học thuật, đưa lại một điển hình cho vai trò của Hội đồng Khoa học hỗ trợ khu di sản thế giới này, thúc đẩy và khuyến khích nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc và trọng chứng.
Từ phải qua là GS Phan Huy Lê, ông Trương Tấn Sang và GS Vũ Minh Giang. Ảnh: M.G. |
Vĩnh biệt một trong "tứ trụ" ngành sử học ở Việt Nam, TS William Logan - thành viên Hội đồng Hàn lâm FASSA Australia, người đã có dịp cộng tác với GS trong nhiều dự án, đặc biệt là trong việc biên soạn hồ sơ đề cử Hoàng thành Thăng Long vào danh sách di sản thế giới - chia sẻ GS Phan Huy Lê là nhà sử học xuất chúng, đáng ngưỡng mộ, vì sự mẫn tiệp trong học thuật của ông và bởi cống hiến ông dành trọn cho Hà Nội và Việt Nam.
Ông thực sự là tài sản quý báu của Việt Nam, sẽ mãi mãi được tri ân trong trái tim của nhiều người.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê (23/2/1934) là một trong những chuyên gia về lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Khóa II (1990-1995), khóa III (1995-2000), khóa IV (2000-2005, khóa V (2005-2010) và khóa VI (2010-2015), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học năm 2016.
Ông sinh ra tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; là hậu duệ cùng họ với thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh.
Cụ thân sinh là tiến sĩ Nho học Phan Huy Tùng, từng làm quan trong triều đình Huế.
Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy.