Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo sư Hà Văn Tấn qua đời

Giáo sư Hà Văn Tấn, một trong tứ trụ sử học Việt Nam, vừa từ trần vào tối 27/11, hưởng thọ 82 tuổi.

Tối 27/11, xác nhận với Zing.vn, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho hay GS Hà Văn Tấn đã qua đời vào 21h2 phút, hưởng thọ 82 tuổi.

"Gần 20 năm nay thầy Tấn đã chống chọi với căn bệnh đột quỵ. Thời gian gần đây sức khỏe thầy đã rất yếu. Thầy qua đời một phần vì tuổi cao sức yếu, một phần vì căn bệnh lâu năm", GS Giang cho hay.

GS Hà Văn Tấn sinh năm 1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cùng làng với đại thi hào Nguyễn Du) - một vùng đất, một dòng họ hiếu học và có truyền thống khoa bảng với nhiều danh nhân hiền tài.

nha su hoc Ha Van Tan anh 1
GS Hà Văn Tấn thời còn trẻ. Ảnh: ĐHKHXH&NV Hà Nội.

Khi còn nhỏ, GS Hà Văn Tấn sống và học tập ở quê hương, thừa hưởng truyền thống gia đình, dòng họ và mảnh đất văn hiến nơi ông sinh ra. Đầu năm 1955, sau khi tốt nghiệp lớp 9, ông ra Hà Nội. Sau một năm vừa học vừa làm vất vả, Hà Văn Tấn quyết định vào học khoa Sử, ĐH Sư phạm.

Năm 1957, ở tuổi 20, GS Tấn đã tốt nghiệp đại học và ở lại trường làm cán bộ bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, ĐH Sư phạm, do GS Đào Duy Anh phụ trách.

Năm 1988, ông bắt đầu công tác ở Viện Khảo cổ học, sau đó làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia.

Trong cuộc đời gần 50 năm nghiên cứu gắn với giảng dạy, ông đã hướng dẫn 25 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, công bố 298 bài báo, tham luận, nghiên cứu khoa học trên tạp chí trong và ngoài nước. GS Hà Văn Tấn còn là tác giả và đồng tác giả của hàng chục cuốn sách.

Ông được phong hàm giáo sư năm 1980, được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ (2000) và nhiều huy chương khác. 

GS Hà Văn Tấn được các thế hệ giáo viên và sinh viên khoa Lịch sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội, phong là một trong tứ trụ "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" (gồm các GS Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng) của nền sử học Việt Nam đương đại.

Vĩnh biệt cây đại thụ ngành sử học Phan Huy Lê

Được gặp gỡ và làm việc với GS Phan Huy Lê là sự may mắn của nhiều học trò, đồng nghiệp. Ông ra đi để lại khoảng trống không thể lấp đầy với người yêu lịch sử.



Nhật Lệ

Bạn có thể quan tâm