Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 con đường sự nghiệp khi du học cùng Bách khoa

Sinh viên tốt nghiệp chương trình Chuyển tiếp Quốc tế của Trường ĐH Bách khoa (TP.HCM) có thể học sau ĐH, làm việc tại nước ngoài hoặc về nước làm cho các tập đoàn đa quốc gia.

Chuyển tiếp Quốc tế (CTQT) là chương trình đào tạo chính quy theo mô hình bán du học do Trường ĐH Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHBK) hợp tác cùng các ĐH danh tiếng của Australia, Mỹ, New Zealand và Nhật Bản. Giai đoạn hai năm đầu, sinh viên được đào tạo kiến thức đại cương, cơ sở ngành, kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội tại Trường ĐHBK (cơ sở quận 10, TP.HCM). Giai đoạn hai năm cuối, sinh viên chuyển tiếp sang ĐH nước ngoài để hoàn tất chương trình học. Bằng tốt nghiệp do phía đối tác cấp.

Tự tin cạnh tranh với kỹ sư bản địa

Các ĐH đối tác của Trường ĐHBK đều là những trường danh tiếng trên thế giới như ĐH Monash, ĐH Adelaide, ĐH Công nghệ Sydney (Australia), ĐH Kentucky (Mỹ), ĐH Auckland, ĐH Otago (New Zealand), ĐH Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản)…

Mục tiêu quan trọng nhất của chương trình CTQT là đào tạo nguồn nhân lực toàn diện, có trình độ chuyên môn cao, giỏi ngoại ngữ, tự tin gia nhập vào thị trường lao động thế giới. Sinh viên tốt nghiệp chương trình CTQT của Trường ĐHBK có thể tiếp tục theo đuổi con đường học vấn sau ĐH, làm việc tại Australia hoặc về nước làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia.

Trần Huỳnh Minh Tuấn, cựu sinh viên khóa 2014 chương trình CTQT sang Australia ngành Kỹ thuật Dầu khí, đã lựa chọn cả hai hướng đi bằng việc học lên sau ĐH và ở lại nước sở tại làm việc. Hành trình học vấn và sự nghiệp của Tuấn từ Trường ĐHBK sang ĐH Adelaide ghi dấu nhiều thành tích đáng nể như tốt nghiệp ĐH Adelaide loại giỏi; được vinh danh là “Sinh viên Kỹ thuật Dầu khí ưu tú nhất ĐH Adelaide năm 2018”; được Chính phủ Australia đặc cách cấp học bổng tiến sĩ toàn phần trong ba năm không phải thông qua thạc sĩ; hay đạt danh hiệu “Sinh viên quốc tế xuất sắc nhất năm 2018” do chính quyền bang Nam Australia trao tặng.

DHBK anh 1

Trần Huỳnh Minh Tuấn tại hội thảo khoa học do Hiệp hội Kỹ sư Dầu khí tổ chức vào tháng 11/2023 tại Australia.

Minh Tuấn hiện làm việc cho Tập đoàn Cooper Energy - tập đoàn năng lượng đầu tiên tại Australia đạt được chứng chỉ trung hòa carbon của Chính phủ - với vai trò kỹ sư khai thác. Tháng 5 tới đây, Tuấn sẽ nhận bằng tiến sĩ do ĐH Adelaide cấp.

Trở về quê hương cống hiến

Khác với Tuấn, Vũ Thanh Tùng - cựu sinh viên khóa 2016 chương trình CTQT sang Australia ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử, chọn con đường trở về Việt Nam làm việc. Công ty Globalsew là nơi Tùng đang làm việc với vai trò Quản lý Kỹ thuật. Đây là tập đoàn của Hà Lan chuyên về máy may công nghiệp tự động cho giày dép, túi xách.

Tùng cho biết sinh viên chương trình CTQT nói riêng và Bách khoa nói chung luôn nằm trong danh sách ưu tiên tuyển dụng của các công ty, tập đoàn lớn. “Tuy nhiên, đi kèm với ưu tiên là những yêu cầu cao hơn về chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Với những trải nghiệm của bản thân, hành trang tri thức từ Bách khoa và ĐH đối tác đã giúp mình vững vàng và thích ứng nhanh với công việc”.

Giống với Vũ Thanh Tùng, cô bạn Nguyễn Thị Ngọc Tâm - cựu sinh viên khóa 2014 chương trình CTQT ngành Kỹ thuật Hóa học, sau khi nhận bằng tốt nghiệp từ ĐH Adelaide đã về nước làm việc cho Công ty Coca-Cola Việt Nam và đảm trách vai trò Trưởng nhóm Kiểm định chất lượng. “Chương trình CTQT là lựa chọn kinh tế, đồng thời đảm bảo được chất lượng đào tạo. Mình may mắn có được những kỷ niệm đẹp ở cả hai ngôi trường”, Tâm chia sẻ.

Theo đuổi con đường nghiên cứu

Yêu thích con đường nghiên cứu khoa học nên Phạm Lâm Đình Quang, cựu sinh viên khóa 2016 chương trình CTQT sang Nhật Bản ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, sau khi tốt nghiệp ĐH Công nghệ Nagaoka đã quyết định học lên thạc sĩ và tiến sĩ để đào sâu tri thức ở lĩnh vực kỹ thuật thông tin và điều khiển.

DHBK anh 2

Huỳnh Gia An (hàng đứng, chính giữa) cùng các đồng môn trong kỳ phỏng vấn chuyển tiếp sang Nhật vào tháng 1 năm nay.

Còn với Huỳnh Gia An - sinh viên khóa 2021 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Nhật ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, dù tới tháng 4/2024 mới sang ĐH Công nghệ Nagaoka nhưng cô bạn đã xác định rõ hướng đi tương lai là dấn sâu vào nghiên cứu khoa học. An tiết lộ: “Nhờ năm tuần ôn tập EJU (Kỳ thi Du học Nhật Bản) cùng các thầy Bách khoa nên mình được củng cố thêm vốn từ vựng chuyên ngành. Mình sẽ theo đuổi lĩnh vực hệ thống năng lượng khi qua Nhật”.

Để lựa chọn chương trình du học phù hợp, phụ huynh và học sinh quan tâm Ngày hội Du học Bách khoa 2024 diễn ra vào lúc 7-12h chủ nhật ngày 17/3 tại Trường ĐH Bách khoa (268 Lý Thường Kiệt, quận 10, TP.HCM) đăng ký tham gia tại đây.

Nội dung chương trình gồm tham vấn với đại diện các ĐH đối tác; tìm hiểu mô hình du học chuyển tiếp và toàn phần; khám phá hàng chục ngành học kỹ thuật - quản trị phong phú; tích lũy kinh nghiệm du học cùng cựu sinh viên Bách khoa Quốc tế; và tìm hiểu chính sách học bổng và nhận quà từ ĐH đối tác.

An Nghiên

Bạn có thể quan tâm