Môi trường làm việc độc hại khiến nhân viên mất ngủ, khó tập trung và có nguy cơ mắc bệnh cao. Ảnh: Thirdman/Pexels. |
Môi trường làm việc độc hại được định nghĩa là nơi có thời gian làm việc dài, quyền tự do hạn chế và mức lương thấp. Theo Hiệp hội sức khỏe Mỹ, khi làm cho một công ty như vậy, nhân viên sẽ bị tác động tiêu cực đến cả sức khỏe.
Cụ thể, việc sống trong môi trường lao động thiếu lành mạnh hàng ngày có thể gây ra các vấn đề sau:
- Mất ngủ
- Khó tập trung
- Dễ mắc bệnh thể chất, tinh thần.
Dưới đây, Psychology Today nhận định thêm các dấu hiệu về một nơi làm việc thiếu lành mạnh.
Một số công ty đề cao lợi nhuận hơn sức khỏe nhân viên. Ảnh: Tima Miroshnichenko/Pexels. |
Đặt lợi nhuận lên trên con người
Một số công ty quên rằng nhân sự của họ là con người chứ không phải máy móc. Các tổ chức này ưu tiên năng suất và sản lượng hơn sức khỏe nhân viên.
Môi trường làm việc độc hại không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và thể chất, mà còn buộc bạn hành động trái lương tâm để đạt mục tiêu. Cụ thể, bạn có thể hạ bệ đồng nghiệp để nâng cao giá trị bản thân.
Đối với những người cuồng công việc, môi trường công sở như vậy dễ dàng khiến họ kiệt sức. Khi ám ảnh với các kế hoạch và báo cáo, họ hoàn toàn phớt lờ những khía cạnh khác trong cuộc sống.
Nếu bạn cho rằng mình là một người nghiện công việc, nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Personality and Individual Differences khuyên bạn nên tránh xa những nơi làm việc không lành mạnh.
Nếu bạn đã là một thành viên của tổ chức như vậy, nhà nghiên cứu Benjamin Schellenberg khuyên bạn nên chuyển hóa nỗi ám ảnh công việc thành niềm đam mê tích cực. Khi đó, bạn không chỉ tránh tình trạng quá tải mà còn cải thiện được chất lượng công việc.
Phong cách lãnh đạo độc tài tạo ra môi trường làm việc cạnh tranh cao. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Lãnh đạo độc tài
Lãnh đạo độc tài là người luôn cho rằng "tôi là trên hết". Họ tự tin, dám chấp nhận rủi ro và luôn biết chính xác nhiệm vụ phải làm.
Tuy nhiên, phong cách dẫn dắt chuyên quyền có thể gây ra những hậu quả lớn như:
- Làm suy yếu sự hợp tác giữa các cá nhân
- Tạo ra môi trường cạnh tranh quá khốc liệt
- Thúc đẩy những nhân viên chấp nhận vi phạm đạo đức để đạt mục đích cá nhân.
Nếu bạn yêu thích một môi trường hữu nghị và đề cao sự cộng tác, những công ty có hệ thống phân cấp nghiêm ngặt không phải sự lựa chọn phù hợp.
Môi trường làm việc căng thẳng cao độ gây ra áp lực lớn cho nhân viên. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Môi trường làm việc căng thẳng
Môi trường làm việc căng thẳng có thể tác động xấu đến bạn, đặc biệt khi bạn là người cần không gian riêng để thử nghiệm và đưa ra quyết định.
Nếu bạn mắc các bệnh tâm lý, công việc này dễ dàng khiến bạn trở nên lo âu nhiều hơn.
Sự căng thẳng trong công việc khiến bạn luôn sống trong trạng thái bất an. Áp lực lớn nhất là vượt qua thành tích của chính mình.
Ngay cả khi bạn làm việc nhiều giờ liên tục, sự căng thẳng cao độ cũng tạo ra mong muốn bỏ cuộc.
Nghiên cứu được công bố trên Journal of Applied Psychology cho biết một công việc độc hại có thể thay đổi tính cách của bạn. Về lâu dài, bạn sẽ trở nên khó chịu và dễ dàng bị kích động hơn.
Trong trường hợp đó, bạn có thể lập một danh sách bao gồm ba yếu tố mà bạn ưu tiên cho một công việc. Danh sách này có khả năng giúp bạn giải quyết những vấn đề đang gặp phải.
Nếu môi trường làm việc hiện tại không thỏa mãn ít nhất hai trong ba yếu tố trên, bạn nên xem xét thay đổi công việc.
Khi đã nhận biết một công việc không lành mạnh, bạn không nên cố chấp theo đuổi. Sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng ưu tiên.