Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 Di sản Thế giới ở châu Á mới được UNESCO công nhận

Bãi bồi thủy triều của Hàn Quốc, tổ hợp rừng ở Thái Lan và khu rừng mưa cận nhiệt trên bốn hòn đảo ở Nhật Bản được UNESCO công nhận Di sản Thế giới nhờ giá trị độc đáo.

Sau một năm trì hoãn vì đại dịch Covid-19, phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban Di sản Thế giới được tổ chức trực tuyến và chủ trì từ Phúc Châu, Trung Quốc.

Theo đó, 34 địa danh đã được UNESCO công nhận Di sản Thế giới. Ngoài Tuyền Châu, vùng đất mà UNESCO ghi nhận là trung tâm giao thương của thế giới thời Tống - Nguyên (Trung Quốc), quần thể di tích khảo cổ thời Jomon ở Hokkaido và phía bắc Tohoku (Nhật Bản), tại châu Á còn có 3 địa điểm được thêm vào danh sách Di sản Thế giới nhờ giá trị tự nhiên độc đáo.

Bãi bồi thủy triều (Hàn Quốc)

Di san tu nhien chau A anh 1

Getbol, điểm đến kỳ thú tại Hàn Quốc. Ảnh: KoreaTravelPost.

Getbol hay bãi bồi thủy triều bao gồm bốn vùng đất ngập nước tại Seocheon, Gochang, Shinan và Boseong-Suncheong dọc theo bờ biển phía nam và tây nam của Hàn Quốc. Theo UNESCO, khu vực này được hình thành bởi sự kết hợp phức tạp giữa các điều kiện địa chất, hải văn và khí hậu dẫn đến sự phát triển hệ thống trầm tích đa dạng ven biển.

Hiện nay, bãi bồi thủy triều của Hàn Quốc là môi trường sống của 2.150 loài động vật, trong đó 22 loài đang bị đe dọa hoặc sắp bị đe dọa tuyệt chủng. Tại đây còn có 47 loài động vật không xương sống đặc hữu cùng 118 loài chim di cư đến khu bảo tồn thiên nhiên Mai Po (Mễ Phố) của Hong Kong.

Cát bùn ở bãi bồi Seocheon không những là nơi sinh sản và ương dưỡng của cá, mà còn bảo vệ các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng như mòng biển Saunders, dẽ mỏ thìa hay choắt lớn mỏ vàng. 125 loài cá được tìm thấy nơi đây gồm cá nóc sông, cá đá Hàn Quốc, cá chình Nhật Bản...

Di san tu nhien chau A anh 2

Hoàng hôn trên bãi bồi thủy triều của Hàn Quốc. Ảnh: Korea Mice Bureau.

Bên cạnh đó, khu bảo tồn đất ngập nước Gochang là nơi sinh sống của những sinh vật đang bị đe dọa tuyệt chủng như hạc trắng Á Đông hay mòng biển mỏ ngắn, theo báo cáo của Ramsar.

"Các bãi bồi thủy triều của Hàn Quốc chứng minh mối liên hệ giữa đa dạng địa chất và đa dạng sinh học, sự phụ thuộc hoạt động văn hóa con người vào môi trường tự nhiên", UNESCO kết luận.

Tổ hợp rừng Kaeng Krachan (Thái Lan)

Di san tu nhien chau A anh 3

Tổ hợp rừng Kaeng Krachan là Di sản thiên nhiên quý giá của Thái Lan. Ảnh: ASEAN Today.

Tổ hợp rừng Kaeng Krachan (KKFC) nằm trong khu vực rừng mưa bán thường xanh Tenasserim-Nam Thái Lan, nơi giao nhau giữa Himalaya, Đông Dương và quần thể động vật Sumatra, thuộc vùng sinh địa Indo-Malaya.

KKFC có tổng diện tích 4.702 km2 với địa hình hiểm trở, bao gồm 4 khu bảo tồn: Khu bảo tồn động vật hoang dã Mae Nam Phachi, vườn quốc gia Kaeng Krachan, vườn quốc gia Kui Buri và vườn quốc gia Chaloem Phrakiat Thai Prachan. Trong đó, vườn quốc gia Kaeng Krachan là khu bảo tồn quan trọng nhất trong KKFC.

Trước đó, UNESCO đã từ chối công nhận KKFC là Di sản thiên nhiên vì vấn đề nhân quyền ở vườn quốc gia Kaeng Krachan. Theo Bangkok Post, đơn vị quản lý vườn quốc gia Kaeng Krachan đã sử dụng các biện pháp bạo lực buộc dân làng Kayin rời khỏi những cánh rừng, nơi sinh sống của tộc người bản địa này trong suốt một thế kỷ.

KKFC là môi trường sống của nhiều loài sinh vật đặc hữu và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm cá sấu Xiêm, chó hoang châu Á (sói đỏ) và rùa núi nâu. Ngoài ra, tại một số khu rừng khộp rụng lá và rừng thường xanh ẩm còn tìm thấy những loài sinh vật quý hiếm như hổ, mèo săn cá, báo mây...

Rừng mưa cận nhiệt trên bốn hòn đảo (Nhật Bản)

Di san tu nhien chau A anh 4

Khu rừng mưa cận nhiệt trên đảo Amami Oshima, Nhật Bản. Ảnh: ippei janine.

Di sản thiên nhiên thứ năm của Nhật Bản có diện tích 42.698 ha, nằm trên bốn hòn đảo ở biển Hoa Đông, bao gồm đảo Amami Oshima, đảo Tokunoshima, phần phía bắc của đảo Okinawa và đảo Iriomote.

Những khu rừng mưa cận nhiệt là môi trường sống của năm loài động vật có vú, ba loài chim và ba loài lưỡng cư được xác định có sự tiến hóa khác biệt và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt, thỏ Amami và chuột lông dài Ryukyu không có họ hàng nào khác trên thế giới.

Tuy vậy, người dân Iriomote lo ngại sự kiện UNESCO công nhận khu rừng mưa cận nhiệt là Di sản thiên nhiên khiến hòn đảo trở thành "thỏi nam châm" hút khách du lịch, dẫn đến môi trường sống của các loài sinh vật đặc hữu bị hủy hoại.

Hiện nay, đảo Iriomote đón khoảng 300.000 lượt khách du lịch mỗi năm. Nhà chức trách địa phương đang có kế hoạch hạn chế lượng khách du lịch nhằm bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, theo Culture Trip.

Phúc Châu: Viên ngọc phương nam của Trung Quốc

Phúc Châu (Trung Quốc) dần trở thành điểm đến quen thuộc với du khách nhờ lịch sử lâu đời và nền văn hóa ẩm thực đặc sắc.

Vùng đất bí ẩn ở Afghanistan

Hành lang Wakhan từng là khu vực biệt lập ít người biết đến, nhưng vùng đất này đang phát triển từng ngày nhờ tuyến đường mới kết nối với Trung Quốc.

Hiểu Phong

Bạn có thể quan tâm