Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

3 điều người trẻ cần làm để tránh nguy cơ đột quỵ

Khám tổng quát định kỳ, từ bỏ lối sống độc hại... là những điều chuyên gia đầu ngành khuyên làm để người trẻ tránh được nguy cơ đột quỵ.

Tắm đêm khiến nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột là cũng là một trong những nguyên nhân khiến sức khỏe suy giảm. Ảnh: Shutterstock.

Trong khi đang hăng hái trên sân cầu lông, người đàn ông ở người Hà Nội bất ngờ ngã quỵ, liệt nửa người trái, nói đớ. Anh nhanh chóng được bạn bè đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Trong đêm 21/3, anh là bệnh nhân đột quỵ trẻ nhất được điều trị tại Trung tâm Đột quỵ.

Hàng loạt người bệnh đột quỵ rất trẻ

40 phút kể từ khi vào viện, người bệnh được chẩn đoán bị nhồi máu não cấp do tắc động mạch não. Anh vừa được sử dụng thuốc tiêu huyết khối và can thiệp lấy huyết khối để tái thông mạch máu nhanh hơn. Sau 30 phút, động mạch não bị tắc đã được tái thông hoàn toàn.

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, nhờ đến bệnh viện sớm và được điều trị tái tưới máu tích cực bằng phương pháp tiêu huyết khối và can thiệp lấy huyết khối, người bệnh đã hồi phục ngoạn mục.

Giờ đây, người đàn ông có thể nói chuyện và đi lại bình thường. Anh cũng có thể quay lại sân tập cầu lông như trước đây.

"Đây là một trong 6 ca bệnh đột quỵ được tiếp nhận trong đêm trực hôm đó. Điều đáng buồn là những bệnh nhân đều đang rất trẻ, lớn tuổi nhất cũng chỉ 45 tuổi", PGS đau đáu.

nguoi tre dot quy anh 1

PGS Tôn điều trị cho một bệnh nhân trẻ tại Trung tâm Đột quỵ. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai.

Không chỉ tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều đơn vị điều trị đột quỵ khác cũng ghi nhận không ít trường hợp người trẻ tuổi (dưới 45 tuổi) cấp cứu vì đột quỵ.

Tại trung tâm điều trị đột quỵ cấp lớn nhất phía Nam, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), từng tiếp nhận điều trị cho một nam thanh niên mới 21 tuổi.

Người bệnh có thể trạng thừa cân, tiền căn cao huyết áp và không có hiện tượng dị dạng mạch máu như nhiều bệnh nhân trẻ khác.

Tuy nhiên, bệnh nhân này có hiện tượng tăng sinh mạch máu, thường gặp ở những người thường xuyên sử dụng chất gây nghiện. Mãi sau này, nam thanh niên mới thú nhận thường xuyên sử dụng bóng cười.

Mỗi năm, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận 20.000 bệnh nhân đột quỵ. Trong đó, số bệnh nhân trẻ, dưới 45 tuổi, chiếm khoảng 15-20%.

Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng tiếp nhận nhiều người trẻ nhập viện vì đột quỵ. Trong đó, có những ca bệnh chỉ mới ngoài 30.

Theo ghi nhận của Tri thức - Znews ngày 8/3, một trong những bệnh nhân đột quỵ khá trẻ đang được chăm sóc tại đơn vị này chỉ 35 tuổi.

Người đàn ông tên T. có tiền sử thừa cân, cao huyết áp không được kiểm soát dẫn đến đột quỵ. Sau 10 ngày điều trị, người bệnh dù đã qua giai đoạn nguy hiểm nhưng vẫn có tổn thương thần kinh nặng, yếu liệt tứ chi.

nguoi tre dot quy anh 2

Người bệnh T. hồi phục sau 10 ngày được bạn học điều trị. Ảnh: Việt Linh.

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Cúc, khoa Đột quỵ não, thời gian gần đây, số bệnh nhân dưới 45 tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng, hiện chiếm khoảng 8% tại khoa Đột quỵ não. Trong số bệnh nhân trẻ, 84% là người 31-44 tuổi, 14% trong khoảng 19-30 tuổi và 2% dưới 18 tuổi.

Điều đáng buồn là rất nhiều người đến viện muộn, tình trạng bệnh đã nặng, hôn mê. Các bạn trẻ nhập viện với nguyên nhân hay gặp nhất là chảy máu não (47%), dị dạng mạch máu não (17%).

3 nguyên tắc ngừa đột quỵ

PGS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo để tránh mắc đột quỵ ở độ tuổi rất trẻ, mọi người cần đảm bảo thực hiện tốt 3 khuyến cáo này:

Thứ nhất, các bạn trẻ nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh.

Chế độ ăn uống nhiều carbohydrates, dầu mỡ, nhiều muối, cộng thêm thói quen lười vận động có thể dẫn đến các bệnh gây đột quỵ như béo phì, cao huyết áp, tiểu đường... Ngoài ra, việc sử dụng chất gây nghiện lâu dài gây ra hiện tượng tăng sinh mạch máu, dễ dẫn đến xuất huyết não.

Thứ hai, mọi người nên tầm soát các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu...

Tất cả bệnh viện đều có dịch vụ tầm soát các bệnh này với chi phí phải chăng. Việc khám tầm soát có thể giúp phát hiện các bệnh ở giai đoạn khởi phát. Người bệnh từ đó có các giải pháp ngăn ngừa bệnh tiến triển, dẫn đến biến chứng như đột quỵ trong tương lai.

Cuối cùng, khi xuất hiện một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu liệt tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt...), người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa điều trị đột quỵ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những lời từ trái tim bác sĩ

Bác sĩ là một công việc bận rộn, nhiều áp lực song không ít "thiên thần áo trắng" làm việc tại bệnh viện vẫn dành tình yêu cho sách, cho việc sáng tác những tác phẩm của riêng mình.

Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.

Cứu bé gái 9 tuổi suy thận giai đoạn cuối

Sau một năm phát hiện mắc suy thận và điều trị lọc máu, bé gái 9 tuổi cuối cùng cũng được ghép thận, chấm dứt chuỗi ngày đau đớn vì bệnh tật.

Linh Thuỳ

Bạn có thể quan tâm