Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 điều phụ nữ cần biết về ung thư cổ tử cung

Nhiều người cho rằng phụ nữ nhiễm HPV sẽ bị ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, quan niệm này không chính xác.

Năm 2018, Việt Nam có khoảng 4.200 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và hơn 2.400 người tử vong vì bệnh này. Phần lớn, bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn.

Các chuyên gia ung thư từ Viện nghiên cứu City of Hope (California, Mỹ) cho biết nếu phụ nữ càng hiểu rõ về bệnh, cơ hội phòng ngừa càng cao. Tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung trong 4 thập kỷ qua đã giảm 50% nhờ tầm soát sớm. Dưới đây là những hiểu lầm phổ biến của chị em về ung thư cổ tử cung.

ung thu co tu cung anh 1

Triệu chứng của ung thư cổ tử cung thường không rõ rệt và bị nhầm sang các bệnh sinh dục khác. Ảnh: Freepik.

Mọi phụ nữ nhiễm HPV đều bị ung thư cổ tử cung?

Khoảng 99% trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus lây nhiễm qua đường tình dục. Có hơn 100 loại virus HPV, nhiều loại trong số đó vô hại. Nhưng một số loại có thể gây thay đổi bất thường cho các tế bào cổ tử cung, nguy cơ dẫn đến ung thư. Các chủng virus gây ung thư cổ tử cung phổ biến nhất là HPV 16 và HPV 18.

Khoảng 14 triệu ca nhiễm HPV mới được phát hiện mỗi năm. Tuy nhiên, tiến sĩ Connie Trimble, Giám đốc Trung tâm Loạn sản cổ tử cung của Đại học Johns Hopkins, cho biết không phải ca nhiễm virus HPV nào cũng chuyển thành ung thư. Theo bà Connie, nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung của virus HPV rất thấp.

90% phụ nữ nhiễm HPV sẽ tự khỏi bệnh trong vòng 2 năm. Chỉ một số ít người có chủng HPV gây ung thư phát triển thành bệnh ác tính.

Theo American Cancer Society, ung thư cổ tử cung bắt đầu từ bộ phận sinh dục của phụ nữ. Cổ tử cung là phần dưới của dạ con. Bệnh khởi phát khi các tế bào ác tính trong cổ tử cung lớn không kiểm soát, lấn át tế bào thường. Điều này khiến cổ tử cung khó hoạt động. Tế bào ung thư có thể di căn sang các cơ quan lân cận như phổi, xương...

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt 3 loại vaccine ngừa HPV. Đầu tiên là Gardasil, được phê duyệt vào năm 2006, có tác dụng chống lại HPV 16 và HPV 18.

Năm 2009, FDA đã phê duyệt thêm vaccine Cervarix. Năm 2014, vaccine thứ 3 là Gardasil 9, được chứng minh có hiệu quả 97% trong việc ngăn ngừa cổ tử cung, âm đạo và bảo vệ bộ phận sinh dục khỏi các chủng HPV. FDA khuyến cáo nam giới và phụ nữ nên tiêm phòng vaccine HPV từ 9 đến 26 tuổi.

ung thu co tu cung anh 2

Ung thư cổ tử cung bắt đầu từ bộ phận sinh dục của phụ nữ. Ảnh: Medium.

Bệnh không thể phòng ngừa?

Theo quỹ NHS của Anh, ung thư cổ tử cung cũng như những bệnh hiểm nghèo khác không có cách ngăn ngừa tuyệt đối. Tuy nhiên, chúng ta có cách để giảm nguy cơ mắc bệnh. Tổ chức trên khuyến cáo phụ nữ nên kiểm tra cổ tử cung thường xuyên để phát hiện sớm các bất thường của tế bào trong cơ quan này.

Ngay cả khi được tiêm phòng HPV, chuyên gia cũng khuyên bạn nên tầm soát và theo dõi các thay đổi của cơ thể, nhất là tình trạng chảy máu âm đạo bất thường hay xuất huyết khi quan hệ.

Người mắc ung thư cổ tử cung còn gặp tình trạng đau rát, tiết dịch âm đạo bất thường, có mùi. Vùng lưng dưới, xương chậu đau. Ở giai đoạn cuối của bệnh, khối u ác tính đã lan ra khỏi cổ tử cung, xâm nhập các mô và cơ quan xung quanh.

Các chuyên gia cảnh báo thêm phụ nữ có thể giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung bằng cách không hút thuốc. Người không có thói quen trên có khả năng đào thải virus HPV ra khỏi cơ thể tốt hơn, tránh bệnh phát triển thành ung thư. Đặc biệt, phụ nữ nên quan hệ tình dục an toàn bởi HPV có thể lây qua đường này.

Ung thư cổ tử cung chỉ xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay ung thư cổ tử cung là loại phổ biến thứ 4 ở phụ nữ. Năm 2018, thế giới có khoảng 570.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Khoảng 311.000 người đã tử vong vì bệnh này.

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia ung thư của City of Hope, tất cả phụ nữ đều có khả năng mắc bệnh, không kể tuổi tác. Do đó, tổ chức này khuyên phụ nữ trên 21 tuổi nên khám tổng quát phụ khoa hàng năm và xét nghiệm tế bào cổ tử cung PAP định kỳ.

Phụ nữ từ 21 tuổi trở lên nên làm xét nghiệm PAP 3 năm/lần. Nữ giới từ 30 đến 64 tuổi nên xét nghiệm 5 năm/lần.

Ung thư cổ tử cung có thể gây chảy máu. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ có kỳ kinh nguyệt không đều đặn thường bỏ qua dấu hiệu này. Bệnh không gây đau đớn hoặc cảnh báo rõ ràng nên việc tầm soát và sàng lọc sớm đóng vai trò quan trọng giúp chị em phát hiện ung thư cổ tử cung.

Những xét nghiệm giúp phát hiện ung thư gan

Dựa trên chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết, các chỉ số sinh hóa, bác sĩ sẽ xác định bạn có mắc ung thư gan hay không và đưa phương án điều trị phù hợp.

Singapore tìm ra cách tiêu diệt tế bào ung thư không cần dùng thuốc

Phương pháp mới phủ axit amin lên bề mặt các hạt nano siêu nhỏ, xâm nhập vào tế bào ung thư và kích thích cơ chế tự tiêu hủy của nó.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm