Li Xiaolin có một cuộc sống tẻ nhạt. Anh tới làm việc ở xưởng kiểm tra xe của chú mình lúc 9h, đều đặn 6 ngày một tuần. Hoàn thành hết các đầu việc - kiểm tra lỗi cơ học như lốp mòn hoặc rò rỉ nhiên liệu - anh về nhà trước 17h rồi ăn và ngủ.
Nếu sếp yêu cầu Li làm thêm điều gì, anh thường nói: "Mai tôi làm tiếp được không?", "Anh nhờ ai khác làm cái đó được không?", "Tôi không làm có được không?".
Li năm nay 25 tuổi, là một người trong hàng triệu thanh niên Trung Quốc đang cố trốn chạy khỏi kỳ thi gaokao (đại học) khắc nghiệt và văn hóa "996" - làm việc 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần.
Theo CNA, Li là hiện thân của một thái độ sống mới: "bai lan" hay "để mặc thối rữa". Thuật ngữ này có nguồn gốc từ môn bóng rổ, khi các đội sẽ tự nguyện rút lui khi đối diện một trận đấu có khả năng thua cao.
Li Xiaolin cảm thấy công việc tẻ nhạt và không muốn nỗ lực thêm. |
3 ngọn núi
Đối với người trẻ Trung Quốc, tương lai là một cuộc chiến khắc nghiệt. 10,8 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đang gia nhập thị trường lao động trong năm nay, nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức kỷ lục, tới 20%. Mức tăng trưởng kinh tế của nước này giảm kể từ năm 2010 và càng trở nên khó khăn hơn sau những đợt phong tỏa vì Covid-19.
Bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc cũng ở hàng cao nhất thế giới.
Giới trẻ vỡ mộng đã tăng thêm áp lực cho chính quyền, khi những nhà lãnh đạo đặt mục tiêu vào công cuộc trẻ hóa đất nước.
Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, cho biết sự bất động của xã hội là nguyên nhân của hiện tượng "bai lan" - mặc kệ sự đời. Người trẻ đang chịu gánh nặng của "3 ngọn núi": giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở.
Giá bất động sản quá cao khiến nhiều người trẻ từ bỏ giấc mộng an cư. |
Lạm phát bất động sản đã đẩy giá nhà ở tăng cao tới mức người lao động làm việc cả đời cũng không đủ tiền mua căn hộ.
Dân số Trung Quốc già đi đồng nghĩa với chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên. "Nhiều người lo lắng liệu họ có nhận đủ hỗ trợ khi lớn tuổi hay không. Vì thế, họ cần tiết kiệm nhiều tiền hơn cho tương lai", Wu nói.
Đối với những người đã có con, giáo dục tư nhân trở thành một điều không thể thiếu giúp con họ nổi bật trong thị trường lao động quá cạnh tranh. Mức phí gia sư cũng cao ở mức không tưởng.
Hiện tại, quá nhiều sinh viên Trung Quốc không thể tìm được việc làm tương xứng với năng lực, trình độ. Kỹ năng của họ có thể không đủ đáp ứng nhu cầu trong một thị trường thay đổi nhanh chóng.
"Họ là những người tốt nghiệp đại học, thậm chí có bằng tiến sĩ, nhưng khi bước vào thị trường việc làm, họ chỉ nhận được những công việc khiêm tốn. Mọi người đang phải tranh giành một chiếc bánh quá nhỏ", Wu nói thêm.
Tất cả thực tế này dẫn đến nỗi bất an cực độ trong giới trẻ. Wu nói rằng vì họ không thể thay đổi cuộc sống của mình, cuối cùng đã chọn cách sống thụ động, mặc kệ sự đời.
Mặc kệ sự đời
Với Wang Yandong (25 tuổi), sự kiên trì đã không thể giúp những người như anh đạt được ước mơ của mình.
Wang học ngành cơ điện tử ở trường đại học, nhưng học không giỏi và chỉ có thể kiếm được công việc ở "đáy" của ngành. Anh làm việc ở một nhà máy điện tử và thấy công việc của mình thật nhàm chán.
Li và Wang dành thời gian cho sở thích riêng, vứt bỏ suy nghĩ về công việc sau giờ làm. |
Đến khi chuyển sang công việc quản lý chăm sóc sức khỏe và chuyển tới Bắc Kinh, anh vẫn thấy những mục tiêu của mình "chưa hoàn thành".
"Với mức lương hiện tại, tôi không thể mua đất hay nhà để định cư ở Bắc Kinh. Đó là điều không thể nào đạt được", Wang nói. "Vì thế, chúng tôi từ bỏ. Cuộc sống hiện tại cũng không tệ, chẳng có gì quan trọng cả".
Bây giờ, Wang tránh làm việc ngoài giờ và nghỉ vào cuối tuần. "Hết giờ làm, tôi chẳng nghĩ gì đến công việc nữa. Tôi chỉ nghĩ đến những thứ muốn ăn, và làm điều mình thích, như là chơi bóng rổ".
Wu nói rằng vấn đề về bất động sản đã nảy sinh từ những năm 2000. Trước khi "bai lan" thành từ khóa bùng nổ vào năm nay, người ta đã quen với xu hướng "tang ping" (nằm yên) - kêu gọi người trẻ từ chối nhịp sống xô bồ, cạnh tranh, ít tiêu dùng.
Giáo sư Ho Lok Sang, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Thượng Hải - Hong Kong, cho biết tư tưởng "tang ping" rất phổ biến. "Nhiều người trẻ đã mệt mỏi với cuộc chơi mà xã hội bắt họ tham gia, và họ không quá quan tâm đến cuộc cạnh tranh này".
Các xu hướng song song cũng đang phát triển ở các quốc gia khắp thế giới, như "quiet quitting" (âm thầm nghỉ việc) hay "slow living" (sống chậm), khi người trẻ không muốn nỗ lực trong công việc.
Trong khi một số chuyên gia cho rằng đây là những xu hướng vạch ranh giới lành mạnh, Wu cho rằng "bai lan" là tư tưởng đáng lo ngại. Ông gọi nó là "cuộc đua chìm xuống đáy".
Nhiều người trẻ chọn lối sống bình thản vì cho rằng có nỗ lực bao nhiêu cũng không thể đạt được mục tiêu. |
Sống cho thực tại
Tuy nhiên, không phải ai cũng lo ngại tư tưởng này. Với Guan Aizi, gia sư 29 tuổi, những người chọn lối sống bai lan như cô "không kéo đất nước thụt lùi, vì họ không phải kiểu sống không mục đích, hay trở thành gánh nặng cho cha mẹ, gia đình và xã hội".
Guan chỉ nhận dạy 2 lớp một ngày và dành phần lớn thời gian cho sở thích mới của mình là trượt ván.
Chỉ mới một năm trước, cuộc sống của cô còn quay cuồng với 15 giờ làm việc mỗi ngày.
"Lúc mới tốt nghiệp, tôi thấy mình bất khả chiến bại, tràn đầy năng lượng. Khi ấy, tôi có niềm tin mãnh liệt rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ thì mục tiêu nào cũng sẽ đạt được, vì tôi còn trẻ. Tôi có thời gian và cơ hội", Guan nói.
Guan chọn sống cho thực tại thay vì quay cuồng trong công việc như trước đây. |
Thế nhưng, dần dần, cô nhận ra "phần thưởng không hề tương xứng với nỗ lực". Mỗi ngày, cô đều thấy mệt mỏi. Cơ thể cô không thể đối phó được, tâm trí luôn lo lắng.
"Dù cố gắng thế nào, tôi cũng thấy mình không thể giỏi bằng những người khác. Có thể điểm kết thúc của tôi còn chẳng bằng điểm xuất phát của người ta".
Vì vậy, cuối cùng Guan chọn lối sống mà cô cho là tốt nhất với mình: mặc kệ sự đời.