Ngày 22/8, TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, ngoài kháng cáo của 18 người và kháng nghị của VKSND tỉnh Sóc Trăng liên quan đến vụ án tại Công ty Phương Nam, đã có 3 ngân hàng kháng cáo.
Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) yêu cầu cấp phúc thẩm buộc Công ty Phương Nam (trụ sở tại Sóc Trăng) phải trả đủ các khoản nợ và lãi vay cho nhà băng này.
VDB không đồng ý với bản án sơ thẩm tuyên ngày 3/8, về việc chia trên 40,6 tỷ đồng là tiền bán hàng tồn kho của Phương Nam cho 5 ngân hàng bị doanh nghiệp thiếu nợ. Từ đó, VDB muốn được ưu tiên thu trước toàn bộ số tiền này.
Lâm Minh Mẫn, nguyên Kế toán trưởng Công ty Phương Nam bị cấp sơ thẩm buộc trả cho các ngân hàng hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Việt Tường. |
Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm buộc Công ty Phương Nam tiếp tục trả hết phần dư nợ vay và lãi phát sinh. Vietcombank cũng muốn nhận hết 40,6 tỷ đồng và xem đây là tiền thu được từ việc xử lý tài sản thế chấp là hàng tồn kho của Công ty Phương Nam.
Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhà băng này kháng cáo với nội dung yêu cầu chia 40,6 tỷ đồng cho các ngân hàng. Cách chia mà Sacombank đưa ra là theo tỷ lệ dư nợ (không bao gồm tiền lãi) sau khi đã cấn trừ nợ đã chuyển thành vốn góp vào Công ty Phương Nam.
Ngoài ra, Sacombank yêu cầu cấp phúc thẩm buộc Công ty Phương Nam có trách nhiệm trả nợ cho các ngân hàng sau khi tái cơ cấu.
Trước đó, VKSND tỉnh Sóc Trăng cũng kháng nghị về số tiền trên 40,6 tỷ đồng từ việc bán hàng tồn kho tại Công ty Phương Nam. Theo cơ quan công tố, số tiền này phải ưu tiền giao cho VDB theo Điều 325 Bộ Luật Dân sự, quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm.
Theo bản án sơ thẩm, ngoài mức án từ 12 đến 14 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lâm Minh Mẫn và Trịnh Thị Hồng Phượng (nguyên Kế toán trưởng và Phó giám đốc Công ty Phương Nam) phải có trách nhiệm trả cho 5 ngân hàng trên 784 tỷ đồng. Đây là số tiền mà Phương Nam mất khả năng thanh toán cho các ngân hàng và được cho là cha con ông Lâm Ngọc Khuân (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam) chiếm đoạt.
Theo HĐXX sơ thẩm, khi nào bắt được cha con ông Khuân thì số tiền này sẽ được xem xét lại đối với Phượng và Mẫn.
Đối với trên 40,6 tỷ đồng, cấp sơ thẩm tuyên chia cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB) Hậu Giang trên 11,3 tỷ, VDB Sóc Trăng 14,8 tỷ, Sacombank Sóc Trăng 6,4 tỷ, Ngân hàng An Bình (ABBank) chi nhánh Bạc Liêu 3,6 tỷ và Vietcombank Sóc Trăng 4,4 tỷ. Như vậy, LBB và ABBank không kháng cáo.
Theo hồ sơ tố tụng, Công ty Phương Nam quan hệ tín dụng với 8 ngân hàng. Tổng số tiền công ty này vay từ năm 2008 đến 2012 lên đến trên 16.169 tỷ đồng. Trong đó, Phương Nam chỉ sử dụng vốn vay đúng mục đích để duy trì sản xuất kinh doanh là 5.971 tỷ, còn lại hơn 10.198 tỷ được doanh nghiệp sử dụng sai mục đích, chủ yếu là đáo nợ và trả lãi vay cho các ngân hàng.
Quá trình kinh doanh, Công ty Phương Nam lỗ trên 996 tỷ đồng.
Ngày 30/11/2011, ông Khuân và vợ xuất cảnh sang Mỹ với lý do trị bệnh nhằm bỏ trốn. Hân (Việt kiều Mỹ) thay cha làm giám đốc công ty và xuất cảnh trở lại Mỹ ngày 11/7/2012. Lúc này, dư nợ của Phương Nam tại các ngân hàng trên 1.600 tỷ đồng.
Cho rằng cha con ông Khuân lừa đảo, Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc, khởi tố 29 bị can. Trong đó, cha con ông Khuân bị truy nã quốc tế, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Ngoài Phượng và Mẫn, HĐXX sơ thẩm tuyên 25 bị cáo là cán bộ và nguyên cán bộ của 5 ngân hàng, mỗi người lĩnh từ 2 đến 7 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.