Chiều 3/8, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên Lâm Minh Mẫn 14 năm tù, Trịnh Thị Hồng Phượng 12 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan vụ án, 25 bị cáo là cán bộ và nguyên cán bộ của 5 ngân hàng, mỗi người lĩnh từ 2 đến 7 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo HĐXX, trong "đại án" xảy ra tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Công ty Phương Nam, trụ sở tại TP Sóc Trăng), có 8 ngân hàng quan hệ tín dụng với doanh nghiệp này. Tổng số tiền Công ty Phương Nam vay từ năm 2008 đến 2012 lên đến trên 16.169 tỷ đồng.
Trong đó, Phương Nam chỉ sử dụng vốn vay đúng mục đích để duy trì sản xuất kinh doanh là 5.971 tỷ, còn lại hơn 10.198 tỷ được doanh nghiệp sử dụng sai mục đích, chủ yếu là đảo nợ và trả lãi vay cho các ngân hàng.Quá trình kinh doanh, Công ty Phương Nam lỗ trên 996 tỷ đồng. Để tạo uy tín làm ăn với các ngân hàng, ông Lâm Ngọc Khuân (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam) và con gái Lâm Ngọc Hân đã chỉ đạo Mẫn (nguyên kế toán trưởng) lập 19 báo cáo tài chính từ lỗ thành lãi. Trong đó, ông Khuân ký duyệt 13 bản, Hân 4 bản và Phượng (phó giám đốc) ký 2 bản.
Các bị cáo nghe tuyên án chiều 3/8. Ảnh: Việt Tường. |
Căn cứ vào các báo cáo tài chính và giá trị khống của hàng tồn kho do Công ty Phương Nam đưa ra, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Sở giao dịch Hậu Giang (LPB Hậu Giang), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng, Vietcombank Sóc Trăng, Sacombank Sóc Trăng và Ngân hàng An Bình (ABbank) chi nhánh Bạc Liêu đã ký với lãnh đạo Phương Nam 21 hợp đồng thế chấp, giải ngân hàng nghìn tỷ đồng.
Ngày 30/11/2011, ông Khuân và vợ xuất cảnh sang Mỹ với lý do trị bệnh nhằm bỏ trốn. Hân (Việt kiều Mỹ) thay cha làm giám đốc công ty và xuất cảnh trở lại Mỹ ngày 11/7/2012. Lúc này, dư nợ của Phương Nam tại các ngân hàng trên 1.600 tỷ đồng.Cho rằng cha con ông Khuân lừa đảo, Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc, khởi tố 29 bị can. Trong đó, 27 người bị bắt hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú, cha con ông Khuân bị truy nã quốc tế.
Lâm Minh Mẫn lĩnh án cao nhất và HĐXX buộc bị cáo này phải bồi thường cho các ngân hàng trên 392 tỷ đồng. Phượng cũng bị buộc bồi thường bằng với số tiền này. Ảnh: Việt Tường. |
HĐXX TAND tỉnh Sóc Trăng xác định Mẫn và Phượng là đồng phạm giúp sức cho ông Khuân và Hân lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của các ngân hàng.
Hai bị cáo này khai ông Khuân buộc họ lập và ký hồ sơ gian dối nhằm qua mặt ngân hàng để vay vốn. Tuy thế, HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo là cố ý, nhiều lần và có đủ cơ sở để xác định phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
25 bị cáo còn lại được HĐXX xác định, họ bỏ qua hàng loạt các quy định trong việc cho vay, khiến các ngân hàng bị thiệt hại trên 784 tỷ đồng. Trong đó, VDB Sóc Trăng không thể thu hồi 229 tỷ đồng, LPB Hậu Giang 237 tỷ, Sacombank Sóc Trăng 125 tỷ, ABbank Bạc Liêu 49 tỷ và Vietcombank Sóc Trăng hơn 72,6 tỷ.Do cha con ông Khuân đã bỏ trốn, Mẫn và Phượng bị HĐXX buộc mỗi người phải bồi thường cho các ngân hàng trên 392 tỷ đồng. Ngoài ra, hai bị cáo mỗi người phải chịu án phí sơ thẩm trên 500 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Bích Dung, nguyên Phó giám đốc Vietcombank Sóc Trăng bị tuyên 4 năm tù. Ảnh: Việt Tường. |
Đối với trên 40 tỷ đồng có được từ bán hàng tồn kho tại Công ty Phương Nam, HĐXX tuyên LPB Hậu Giang nhận trên 11,3 tỷ, VDB Sóc Trăng 14,8 tỷ, Sacombank Sóc Trăng 6,4 tỷ, ABbank Bạc Liêu 3,6 tỷ và Vietcombank Sóc Trăng 4,4 tỷ.
HĐXX cũng đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND tối cao tiếp tục điều tra, làm rõ dấu hiệu sai phạm của 3 ngân hàng có quan hệ tín dụng với Công ty Phương Nam từ 2008 đến 2012. Đó là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Sóc Trăng, Vietinbank Sóc Trăng và Ngân hàng Liên doanh Việt Thái.