Một trẻ đang được điều trị bệnh sởi ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Chiều 29/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương dẫn đầu đã làm việc với UBND TP.HCM về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Thứ trưởng Y tế nhận định TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch sởi như dân số đông, di biến động dân cư lớn, nhiều khu công nghiệp và nhà trọ, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thấp… cùng với thời gian ủ bệnh sởi dài.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương làm việc với UBND TP.HCM về tình hình phòng, chống dịch sởi chiều 29/8. Ảnh: Linh Thùy. |
Nhóm có nguy cơ cao mắc sởi
Thông tin tại buổi báo cáo, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tính đến ngày 27/8, TP.HCM ghi nhận 432 bệnh nhân mắc sởi. 55,8% trong số đó là bệnh nhân từ tỉnh chuyển lên; Ba trường hợp không qua khỏi liên quan đến sởi đều mắc các bệnh bẩm sinh.
Ngoài ra, kết quả điều tra kháng thể cho thấy tỷ lệ mẫu có kháng thể thấp dưới ngưỡng 95%. Điều này có thể do sự suy giảm nồng độ kháng thể theo thời gian hoặc chưa tiêm đủ vaccine.
TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Linh Thùy. |
Theo đó, nhóm trẻ thuộc một trong 3 nhóm sau đây được xem là trẻ có nguy cơ cao:
- Nhóm trẻ mắc bệnh nền: bệnh tim mạn tính (suy tim, bệnh cơ tim), bệnh phổi mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn, khí phế thủng, hen phế quản), bệnh gan mạn tính (teo đường mật bẩm sinh, bệnh chuyển hoá, hội chứng Alagill), tiểu đường, dò dịch não tuỷ và cấy ốc tai điện tử.
- Nhóm bệnh vô lách chức năng hoặc giải phẫu gồm: bệnh vô lách bẩm sinh hoặc mắc phải, bệnh hồng cầu hình liềm và các bệnh Hb khác.
- Nhóm suy giảm miễn dịch: bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải, HIV/AIDS, suy thận mạn, hội chứng thận hư, bệnh bạch cầu cấp, lymphoma , u ác tính, bệnh đa u tuỷ, bệnh Hodgkin và ghép tạng đặc.
Bên cạnh đó, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó giám đốc Viện Pasteur TP.HCM (Bộ Y tế), cho biết hầu hết ca mắc sởi đều xuất hiện tại các quận huyện vùng ven như Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn... là con của các công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp. Do đó, ông đề xuất thành phố cần phối hợp với với các khu công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để cha mẹ đưa trẻ đi tiêm.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm phòng chống dịch sởi, tạo miễn dịch cộng đồng đạt trên 95%. Thời gian tới, thành phố tập trung thực hiện biện pháp phòng chống dịch sởi, tiếp tục nghiên cứu triển khai Luật Phòng thủ dân sự; chỉ đạo chính quyền các địa phương về công tác phòng, chống dịch để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất.
Liên quan công tác tiêm vaccine, TP.HCM cần khẩn trương tổ chức tiêm an toàn và hiệu qua, xử trí các phản ứng sau tiêm; chủ động tiêm vaccine cho các đối tượng khác có nguy cơ bên cạnh các đối tượng đã được đề cập của Bộ Y tế. Đồng thời, TP.HCM cần tiếp tục giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh ở cộng đồng, đặc biệt các nhóm trẻ con em của công nhân tại các khu công nghiệp,
Thứ trưởng cũng đề nghị TP.HCM sẵn sàng thiết bị, thuốc, kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế; phối hợp với các địa phương quản lý các ca bệnh điều trị tại nhà, bệnh nhân chuyển tuyến...
Tiêm một mũi vaccine cho tất cả trẻ 1-5 tuổi
Sau khi công bố dịch, UBND TP.HCM cũng ban hành Kế hoạch ứng phó dịch bệnh sởi, trong đó, nhanh chóng tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine với mục tiêu 95% người thuộc nhóm tiêm chủng phải được tiêm một mũi vaccine sởi - rubella.
Theo đó, TP.HCM sẽ tiêm cho trẻ 1-5 tuổi chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử, trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao. Thành phố cũng tổ chức tiêm bù cho trẻ 6-10 tuổi, tiêm bù cho nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc bệnh sởi; tiêm bù cho nhân viên y tế chăm sóc trẻ nguy cơ cao.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, cũng cho hay đơn vị này vừa mới mua 300.000 liều vaccine sởi, dự kiến chiều 30/8 thuốc sẽ về đến TP.HCM, đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho chiến dịch tiêm chủng sắp tới.
Chiến dịch tiêm chủng dự kiến được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng một tháng, bắt đầu từ ngày 31/8.
Giai đoạn | Đối tượng | Tiền sử tiêm chủng | Thời gian triển khai |
Giai đoạn 1 | Trẻ từ 1-5 tuổi (bao gồm trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao) | Chưa tiêm đủ 2 mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng | Từ 31/8 |
Trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (6-16 tuổi) | Chưa tiêm đủ 2 mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. | ||
Nhân viên y tế, người làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi | Chưa tiêm đủ mũi | ||
Nhân viên y tế, người chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao | Chưa tiêm đủ mũi | ||
Giai đoạn 2 | Trẻ từ 6-10 tuổi | Chưa tiêm đủ mũi | |
Đối tượng còn sót lại ở giai đoạn 1 chưa được tiêm |
Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội
Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.