Tôi đã có 3 tiếng hoàn toàn thư giãn khi tập trung làm một bức tranh ghép từ các mảnh đá.
Tôi rất thích tham gia các workshop vào dịp cuối tuần. Tại đây, tôi được trải nghiệm và học hỏi nhiều điều thú vị. Đây cũng là thời gian tôi tạm rời xa điện thoại để tập trung làm gốm, vẽ tranh hoặc nấu ăn, cắm hoa.
Tuần này, tôi thử tham gia workshop mosaic art (nghệ thuật khảm hay còn gọi là tranh ghép) của Tòong Teng Mosaic. Đây là một loại hình nghệ thuật trang trí với những bức tranh được tạo thành từ nhiều mảnh thủy tinh hoặc gốm.
Đặt chỗ trước, lưu ý khi tìm đường
Tôi nhắn tin cho fanpage của Tòong Teng Mosaic để đặt lịch trước. Tôi chọn đi vào ngày trong tuần để đỡ đông đúc. Nếu đi vào cuối tuần, bạn nên đặt chỗ trước ít nhất 48h để đảm bảo workshop còn chỗ.
Tòong Teng nằm ở tầng 2 của một chung cư cũ trên đường Lý Văn Phức, quận 1. Sau khi gửi xe, tôi loay hoay mất khoảng 20 phút để tìm đường lên dù đã thấy bảng chỉ dẫn. Cầu thang dẫn lên lầu 2 bị khuất nên tôi đã đi nhầm sang một block khác. Bạn có thể gọi điện để nhân viên trực tiếp hướng dẫn cách đi hoặc hỏi người dân ở đây để đỡ tốn thời gian đi vòng vèo.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là không gian của Tòong Teng rất nhiều màu sắc rực rỡ. Căn phòng nhỏ tràn ngập nắng với chiếc ban công xanh mát khiến tôi thấy thoải mái, dễ chịu. Không gian sáng sủa, xinh xắn cũng giúp bạn dễ dàng có một bức ảnh "sống ảo" đẹp.
Kiên nhẫn dùng đá ghép tranh
Tôi được nhân viên hướng dẫn và tư vấn chọn kích cỡ tranh sẽ làm. Tôi chọn làm tranh 20 x 25 cm vì nó sẽ tốn khoảng 3 tiếng để hoàn thiện.
Tiếp theo là bước phác hoạ bức tranh mà bạn muốn làm bằng bút chì. Tôi vốn là người rất tệ trong khoản vẽ vời nên có chút lúng túng. Bạn nhân viên khuyến khích tôi vẽ thoải mái, đơn giản, không sợ sai hay xấu.
Sau khi có ý tưởng về bức tranh, bạn cần chọn màu sắc đá mình sẽ dùng. Khác với màu vẽ, các loại đá này không có sự linh hoạt trong việc thể hiện các sắc độ. Vậy nên, bạn cần chọn những màu sắc độ tương phản cao để làm nổi bật chủ thể. Bạn cũng nên chọn một màu với các sắc độ khác nhau, ví dụ như hồng - cam - đỏ để khi lên tranh tạo được hiệu ứng thị giác đẹp mắt.
Tôi đã phải suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều dưới sự tư vấn của nhân viên để chọn được các loại đá màu mình mong muốn.
Tiếp theo, tôi được hướng dẫn dùng kìm để cắt nhỏ các mảnh đá. Cần phủ một chiếc khăn nhỏ để khi cắt để các mảnh đá không bị văng ra xa hay gây nguy hiểm. Ban đầu, tôi hơi lúng túng vì tay còn yếu, không quen dùng lực mạnh. Sau đó tôi quen dần và thấy việc cắt nhỏ đá dễ dàng hơn nhiều.
Tiếp theo, bạn dùng keo nước dán các mảnh đá vào các phần trong bức tranh. Bước này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự kiên nhẫn, tập trung và tỉ mỉ. Đây cũng là không gian để bạn thoả sức sáng tạo.
Bạn có thể ghép các các mảnh đá to, nhỏ với kích cỡ khác nhau cho ra hình thù mà mình mong muốn. Ghép những mảnh to ban đầu rất dễ dàng. Rồi khi chỉ còn lại những khe hở, tôi đã “toát mồ hôi” căn ke, tính toán để cắt mảnh đá sao cho vừa khít. Tôi từng thốt lên vui mừng vì loay hoay mãi cũng làm được 1 mảnh đá nhỏ để “điền vào chỗ trống”.
Sau 3 tiếng, tôi đã có được thành phẩm là một bức tranh nhỏ xinh cùng một khoảng thời gian vui vẻ. Tôi phải trả 600.000 đồng cho workshop này và thấy nó rất xứng đáng.
Một số lưu ý khi tham gia workshop:
- Không nên chọn tranh có kích thước quá to nếu bạn không có nhiều thời gian.
- Nếu bạn chưa hoàn thiện tranh trong một buổi, Tòong Teng cho phép bạn được đến và hoàn thiện tranh vào một buổi khác.
- Khi phác hoạ ý tưởng, hãy vẽ những đường nét đơn giản, không quá chi tiết để dễ gắn đá và chọn màu sắc.
- Khi ngồi một thời gian dài, hãy đứng lên đi lại và nghỉ ngơi rồi tiếp tục để không bị căng thẳng vì tập trung quá lâu.