Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 tù nhân Mỹ và cuộc vượt ngục khó tin nhất lịch sử

Với những vật dụng thô sơ như dao lam, thìa xúc cơm hay áo mưa, Frank Morris cùng đồng phạm đã tạo ra cuộc vượt ngục vô tiền khoáng hậu.

Một đêm giữa tháng 6/1962, không gian tĩnh mịch tại nhà tù Alcatraz bị phá vỡ bởi những tiếng gõ tường. Frank Morris, Allen West cùng anh em John và Clarence Anglin, đã sẵn sàng cho cuộc đào thoát khỏi "siêu nhà tù" khét tiếng bậc nhất nước Mỹ.

Sau một giờ đồng hồ, 3 trong 4 tên tội phạm vượt ngục thành công. Những lực lượng tinh nhuệ nhất của nước Mỹ đã vào cuộc, song tung tích của nhóm tù nhân vượt ngục này vẫn mãi là một bí ẩn.

"Siêu nhà tù" Alcatraz

Nhà tù Alcatraz nằm trên đảo Alcatraz, cách bờ biển San Francisco khoảng 2 km và được bao quanh bởi sương mù, nước lạnh cùng từng đàn cá mập trắng. Vượt ngục tại đây được coi như một nhiệm vụ không tưởng, kể cả với những gã sừng sỏ như Al Capone "hai súng", "người chim" Robert Straud hay "súng máy" George Kelly.

tu tu vuot nguc tai My anh 1

John Anglin, Clarence Anglin và Frank Morris (từ trái sang) được cho đã trốn thoát thành công khỏi Alcatraz ở cuộc vượt ngục hồi tháng 6/1962. Ảnh: Corbis.

Về cấu tạo, giữa các lớp an ninh của Alcatraz không có hệ thống đường ống liên lạc. Muốn trốn thoát, tử tù phải chạy qua các hành lang, nơi luôn được giám sát bởi những tay súng thiện xạ và sẵn sàng "bắn bỏ" những kẻ có ý đồ vượt ngục.

Năm 1934, ban quản lý nhà tù thay mới toàn bộ hệ thống song sắt cũ bằng thép cứng, vô hiệu hóa cưa kim loại và có chi phí khoảng 200.000 USD, lớn hơn số tiền xây dựng nhà tù năm 1912.

Hệ thống khóa phòng giam cũng được thay bằng khóa điện tử, được điều hành tại phòng điều hành chung. Điều này khiến việc đánh cắp, sao lưu chìa khóa của cai ngục là điều không thể xảy ra.

Trước năm 1962, Alcatraz chứng kiến tổng cộng 33 tù nhân cố gắng trốn thoát trong 13 vụ vượt ngục. Trong số này, 6 người bị bắn chết, 23 người bị bắt trở lại còn 4 người chết vì kiệt sức và sốc nhiệt khi bơi trong dòng nước lạnh quanh đảo.

Thập niên 1930-1940, Alcatraz được coi là "siêu nhà tù" của nước Mỹ. Song, mọi chuyện đã thay đổi từ sau ngày 11/6/1962.

Kế hoạch hoàn hảo

Hệ thống an ninh hoàn hảo, đội ngũ quản giáo dày đặc, trang bị tối tân cùng tần suất điểm danh 12 lần/ngày biến Alcatraz trở thành mảnh đất dữ với bất kỳ phạm nhân nào manh nha ý định vượt ngực. Tuy nhiên, tất cả đã bị khuất phục bởi Frank Morris, gã tù nhân vướng lao lý từ năm 13 tuổi và có chỉ số IQ trong top 2% cao nhất dân số Mỹ khi ấy.

Sau 2 năm tại đây, Morris phát hiện phía sau lỗ thông gió của các buồng giam là một hành lang lắp đặt thiết bị điện, nơi hiếm hoi không có người canh gác. Đi hết hành lang, đu qua đường ống nước sẽ tới nóc nhà tù. Từ đó, ý tưởng điên rồ về một cuộc vượt ngục đã manh nha xuất hiện.

tu tu vuot nguc tai My anh 2

Alcatraz có địa thế và thiết kế đặc biệt, thách thức bất cứ tù nhân nào có ý đồ vượt ngục. Ảnh: Amazonaws.

6 tháng liên tiếp sau đó, những tên tù nhân liên tục đào khoét lỗ thông gió phía dưới bồn rửa mặt của buồng giam với dao lam, thìa xúc cùng chiếc máy khoan tự chế, chế tạo từ một chiếc máy hút bụi đánh cắp của nhà tù.

Quá trình đào bới, để lấn át tiếng đục khoét, những tên này thay nhau gào thét, đùa giỡn với phạm nhân phòng bên. Morris thậm chí sử dụng tiếng đàn accordion để đánh lạc hướng quản giáo nhà tù.

Đào bới xong, anh em nhà Anglin được giao nhiệm vụ làm những chiếc đầu giả từ giấy bồi còn Morris biến chiếc accordion của mình thành một chiếc bơm tự chế, dùng để bơm phồng chiếc bè cứu sinh được làm từ hơn 50 cái áo mưa cao su ăn trộm của nhà tù.

21h30 ngày 11/6/1962, Morris, West cùng anh em nhà Anglin bắt đầu hành động.

tu tu vuot nguc tai My anh 3

Morris cùng đồng phạm làm đầu giả từ giấy bồi để đặt trên đầu giường, đánh lừa quản giáo. Ảnh: Getty Images.

Đèn trại giam vụt tắt, những chiếc đầu giả được đặt lên giường. Bốn tên tội phạm chui qua đường ống thông gió để đến khu vực ống nước.

Tuy nhiên, lớp xi măng trát tạm tại phòng giam của West bị đông cứng, không thể đục bỏ. Tử tù này phải ở lại trong khi Morris cùng anh em nhà Anglin tiếp tục hành trình vượt ngục.

Ba tên này leo ống nước để lên mái nhà rồi leo xuống bằng đoạn ống nước dài gần 20 m để tới chỗ chiếc bè tự chế. Khai với cảnh sát, West cho biết sau khi rời đảo, những tên này sẽ di chuyển tới đảo Angel gần đó trước khi tách ra, mỗi người một hướng.

7h15 sáng 12/6/1962, cuộc vượt ngục bị phát hiện. Lệnh giới nghiêm được ban hành tại Alcatraz. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cùng các lực lượng tinh nhuệ nhất được huy động, mở ra cuộc truy lùng lớn chưa từng có trong lịch sử.

Tung tích bí ẩn

Ngày 14/6/1962, trực thăng phát hiện một tấm gỗ có xuất xứ từ những kiện hàng vật tư của công ty sản xuất găng tay gửi đến nhà tù. FBI cho biết nhóm vượt ngục dùng tấm gỗ ấy làm chỗ ngồi trên bè.

tu tu vuot nguc tai My anh 4

Hành lang phía sau buồng giam, nơi hiếm hoi không có người canh gác. Ảnh: Getty Images.

Cùng ngày, thủy thủ trên một tàu đánh cá vớt được chiếc ví có hình ảnh, tên và địa chỉ người thân của John Anglin.

Đúng một tuần sau, FBI thu được những mảnh áo mưa dạt vào bờ biển gần Cầu Cổng Vàng. Chiều hôm đó, một phao nhỏ làm từ áo mưa được tìm thấy cách Alcatraz 46 m.

Tuy nhiên, đó cũng là tất cả những gì cơ quan chức năng Mỹ tìm được.

Việc 3 tử tù "bặt vô âm tín" từ khi trốn thoát khiến FBI tin rằng những tên này có thể đã chết trong làn nước lạnh ở biển.

Các thực nghiệm hiện trường cho thấy với các thiết bị tương tự chiếc bè tự chế, người tham gia thực nghiệm đều bị dòng hải lưu cuốn ra Thái Bình Dương rồi kiệt sức vì ướt và lạnh.

Tuy nhiên, với những trường hợp trốn thoát và chết đuối trước đây, thi thể thường được tìm thấy rất nhanh. Trong khi, cảnh sát không tìm ra bất cứ manh mối nào đủ sức nặng để chứng minh việc Morris cùng 2 đồng phạm còn sống hay không.

Năm 1979, FBI kết thúc điều tra, kết luận rằng Morris cùng anh em nhà Anglin khó lòng sống sót khi bơi qua dòng nước lạnh bao quanh nhà tù.

Tuy nhiên, tới năm 2018, dư luận Mỹ được phen sửng sốt khi kênh truyền hình CBS San Francisco công khai lá thư của một người tự nhận là John Anglin, một trong 3 tù nhân trốn thoát, gửi tới FBI vào năm 2013.

"Tôi là John Anglin. Tôi trốn thoát từ Alcatraz vào tháng 6/1962 cùng em trai Clarence và Frank Morris. Tôi đã 83 tuổi và đang mắc bệnh ung thư. Frank qua đời vào tháng 10/2005, ngôi mộ của ông ta hiện ở Alexandria dưới một cái tên khác còn em trai tôi mất vào năm 2011. Nếu cảnh sát thông báo trên TV và hứa rằng tôi sẽ được chăm sóc y tế, điều trị ung thư khi chấp nhận ngồi tù một năm, tôi sẽ cho biết nơi mình đang sinh sống. Đây không phải một trò đùa vì tôi đang kể lại sự thật", nội dung bức thư cho hay.

tu tu vuot nguc tai My anh 5

Bức ảnh được cho là của anh em nhà Anglin. Ảnh: CBS San Francisco.

Dư luận Mỹ càng có cơ sở để tin vào tính xác thực của lá thư khi vào năm 2015, một bức ảnh chụp 2 người đàn ông tại Brazil có ngoại hình gần như tương tự anh em nhà Anglin được đăng tải trên mạng Internet.

FBI và Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ (USMS) đã mở lại những cuộc điều tra liên quan tới vụ việc. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa ra kết luận chính xác.

Chuyên gia phân tích dữ liệu an ninh Jeff Harp của FBI cho biết đã giám định vân tay, lấy mẫu DNA của người viết lá thư nhưng kết quả cuối cùng không đủ sức nặng và tính thuyết phục. Trong khi, sĩ quan John Cantwell của USMS kết luận 3 tù nhân đã chết đuối, thi thể của họ bị cuốn ra biển Thái Bình Dương.

Năm 1968, Alcatraz phải đóng cửa do chi phí vận hành quá lớn. Cuộc vượt ngục của Morris cùng anh em nhà Anglin mãi là màn đào thoát vô tiền khoáng hậu trong lịch sử hoạt động của nhà tù khét tiếng này.

Những tù nhân trên cơ hệ thống nhà tù nghiêm ngặt nhất nước Mỹ 3 tên tù nhân John Anglin, Clarence Anglin và Frank Morris khiến cho lực lượng truy bắt mệt mỏi khi thoát khỏi nhà tù bao quanh bởi vùng nước lạnh thuộc vịnh San Francisco.

Tử tù mắc Covid-19 vượt ngục bị xử lý như thế nào?

Luật sư cho rằng nếu quá trình vượt ngục, Nguyễn Kim An làm lây Covid-19 cho người khác, dù chỉ một người, thì phạm nhân có thể bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.

Công an TP.HCM truy nã tử tù nhiễm nCoV vượt ngục

Công an TP.HCM ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Kim An, tử tù mang 2 tội danh giết người và cướp tài sản.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm