Tiêm thiếu vắc xin
Tháng 4/2013, việc anh Dương Thái Lam (SN 1984, trú tại Tích Sơn, Vĩnh Phúc) phản ánh con mình bị tiêm thiếu vắc xin tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (địa chỉ 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) lập tức thu hút sự chú ý của dư luận.
Ngày 19/4, anh Lam đưa con trai là cháu Dương Kiều Phong (SN 2012) đến cơ sở này tiêm vắc xin Pentaxim và uống Rotateq.
Quan sát quá trình tiêm, anh Lam phát hiện nhân viên y tế bóc vắc xin, bơm nước cất vào rồi rút thuốc ra. Lọ thuốc sau khi được rút ra không bị vứt vào xô đựng vỏ lọ mà cho vào hộp đựng phiếu tiêm.
Sau khi thắc mắc với y tá và không được trả lời, anh Lam đã giữ được lọ vắc xin nhân viên y tế vừa rút thuốc để tiêm cho con mình và phát hiện có 2 lọ khác cũng có lượng dung dịch thuốc vơi khoảng 2/3.
Anh Lam lập tức gọi điện cho các cơ quan chức năng đến và lập biên bản sự việc. Tiến hành lấy ống tiêm rút số thuốc còn thừa trong lọ vắc xin cho thấy lượng thuốc thừa trong lọ vắc xin tiêm cho cháu Phong còn lại xấp xỉ 0,2 ml. Tức là số thuốc bị tiêm thiếu khoảng 40% so với 0,5 ml chuẩn ban đầu.
Lượng vắc xin còn lại trong lọ sau khi đã tiêm - Ảnh: VTC News. |
Sau quá trình điều tra, người trực tiếp tiêm cho con trai anh Lam là y tá Bùi Thị Phương Hoa đã thực hiện không đúng quy trình, tiêm thiếu thuốc cho cháu Dương Kiều Phong và bị đình chỉ công tác.
Đồng thời, giám đốc trung tâm cũng nhận trách nhiệm về vụ việc và đã chỉ đạo cho các bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của cháu bé Dương Kiều Phong.
Về tác hại của việc tiêm thiếu vắc xin đối với trẻ, trên VTC News, GS.TSKH Nguyễn Thu Vân, thành viên Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia cho biết dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng với trẻ nhỏ, cần phải tiêm đủ liều thì cơ thể mới đáp ứng đủ miễn dịch, giúp phòng chống bệnh tật.
Hơn nữa, vắc xin này thường không có chất bảo quản, nên phải dùng hết liều. Nếu bớt vắc xin lại để dùng cho trường hợp khác sẽ có nguy cơ khiến trẻ bị sốt, nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.
Tử vong vì tiêm nhầm vắc xin
Chỉ 3 tháng sau (7/2013), tại bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), cái chết đột ngột của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin tiếp tục gây chấn động dư luận.
Sự việc xảy ra vào ngày 19/7, anh H.V.H (trú bản 7, xã Thuận, huyện Hướng Hóa), anh N.Đ.Đ (trú khóm Đông Chín, TT Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) và anh L.V.T (trú tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) cùng đưa vợ vào bệnh viện huyện để sinh nở.
Sau khi chào đời khỏe mạnh, đến 6h ngày 20/7/2013, các bé này được y tá Nguyễn Thị Thuận tiêm vắc xin viêm gan B (sơ sinh). Nhưng chỉ sau 30 phút, 3 bé sơ sinh đều có biểu hiện tím tái, suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Cha của một trong ba trẻ sơ sinh bị nạn đưa con về sau khi khám nghiệm tử thi - Ảnh: Tuổi trẻ. |
Chiều cùng ngày, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân dẫn đến 3 trẻ sơ sinh tử vong do tiêm nhầm thuốc dãn cơ dùng trong gây mê có yếu tố độc.
Sự việc càng trở nên phức tạp hơn cho công tác điều tra khi y tá Thuận cố tình tạo hiện trường giả. Khi biết mình đã tiêm nhầm thuốc cho 3 trẻ sơ sinh, y tá này đã trở lại nơi bảo quản lấy hộp đựng ba lọ thuốc đã tiêm cho 3 trẻ sơ sinh cho vào túi áo mình. Tiếp đến, y tá này lấy 3 lọ vắc xin viêm gan B chưa sử dụng, tháo hết thuốc rồi vứt vỏ vào sọt rác, đồng thời bỏ 3 vỏ lọ thuốc đã tiêm nhầm ở gốc cây nhãn. Bơm kim tiêm đã dùng cũng được bà này gói lại bằng giấy.
Ngày 10/10/2013 cơ quan công an tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc để điều tra và khởi tố vụ án "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính".
Ngày 26/3, bà Nguyễn Thị Thuận (y tá tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, trú khóm 3B, thị trấn Khe Sanh) đã bị bắt vì hành vi “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”. Sau 7 tháng điều tra, ngày 22/5, công an tỉnh Quảng Trị đã tổ chức buổi họp thông báo kết quả điều tra và cho biết bà Thuận đã nhận tội.
Tiêm nhầm nước cất thay vì vắc xin
Gần đây nhất là sự việc xảy ra tại tỉnh Đồng Tháp, một cán bộ tiêm chủng tại điểm trường mầm non Sao Mai (phường 3, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) tiêm nhầm nước cất thay vì vắc xin cho 60 trẻ.
Theo thông tin ban đầu, sự việc xảy ra do cán bộ tiêm chủng lầm tưởng các ống dung dịch hồi chỉnh là loại vắc xin nên chỉ tiêm nước mà không có vắc xin. Khi sai sót trên được cán bộ giám sát phát hiện thì nhân viên này đã tiêm cho 60 cháu.
Sáng 27/10, trao đổi qua điện thoại với Zing.vn, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, sở dĩ xảy ra việc “tiêm nhầm nước cất” cho hàng loạt trẻ em là do cán bộ tiêm chủng yếu tay nghề và lần đầu thực hiện công việc này.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Sở y tế đã họp phê bình, nghiêm khắc kiểm điểm đối với các bộ tiêm chủng và cảnh báo toàn hệ thống.
Lãnh đạo Sở Y tế Đồng Tháp cũng cho biết số trẻ bị “tiêm nhầm” sẽ được thực hiện việc tiêm lại vắc xin vào ngày 11/11 tới, trong đợt 2, tiêm chủng cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi.