Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

30 ca Omicron và F0 mới vẫn cao, người dân chưa cần lo lắng

Theo bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, biến chủng mới dù gây bệnh nhẹ nhưng tốc độ lây lan nhanh cũng có thể gây áp lực lớn cho hệ thống y tế.

ung pho bien chung Omicron anh 1

Trước khi những ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên được phát hiện, Bộ Y tế nhiều lần gửi văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương chuẩn bị kịch bản ứng phó. Đặc biệt, cơ quan này cũng điều chỉnh nhiều định nghĩa và cách xác định F0, F1 trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, số ca mắc mới hàng ngày của Việt Nam vẫn ở mức cao khiến người dân lo lắng, đặc biệt khi Việt Nam đã xuất hiện hàng chục ca nhiễm biến chủng Omicron.


Đếm số ca nhiễm mới không còn quan trọng

Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh "bình thường mới", việc tăng cường giao thương và hoạt động sản xuất khiến số ca nhiễm tăng cao là xu hướng tất yếu.

"Người dân không nên nhìn vào tổng số ca nhiễm mỗi ngày mà hoang mang, bởi hầu hết người từ 12 tuổi đã được tiêm chủng vaccine. Con số đáng lo ngại là tỷ lệ bệnh nhân nặng và ca tử vong. Hiện chúng ta cần tập trung kéo giảm 2 con số này", PGS Hùng nói.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng Việt Nam thay đổi mục tiêu "zero Covid-19" để có biện pháp phòng ngừa mang tính khoa học, hiệu quả hơn, không giãn cách, phong tỏa diện rộng.

"Đếm số ca nhiễm không còn quan trọng, quan trọng là tổ chức xử lý ca mắc mới, chủ trương rõ ràng, nhất quán"

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội

"Nhiều khi áp dụng biện pháp quá mức mà ca mắc vẫn tăng. Do đó, đếm số ca nhiễm không còn quan trọng, quan trọng là tổ chức xử lý ca mắc mới, chủ trương rõ ràng, nhất quán. F0 nhẹ, không triệu chứng thì ở nhà. F0 nguy cơ cao thì tập trung chăm sóc", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng lưu ý trong bản tin mỗi ngày, Bộ Y tế báo cáo tổng ca nhiễm từng địa phương, số ca bệnh nặng, tử vong. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện nay vaccine có vai trò quan trọng, do đó, trong báo cáo của Bộ Y tế nên nêu thêm thông tin tiền sử tiêm chủng của các F0 nhiễm mới, ca tử vong.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng ủng hộ phương án cách ly, chăm sóc F0 nhẹ tại nhà và tập trung điều trị nhóm nguy cơ cao.

"Cách ly tập trung khó tránh khỏi lây nhiễm chéo. Thực tế, hiện nay một số nơi vẫn cách ly tập trung F1, nếu giải tỏa các cách y tập trung thì công việc của ngành y tế sẽ nhẹ nhàng hơn. Người dân được cách ly tại nhà thì cuộc sống không bị đảo lộn nhiều. Còn cả nhà đi vào khu cách ly thì không thể đảm bảo sức khỏe lẫn tinh thần", PGS Hùng nói.


Lý do Bộ Y tế thay đổi định nghĩa F0, F1

Chia sẻ với Zing, ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu của ngành y tế hiện nay là bảo vệ nhóm nguy cơ cao. Với mục tiêu này, việc định nghĩa cụ thể về trường hợp F1, F0 giúp người dân và ngành y tế dễ dàng tiếp cận phương tiện chẩn đoán.

Bác sĩ Vân Anh phân tích trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ chấp nhận kết quả rRT-PCR mới có giá trị chẩn đoán. Với định nghĩa hiện tại, Việt Nam có thể xác định F0 dễ dàng hơn, điều này đồng nghĩa số ca mắc mới có thể cao hơn.

ung pho bien chung Omicron anh 2

Người dân TP.HCM tập trung ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) để thưởng thức chương trình countdown chào năm mới 2022. Ảnh: Duy Hiệu.

"Điểm lợi là người dân dễ dàng tiếp cận phương tiện chẩn đoán, bình thường hóa cuộc sống, thay vì chỉ 2-3 công nhân dương tính mà cách ly cả công ty như trước đây. Định nghĩa mới giúp nguồn lực lao động không bị giảm sút bởi đa số đã được tiêm vaccine", bác sĩ Vân Anh nói.

Tuy nhiên, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng nhấn mạnh về góc độ y tế, định nghĩa này có một số điểm cần lưu ý.

"Thời điểm cận Tết, các đường bay được nối lại nên cần định nghĩa lại chặt chẽ hơn về điều kiện cách ly. Ví dụ F0 từ chuyến bay thì cần quản lý chặt chẽ hơn, có phương tiện quản lý như thống nhất như một phần mềm trên toàn quốc", bác sĩ Vân Anh nói.


Không chủ quan với Omicron

Theo ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, tuy không xác định định nghĩa trường hợp F1 như trước, nhưng người tiếp xúc với F0 vẫn là nhóm nghi ngờ. Họ cần tuân thủ nguyên tắc 5K và test nhanh nếu có dấu hiệu nghi ngờ trong thời gian giám sát.

Bác sĩ Vân Anh cho rằng điều này đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là trước sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron.

"Hiện tại, hầu hết tài liệu khoa học đều nhận định rằng triệu chứng do biến chủng này gây ra nhẹ. Tuy nhiên, điều chúng ta quan ngại là Omicron có tỷ lệ lây quá nhanh. Do đó, vẫn có khả năng quá tải nếu không chủ động ứng phó", bác sĩ Vân Anh nhận định.

"Điều chúng ta quan ngại là Omicron có tỷ lệ lây quá nhanh. Do đó, vẫn có khả năng quá tải nếu không chủ động ứng phó"

ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Chuyên gia cho rằng dù Omicron gây bệnh nhẹ nhưng nếu biến chủng mới xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng chưa được bảo vệ hoàn toàn, hàng loạt ca bệnh xảy ra cùng lúc cũng sẽ gây áp lực cho hệ thống y tế.

"Chúng ta chưa thể hoàn toàn tự tin ứng phó và nhất là không thể chủ quan. Các thông tin về việc Covid-19 sẽ suy giảm trong năm 2022 thực ra chỉ là dự báo", bác sĩ nói thêm.

ung pho bien chung Omicron anh 3

HCDC đặt bàn xét nghiệm tầm soát đối với hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: HCDC.

Phân tích rõ hơn điều này, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh lý giải với dịch bệnh truyền nhiễm, 3 vấn đề quan trọng cần đánh giá là tác nhân gây bệnh, ký chủ và môi trường.

Với tác nhân gây bệnh là SARS-CoV-2, điểm khác biệt hiện tại là virus này tạo ra các đột biến quá nhanh. Chỉ trong vòng hơn 2 năm qua, chúng đã tạo ra hàng loạt đột biến, một số biến chủng sau có tốc độ lây nhanh hơn, thận chí tăng độc lực.

Yếu tố thức 2 là ký chủ (tức con người) đã có vũ khí để ứng phó với tác nhân gây bệnh hay chưa. Với Covid-19, hiện thế giới có vaccine nhưng ngoài Omicron, chúng ta cũng không loại trừ có thêm một đột biến nào khác nữa hay không.

Từ quan điểm này, bác sĩ Vân Anh nhấn mạnh chúng ta cần thận trọng, tham khảo thông tin từ quốc gia đi qua đỉnh dịch Omicron, chẳng hạn Nam Phi, đồng thời liên tục cập nhật những tài liệu trên thế giới để bám sát Omicron diễn biến.


30 ca nhiễm Omicron tại Việt Nam

Tối 6/1, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin về ca nhiễm biến chủng Omicron thứ 11 được phát hiện qua xét nghiệm tầm soát người nhập cảnh.

Như vậy, kể từ cuối tháng 12/2021 đến trưa 7/1, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 30 ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron, trong đó tại Quảng Nam 14 ca, TP.HCM 11 ca, Hà Nội 1 ca, Hải Dương 1 ca, Thanh Hoá 2 ca và Hải Phòng 1 ca. Tất cả đều là người nhập cảnh.

Bộ Y tế nhận định thời gian tới, nguy cơ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc biến chủng Omicron từ người nhập cảnh và lây lan ra cộng đồng là rất lớn.

Hà Nội và Hải Phòng tăng ca F0, dịch ở TP.HCM đang giảm

Đồ thị tổng ca nhiễm SARS-CoV-2 mới của Việt Nam tiếp tục giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức trên dưới 15.000 ca F0/ngày.

TP.HCM phát hiện thêm 5 ca nhiễm biến chủng Omicron

Từ đầu năm 2022 đến nay, TP.HCM đã phát hiện 11 người nhiễm biến chủng Omicron.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm