Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

30 giờ khám phá Phnom Penh bằng xe máy

Thủ đô Campuchia chỉ cách TP HCM 230 km, xa hơn đi Mũi Né (210 km) một chút. Đường đi cũng đơn giản, thẳng từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Bạn có thể đi trong dịp Tết Dương lịch.

Chuẩn bị gì?

Giá khách sạn tại Phnompenh tương đối rẻ. Nếu đặt sớm, bạn có thể có phòng giường đơn giá dưới 250.000 đồng. Lần gần nhất, mình đặt trước 10 ngày tại khách sạn Zing, phòng giường dù đi một mình, hướng nhìn ra phố, giá 24 đôla (khoảng 530.000 đồng). Khách sạn màu tím dễ thương, nằm ngay góc chợ mới (Central Market), thuận tiện cho việc đi lại, mua sắm.

Hành lý cũng chỉ cần nhẹ nhàng: hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng, một bộ quần áo, giáp tay chân, găng tay xe máy, áo khoác, mũ bảo hiểm tốt để bảo đảm an toàn (nếu muốn đi chơi xa nhiều lần, bạn nên đầu tư các món này), vật dụng vệ sinh cá nhân (đơn giản thôi vì đa số khách sạn đều có sẵn).

Xe cộ cần phải được kiểm tra kỹ phanh, bánh xe và nhớt máy. 

Đồng tiền sử dụng ở Campuchia là đồng riel và đôla Mỹ. Du khách tiêu hoàn toàn bằng đôla Mỹ cũng được. Chuyến đi gần nhất, mình tiêu hết 70 đôla. Các quán ăn sẽ niêm yết chủ yếu là đôla, cây xăng sẽ có 2 đồng hồ, niêm yết 2 đơn vị tiền.

Mình cài một ứng dụng trên iOS là Offline map, download bản đồ Phnom Penh là thoải mái vi vu mà không cần Internet.

Hành trình

Mình chia làm hai đoạn: từ TP HCM đi Mộc Bài (Tây Ninh) dài 60 km và đoạn từ Mộc Bài đến Phnom Penh 170 km.

9h ngày đầu tiên, bạn xuất phát từ bến xe An Sương, chạy theo quốc lộ 22 về Tây Ninh. Tốc độ tối đa là 40 km một giờ. Khoảng 10h30, bạn dừng lại ăn sáng bánh canh Trảng Bàng. Tô giò nạc với ly trà đá giá 40.000 đồng, ấm bụng để chạy xe tới chiều. Chạy một đoạn nữa là đến thị trấn Gò Dầu, rẽ trái chạy qua cầu Gò Dầu để về Bến Cầu, Mộc Bài.

11h30, bạn sẽ có mặt ở cửa khẩu Mộc Bài để làm thủ tục xuất cảnh. Lúc đầu mình được biết là phải làm giấy tờ tạm nhập cho xe máy, nhưng các bác bảo vệ nói cứ để xe đó rồi vào làm thủ tục.

Qua cửa khẩu, bạn chạy tiếp 100 m là tới cửa khẩu Bavet của nước bạn. Bạn vào viết giấy nhập cảnh, nộp chung với hộ chiếu và 30.000 đồng lệ phí. Lưu ý, đi như mình, xe không được bảo vệ. Vì không có giấy tờ hợp lệ, giả sử bạn bị mất xe khi ở trên đất Campuchia sẽ không được hỗ trợ.

Ấn tượng đầu tiên sau khi qua được cửa khẩu là một vùng trời sòng bài. Từ đây trở đi, bạn thoải mái chạy, thẳng một đường là tới Phnom Penh. Hai bên chỉ có đồng ruộng. Khoảng 30-40km sẽ có một thị trấn nhỏ. Tốc độ cho phép có 3 mức là 40-60-80 km một giờ. Bạn nên lưu ý biển báo để chạy đúng.

Cách Phnom Penh 60 km, bạn sẽ chạy qua cầu dây văng Tsubasa nối liền hai bờ sông Me Kong vừa mới khánh thành tháng tư.

Cầu dây văng Tsubasa.

Một lưu ý là 5 km trước khi vào thủ đô Campuchia, đường đang làm nên xấu, kẹt xe cả một hàng dài. Trước khi vào thành phố Phnom Penh, bạn sẽ đi qua cầu Monivong, người Việt gọi là cầu Sài Gòn, còn người bản xứ gọi là cầu Mía.

Phnom Penh có 2 trục đường chính là đường Preah Norodom và Preah Monivong. Đường Norodom nằm ngay chân cầu quẹo về phía bên phải, đường Monivong chếch lên phía bên phải. Phnompenh được quy hoạch theo dạng lưới. Đường có tên gọi bình thường và số, cắt ngang các trục đường chính nên khó lạc. Mình tới khách sạn lúc 16h.

Ăn uống, vui chơi, mua sắm

Kế hoạch của mình là buổi chiều sẽ đi được mấy điểm nổi tiếng như chùa Bạc, cung điện Hoàng gia, Naga World, nhưng lười quá nên chỉ chạy xe loanh quanh mấy con đường và quảng trường Độc Lập rồi về khách sạn nghỉ.

Quảng trường Hoàng Gia ở thủ đô Phnom Penh. ảnh: Trần Việt Anh.

Chỗ mình ở rất thuận tiện, không xa trung tâm thương mại Sorya, nên buổi tối mình tản bộ xuống đó ăn tối. Campuchia cũng không có quá nhiều trung tâm thương mại như ở Việt Nam. Sorya lớn nhất cũng chỉ như cỡ Vincom hay Nowzone ở TP HCM. Hàng hóa không quá đa dạng, nói chung là tạm chấp nhận được. AEON Mall mới mở gần quảng trường Độc Lập, nhưng lúc mình tới thì hết chỗ giữ xe.

Phnom Penh có 2 quán rooftop thích hợp để chơi đêm là Le Moon Terrace Bar và Eclipse Sky bar. Le Moon nằm sát bên bờ sông, cuối tuần phải đặt chỗ trước, còn Eclipse nằm trên Phnom Penh Tower, toà nhà cao nhất thành phố. Đồ ăn uống giá khoảng 3-5 USD. Bạn có thể vừa ngắm trăng, uống bia, vừa nghe live music.

Nếu siêng, sáng hôm sau bạn có thể đi tìm vài món ăn lạ. Nhưng vì lười, mình chỉ uống cà phê ở khách sạn rồi đi chợ. Các sạp mở cửa sau 8h30. Bạn cần trả một nửa giá.

10h, mình trả phòng, bắt đầu chạy về TP HCM. 13h30 làm xong thủ tục nhập cảnh, mình lại ghé Trảng Bàng ăn bánh canh.

Những điều thú vị

Campuchia là thiên đường xe máy của Honda. 100 chiếc xe chạy trên đường, 99 chiếc là xe Dream. Tương tự, với xe ôtô là RX300 của Lexus và Hilux của Toyota.

Campuchia có 3 loại nhiên liệu chính: xăng 97 (Superior); xăng 92 (Regular) và dầu Diesel. Giá xăng dầu sẽ cao dần khi càng về gần thủ đô. Ở Svay Rieng, giá dầu là 2.200 riel thì ở Phnom Penh là 3.000 riel. Mỗi cây xăng có giá khác nhau.

Tổng hành trình là 460 km cả đi lẫn về, tiền xăng cho chiếc số của mình là 120.000 đồng. Cả chuyến đi, mình tiêu chứ tới 1,5 triệu đồng, quá rẻ cho trải nghiệm như vậy.

Nếu bạn đã nhàm chán lòng vòng Mũi Né, Đà Lạt, Nha Trang, hãy thử xuất ngoại sang Phnom Penh, sẽ rất thú vị.

Một ngày ở bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng

Ngày thứ 2 ở Phnom Penh, tôi dậy sớm. Ngay bên ngoài hành lang khách sạn tôi ở là dãy phố đêm qua còn náo nhiệt…nhưng giờ vắng người và yên tĩnh.

Độc giả Long Hải

Bạn có thể quan tâm