Oan
Người bị oan sai trong vụ án “Tham ô tài sản XHCN” xảy ra vào thời điểm đầu những năm 1980 là ông Đặng Thuật, nguyên Phó ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ.
Bà quả phụ Đỗ Thị Lợi (75 tuổi) tiếp tục đi đòi công lý thay chồng. |
Ngoài ông Đặng Thuật còn có các ông: Phùng Bích (Trưởng Ban Tài chính); Nguyễn Ngọc Lân (SN 1930, chức vụ Trưởng phòng Tài chính Ban Tài chính); Đặng Giang Đông (SN 1934, chức vụ Trưởng phòng vật tư Ban Tài chính).
Ngày 15/11/1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn thành lập đoàn kiểm tra Ban Tài chính theo nội dung đơn tố cáo tập thể lãnh đạo Ban Tài chính tham ô tài sản XHCN.
Kết luận báo cáo lên Thường vụ Tỉnh ủy cho thấy, 4 cán bộ của Ban đã “tham ô số tiền 1.700.000 đồng”.
Từ kết luận này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khai trừ Đảng đối với 4 người nói trên; cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án tham ô chiếm đoạt tài sản; Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bị can, khám nhà bắt giam hai ông Nguyễn Ngọc Lân và Đặng Giang Đông; ban hành lệnh tước quyền công dân đối với ông Đặng Thuật, Phùng Bích và quản thúc tại cơ quan.
Tháng 12/1984, VKSND tỉnh Hoàng Liên Sơn tống đạt cáo trạng với bốn bị can; buộc tội ông Đặng Thuật “tham ô 3.000kg xi-măng mua của xí nghiệp xi măng địa phương giá cao bán giá tự do 01 đồng/1kg; 1.200 viên gạch xi-măng lát nền giá 0,37 đồng/1 viên thừa bán thanh lý; 06 tấm kính xây dựng; 1.600kg xăng dầu giá 1,1đồng/kg...".
Điều đáng nói, đây đều là những vật tư thừa được Tỉnh ủy cho chủ trương bán thanh lý cho các cán bộ trong khối Đảng ủy và UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn thời kỳ đó.
Ngoài 4 cán bộ lãnh đạo của Ban Tài chính còn có hơn 200 cán bộ, Đảng viên khác cũng được mua bằng hình thức mua chịu, trừ dần vào lương hoặc tạm ứng/vay phiếu của cơ quan thanh toán một phần, cũng tiếp tục trừ dần vào lương khoản vay này.
Phiên tòa sơ thẩm ngày 11/01/1985, TAND tỉnh Hoàng Liên Sơn đã tuyên các bị cáo Nguyễn Ngọc Lân 30 tháng tù; Đặng Giang Đông 24 tháng tù; phạt bị cáo Đặng Thuật 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng đều về tội tham ô tài sản XHCN.
Ngoài ra, các bị cáo còn chịu trách nhiệm dân sự về việc bồi thường, án phí và xử lý tang vật.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 591 ngày 30, 31/12/1986, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã áp dụng điều 133 Bộ Luật hình sự về tội tham ô tài sản XHCN, phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Lân 12 tháng tù; Đặng Giang Đông 9 tháng tù; phạt bị cáo Đặng Thuật 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Ngày 10/4/1989, Chánh án TAND Tối cao ban hành bản kháng nghị đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Tối cao xét xử lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, theo hướng hủy bản án phúc thẩm nói trên; giao hồ sơ vụ án cho TAND cấp phúc thẩm xét xử lại nhằm xem xét lại trách nhiệm hình sự đối với ba bị cáo Nguyễn Ngọc Lân, Đặng Giang Đông và Đặng Thuật.
Ngày 10/8/1989, TAND Tối cao đã xét xử giám đốc thẩm; tuyên Nguyễn Ngọc Lân 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; miễn hình phạt cho Đặng Giang Đông về tội tham ô tài sản XHCN; tuyên ông Đặng Thuật 'không phạm tội tham ô tài sản XHCN", chuyển hồ sơ Đặng Thuật cho cơ quan Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn xử lý bằng biện pháp khác.
20 năm gõ cửa để được… thi hành án
Với bản án Giám đốc thẩm của TAND Tối cao, ông Đặng Thuật đã được minh oan, không phạm tội “tham ô”.
Điều lớn hơn nữa, đó là ông đã được minh oan, đã dám đứng thẳng, nhìn thẳng, dám tiếp xúc và rửa được hàm oan đối với những đàm tiếu của dự luận trong một thời gian dài; xóa bỏ được sự kỳ thị do những hệ lụy của thời kỳ đó đối với gia đình, con cái mình.
Thế nhưng, bản án tuyên nhưng việc thi hành án lại không được thực hiện.
Bà Lợi bên bàn thờ chồng. |
Ròng rã từ thời điểm cuối năm 1989 đến tận ngày 31/10/2008, 20 năm trời với 268 lá đơn được ông Đặng Thuật miệt mài, kiên nhẫn đạp xe gõ cửa các cơ quan nhà nước. Nhưng, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, nguyện vọng của ông vẫn chưa được thực hiện...
Điều “an ủi” dành cho ông, đó là ngày 02/11/2004, tòa phúc thẩm TAND Tối cao có công văn gửi cho ông về việc yêu cầu ông cung cấp các tài liệu để Tòa tối cao làm cơ sở xem xét, bồi thường thiệt hại cho việc ông bị oan sai theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 22/11/2004, ông Thuật đã liệt kê 98 mục với các tài liệu kèm theo để bàn giao cho TAND Tối cao theo yêu cầu.
Tuy nhiên, 6 tháng sau, Chánh tòa phúc thẩm TAND Tối cao có công văn trả lời: trường hợp của ông Thuật không nằm trong diện của NQ 388?
Đau đớn vì việc xử oan đã được TAND Tối cao tuyên vô tội, nhưng bồi thường oan sai theo kết luận bản án không được thi hành, ông Thuật lại bền bỉ đi gõ cửa các cơ quan công quyền.
Sau khi ông qua đời, vợ ông, bà quả phụ Đỗ Thị Lợi (75 tuổi) tiếp tục thay chồng đi kêu oan để đòi bồi thường oan sai theo quy định pháp luật cho người chồng quá cố.
Theo Ủy ban thẩm phán TAND Tối cao: Tòa án cấp phúc thẩm xác định cơ quan tỉnh ủy (Ban tài chính quản trị Hoàng Liên Sơn) cố tình trạng nhượng bán nguyên vật liệu xây dựng và một số mặt hàng khác cho nhiều người trong và ngoài cơ quan tỉnh ủy; phần lớn hàng hóa được xuất bán bằng giấy viết tay (lệnh bướm) của trưởng phòng vật tư hoặc trưởng phòng tài chính) và chưa thu được tiền, trong đó có cả bốn lãnh đạo của Ban tài chính là các ông Nguyễn Ngọc Lân, Đặng Giang Đông, Đặng Thuật. Tòa phúc thẩm kết luận các bị cáo này đã tham ô tài sản XHCN núp dưới danh nghĩa mua chịu.
Theo Ủy ban thẩm phán TAND Tối cao: kết luận như thế là có phần chưa khách quan vì: các tài liệu hồ sơ cho thấy có rất nhiều người chứ không riêng các ông Thuật, Lân, Đông… mua tài sản chịu của Ban tài chính.
Những giấy tờ này (ghi nợ, vay phiếu, thậm chí có nhiều khoản đã được thanh toán trước…) của các bị cáo đều được thủ kho, kế toán của Ban Tài chính lưu giữ.
Đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng thẩm phán tuyên ông Đặng Thuật không phạm tội tham ô tài sản XHCN.