Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội chống oan sai

Nghị quyết “về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm” mà Quốc hội vừa ban hành đã dành dung lượng đáng kể đề cập việc chống oan sai trong hoạt động tố tụng.

Ngoài ra, một nghị quyết khác của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn đã có yêu cầu cụ thể: “Nâng cao chất lượng xét xử ở tất cả các cấp, bảo đảm phán quyết của tòa án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hằng năm tăng khoảng 5% số vụ xét xử có tranh tụng tại phiên tòa; thực hiện tốt công tác giám đốc, kiểm tra, rà soát các vụ án hình sự đã xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có mức án tù từ 20 năm, chung thân đến tử hình, có đơn kêu oan kéo dài nhằm phát hiện án oan, sai để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga.

Từ chất vấn của đại biểu Lê Thị Nga

Những nội dung cụ thể nêu trên xuất phát từ chất vấn và kiến nghị của bà Lê Thị Nga (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) tại phiên Quốc hội chất vấn Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình. Sau khi hỏi chánh án về vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, bà Nga đã nêu bốn kiến nghị cụ thể.

Thứ nhất, đề nghị bộ trưởng Bộ Công an không để cho Công an tỉnh Bắc Giang điều tra lại vụ án này mà chỉ đạo Cơ quan điều tra Bộ Công an rút lên để trực tiếp điều tra, Viện KSND tối cao trực tiếp kiểm sát điều tra.

Thứ hai, trong quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra, viện kiểm sát phải hoàn toàn dựa trên những bằng chứng, sự thật khách quan, nếu không đủ căn cứ kết luận ông Chấn phạm tội thì phải đình chỉ điều tra ngay cho ông Chấn, không phụ thuộc kết quả điều tra Lý Nguyễn Chung (người đã ra đầu thú, thừa nhận là thủ phạm trong vụ án ông Chấn bị buộc tội oan).

Thứ ba, đề nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát khẩn trương xác minh, điều tra những thông tin về việc ông Chấn bị bức cung, nhục hình và những hành vi có dấu hiệu của tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Thứ tư, đề nghị chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao theo thẩm quyền chỉ đạo rà soát lại tất cả những vụ hình sự kêu oan, đặc biệt cần xem xét khẩn trương đối với những án tử hình, tránh tình trạng khi phát hiện thì người bị oan đã bị thi hành án.

Lý giải tại sao nghị quyết đề cập nhiều đến việc chống oan sai, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, ủy viên Ủy ban Tư pháp, nói: “Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn chỉ là một ví dụ điển hình để nói lên một vấn đề rất lớn cần chấn chỉnh nhằm giảm bớt oan sai”.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, người đã đem vụ án oan ông Chấn ra để chất vấn chánh án TAND tối cao “có bao nhiêu con thỏ đã bị tuyên là gấu”, cho rằng “từ vụ việc cụ thể và bức xúc này, nghị quyết của Quốc hội đặt ra một nội dung có tính vấn đề rất lớn là làm thế nào để tránh oan sai trong hoạt động tố tụng, chắc chắn sẽ có tính cảnh báo”.

Không thể chỉ giám sát dựa trên báo cáo

Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, “nghị quyết của Quốc hội là văn bản có tính pháp lý cao, buộc các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh phải thực hiện. Sau này Quốc hội sẽ giám sát kết quả thực hiện dựa trên các tiêu chí, thời gian mà Quốc hội yêu cầu. Đối với các vấn đề chung thì Quốc hội cũng sẽ đánh giá chuyển biến trên thực tế và nhiều căn cứ khác”.

Tuy nhiên theo ông Cương, một điểm yếu trong công tác giám sát lĩnh vực này là Quốc hội hầu như chỉ đánh giá dựa trên các báo cáo công tác của chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao và báo cáo của Chính phủ.

“Vì vậy, nghị quyết trước hết có tác dụng hối thúc, cảnh báo các cơ quan tư pháp hoàn thành trách nhiệm của mình. Còn muốn xem xét đến cùng hiệu quả nghị quyết thì Quốc hội cần phải tổ chức giám sát sâu hơn nữa”, ông Cương nói.

Làm thế nào để Quốc hội giám sát sâu hơn nữa? Theo ông Trương Trọng Nghĩa, Ủy ban Tư pháp “không nên ngồi chờ báo cáo của tòa án, công an mà nên có văn bản yêu cầu cung cấp số liệu: có bao nhiêu đối tượng đang thụ án mức án 20 năm, chung thân, tử hình? Trong số này có bao nhiêu người vẫn kêu oan? Kế hoạch xem xét, rà soát của tòa, viện thế nào? Cần thiết thì Ủy ban Tư pháp thành lập đoàn giám sát để giám sát vụ việc, trường hợp cụ thể”. Không chỉ nâng cao trách nhiệm của Ủy ban Tư pháp, ông Nghĩa cho rằng vấn đề quan trọng nhất là trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội ứng cử trên địa bàn.

“Bởi không có ai sâu sát người dân tại địa bàn bằng các đại biểu ứng cử trên địa bàn đó. Đại biểu không chỉ tự mình giám sát mà còn có thể dựa vào người dân, lấy thông tin từ dư luận, đến tận nơi có những vấn đề, vụ việc nổi cộm để quan sát, đánh giá.

Ví dụ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, có nhiều người nói rằng họ rất ngạc nhiên khi quan sát cả kỳ họp Quốc hội vừa qua không có đại biểu tỉnh Bắc Giang nào phát biểu, chất vấn vấn đề này”, ông Nghĩa cho biết.

Cả ba ông Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Sỹ Cương và Nguyễn Bá Thuyền đều cho rằng việc giám sát được tiến hành đồng thời với quá trình các cơ quan, đơn vị thực hiện nghị quyết của Quốc hội thì hiệu quả sẽ cao nhất, không nên đợi sau một năm rồi lại xem xét trên báo cáo.

“Ví dụ những vụ lớn như vụ ông Chấn, đại biểu Quốc hội và Ủy ban Tư pháp cần phải đeo bám, tiếp tục giám sát, cần thiết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch Quốc hội có văn bản yêu cầu các cơ quan tố tụng báo cáo kết quả sau ba tháng, bốn tháng..., để tránh tình trạng án bị ngâm lâu và rơi vào quên lãng”, ông Nghĩa nêu ví dụ.

Không được bức cung, dùng nhục hình

“Cơ quan điều tra, điều tra viên phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về điều tra; nâng cao chất lượng công tác điều tra, thu thập đầy đủ cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội; tạo điều kiện cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu; trọng chứng hơn trọng cung; không được bức cung, dùng nhục hình; tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội...”.

Trích nghị quyết của Quốc hội “về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm”.

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm