Án oan sai chủ yếu sai từ khâu điều tra
- Thưa ông, nhiều vụ án qua hai cấp xét xử nhưng bị cáo vẫn kêu oan xin được kháng nghị và được minh oan. Nhưng có ý kiến cho rằng thủ tục kháng nghị đang quá mở "làm khó" công tác xét xử. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Hiện nay một số người cho rằng quy định khung cho kháng nghị rộng quá làm khó cho công tác tố tụng. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, kháng nghị cũng có hai mặt. Kháng nghị giúp cho người dân phát hiện những tình tiết, mới có thể kháng nghị nhằm đảm bảo quyền lợi cho bị cáo. Điều này đặt ra yêu cầu toà phải xử lại nhằm xem xét thấu tình đạt lý, đó là điều tốt.
Tuy nhiên, nếu quy định khung quá rộng nhiều bị cáo lợi dụng để kháng nghị, nhưng không có tình tiết làm thay đổi vụ án khiến cho việc làm đơn đi, làm đơn lại mất thời gian của các cơ quan chức năng cũng như của người dân. Như vậy, tôi cho rằng cũng cần có những quy định chặt chẽ, rõ ràng để hạn chế sự lạm dụng.
Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh. |
- Có ý kiến cho rằng có nhiều vụ án oan sai là do quá trình điều tra, xét xử thiếu công tâm, có nguyên nhân chủ quan từ con người. Ông bình luận gì về thực tế này?
- Thực tế hiện nay có một số vụ án oan sai do rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu sai từ khâu đầu là điều tra, sau đó đến truy tố. Hai khâu này nếu làm kỹ, công tâm sẽ khắc phục được án oan sai. Về thực tế, toà án xử độc lập, nhưng lại phải dựa vào chứng cứ của cơ quan điều tra và cáo trạng của VKS. Như vậy sự độc lập cũng chỉ là tương đối chứ không thể tuyệt đối vì thế mới có những vụ oan sai. Để tránh oan sai bây giờ cần quy trách nhiệm, chế tài đối với các cơ quan tố tụng. Nếu sai phạm phải xử lý cán bộ nghiêm, những người nắm chắc pháp luật mà làm sai càng phải xử lý nghiêm minh.
- Chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ trưởng Bộ Công an có yêu cầu "trọng chứng hơn trọng cung" nhưng thực tế trong các vụ án oan sai thường thì căn cứ kết tội bị cáo lại dựa chính vào lời khai của họ. Sức ép để bị cáo phải nhận tội cũng được đề cập, ông nghĩ sao về điều này?
- Trong nhiều vụ án có đặt ra vấn đề ép cung, nhục hình, thông cung. Đây là vấn đề "nóng" và để giải quyết nó cũng cần có quy định cụ thể. Vì thế, có một số người trong quá trình điều tra người ta nhận tội nhưng khi ra toà lại phản cung. Họ tố cáo có chuyện ép cung, dùng hình phạt nặng với bị cáo. Thực tế, trong quá trình điều tra luật sư tham gia cũng rất khó khăn vì cơ quan này nại ra nhiều lý do. Tôi cho rằng, cần phải mở rộng quy trình, đưa luật sư vào ngay từ giai đoạn điều tra nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thân chủ.
Đừng để người dân chờ đợi quá lâu
- Thực tế kháng nghị của chánh án TANDTC hoặc viện trưởng VKSNDTC trả vụ án về điều tra bổ sung, xét xử lại. Nhiều vụ án đã trải qua nhiều phiên toà, nhưng bị cáo vẫn tiếp tục kêu oan. Theo ông, với những kỳ án, có dấu hiệu oan sai Ủy ban thường vụ Quốc hội có nên trực tiếp xem xét, đưa ra ý kiến chỉ đạo hay không?
- Hiện nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn có quyền xem xét các vụ án nếu có dấu hiệu oan sai. Có những vụ án cụ thể, Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn tổ chức đoàn giám sát. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng thời gian qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa nhận được đơn từ vụ án nào mà khiến Ủy ban thường vụ Quốc hội phải vào cuộc. Trước đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét một số vụ cụ thể rồi và đưa ra ý kiến chỉ đạo thấu tình, đạt lý.
- Liên tiếp những vụ án có dấu hiệu oan sai, đơn thư khiếu kiện kéo dài, theo ông có cần thành lập một Ủy ban giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội không?
- Theo tôi, trước những vụ án phức tạp, người dân kêu oan nhiều thì cũng cần có Ủy ban để xem xét, kết luận. Việc này nên tiến hành trong thời gian ngắn không để người dân phải chờ đợi kéo dài. Thực tế, chúng ta đang để những vụ án oan sai kéo dài 5-10 năm thậm chí còn nhiều năm hơn nữa gây thiệt hại cả vật chất, tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, với thời gian lâu như vậy, khi lật lại chứng cứ không còn để xem xét. Chẳng hạn như vụ ông Chấn, kết án tội giết người muốn lật lại, thì vết máu trên dao không còn mà chỉ nghe lại lời của nhân chứng thôi. Mà vụ này, qua đấu tranh hung thủ thật sự ra đầu thú thì việc xem xét lại mới thuận lợi, còn những vụ khác chưa tìm ra hung thủ thì rất khó.
- Nếu có một Ủy ban giám sát đó thì quy trình, thủ tục cần thiết cho một vụ án được xét xử lại sẽ quy định như thế nào, thưa ông?
Khi ấy, cần căn cứ vào từng vụ án cụ thể, những tình tiết đặc biệt mà bị cáo kêu oan để xác minh lại. Khi đã kết tội thì toà án sẽ khẳng định mình đúng, do vậy cần có cơ quan giám sát lại công việc của các cơ quan tố tụng. Ở đây, quyền cao nhất vẫn thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội. Khi ấy, chúng ta sẽ hạn chế những vụ án oan sai nhưng để quá lâu và người dân sẽ tin tưởng hơn vào cơ quan tiến hành tố tụng.