Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

300 cuốn truyện, vé máy bay gặp bạn trai cũ và khoản chi gây tiếc nuối

Bảo Minh (25 tuổi, TP.HCM) chi 30 triệu đồng mua laptop mới để "bằng bạn bè" thay vì thực sự cần thiết. Việc này khiến anh hối hận suốt nhiều tháng sau đó.

chi tien hoang phi anh 1

Chi tiêu hợp lý là chuyện không đơn giản với các bạn trẻ. Thay vì lập kế hoạch dành dụm, tích cóp, một số người chọn tiêu xài tùy ý để chiều theo cảm xúc cá nhân.

Tuy nhiên, sự thỏa mãn lại chẳng thể kéo dài. Họ nhanh chóng rơi vào hoang mang khi nhận ra đã mất một khoản tiền lớn cho các món đồ không thực sự cần thiết, hoặc phục vụ mục đích vô nghĩa. Dù xem đây là “học phí” cho bài học chi tiêu, nhiều người vẫn không ngừng tiếc nuối suốt thời gian dài.

Zing trò chuyện cùng 4 bạn trẻ để nghe về những lần chi tiền gây hối hận của họ, tính đến tháng 8/2022.

Những khoản chi gây tiếc nuối

Vân Khanh (24 tuổi, nhân viên ngân hàng, TP Thủ Đức): Hồi tháng 5, tôi bỏ ra 11 triệu đồng để mua nước hoa, body mist (xịt thơm toàn thân).

Tôi bị nghiện các mùi thơm, đặc biệt là hương vanilla. Mỗi khi xịt nước hoa, tôi thấy mình đẹp và tự tin hơn. Ban đầu, tôi chỉ mua body mist và nước hoa mini, giá khoảng 300.000 đồng/chai. Khi thu nhập cao hơn, tôi bắt đầu hướng tới nước hoa fullsize.

Có lần, chỉ trong 2 tháng, tôi mua 3 lọ to và hơn 10 ống chiết. Điều đáng nói là tất cả chỉ tập trung vào 1 note hương duy nhất nên mùi khá giống nhau.

chi tien hoang phi anh 2

Tủ truyện Khánh Ngọc sưu tầm hơn 10 năm qua.

Bảo Minh (25 tuổi, kế toán, TP.HCM): Cách đây gần 3 tháng, khi chuẩn bị nhảy việc, tôi mua laptop mới trị giá 30 triệu đồng theo lời khuyên của bạn bè dù không thực sự thích nó.

Khi đó, tôi chuẩn bị nhận việc mới. Thay laptop được xem là một cách đổi “vía”. Ban đầu, tôi cân nhắc một nhãn hàng quen thuộc với các model dưới 20 triệu đồng. Nhu cầu của tôi chỉ xoay quanh các tác vụ văn phòng cơ bản.

Dù vậy, tôi vẫn đắn đo vì mọi thành viên trong nhóm bạn thân đều dùng Macbook. Nỗi sợ khác biệt và cơn sĩ diện hão liên tục thôi thúc, dù tôi biết sẽ phải mua trả góp nếu muốn “lên đời”.

Khánh Ngọc (22 tuổi, nhân viên văn phòng, TP.HCM): Tiêu 10 triệu đồng cho 300 quyển truyện tranh là quyết định khiến tôi day dứt nhiều tháng sau đó.

Sưu tầm manga là đam mê của tôi từ những năm còn học cấp 2. Tôi có một tủ lớn chất đầy các bộ truyện, vật phẩm tạo hình theo nhân vật yêu thích. Lúc bấm thanh toán giỏ hàng, lòng tôi chỉ ngập tràn hạnh phúc vì có thể làm giàu thêm "kho tàng" của mình.

Linh Thùy (25 tuổi, nhân viên truyền thông, TP.HCM): Đầu năm 2022, tôi đã chi gần 5 triệu đồng để mua vé máy bay đi Hà Nội. Mục đích của việc này là tìm gặp, níu kéo người yêu cũ.

Chúng tôi gặp nhau trên ứng dụng hẹn hò, trong một lần anh vào TP.HCM sống với họ hàng. Chỉ sau 2 tuần tìm hiểu, tôi và anh quyết định xác lập mối quan hệ. Chưa bao giờ tôi gặp người hợp mình từ gu ăn uống, âm nhạc đến quan điểm sống như vậy.

Tuy nhiên, chúng tôi bắt đầu cãi nhau to sau vài tháng. Thời điểm đó, tôi có công việc ổn định nên thu nhập khá hơn bạn trai đang làm freelance. Anh chỉ trích, cho rằng tôi dùng áp lực tài chính để giành quyền kiểm soát tình yêu và bỏ về Hà Nội ngay sau đó. Tôi nghĩ mình cần phải hành động để giữ người đó lại.

Khoảnh khắc nhận ra sai lầm

Vân Khanh: Tôi không thể dùng hết các lọ nước hoa đã mua. Vài chai chỉ được xịt thử một lần rồi nằm đóng bụi trên kệ. Để vơi đi cảm giác tội lỗi, tôi mang tặng bạn bè, thậm chí còn dùng body mist xịt phòng cho đỡ phí. Tôi càng cắn rứt hơn vào những lúc túng thiếu, không đủ tiền chi cho các khoản thật sự cần thiết. Đỉnh điểm, tôi đã không thể tặng mẹ món quà sinh nhật như đã hứa từ lâu.

chi tien hoang phi anh 3

Linh Thùy giữ cuống vé máy bay chiều về để nhắc nhở bản thân về cách dùng tiền.

Bảo Minh: Tôi hối hận chỉ sau 3 ngày sử dụng. Vốn không phải người thạo công nghệ, tôi loay hoay để làm quen với giao diện và các thao tác trên máy mới. Lúc này tôi nhận ra không cần một chiếc máy đắt đỏ để đáp ứng các nhu cầu hiện tại. Khi quá bức bối, tôi đành quay lại với chiếc laptop cũ. Hiện tại, tôi sử dụng song song 2 máy cho đỡ xót tiền.

Khánh Ngọc: Lúc thanh toán xong, tôi giật mình khi nhận thông báo tài khoản chỉ còn 200.000 đồng. Trước đó, tôi vẫn đinh ninh số dư vẫn đủ để sống thoải mái. Chưa bao giờ tôi thấy mình “nghèo” như vậy. Suốt 3 tháng tiếp theo, tôi nhận thêm nhiều công việc tự do, chỉ ăn cơm nhà, thậm chí không dám mua quà vặt để tích cóp, bù lại khoản tiêu thiếu tính toán kia.

Linh Thùy: Tôi book vé gấp để bay ra gặp anh. Trái với những kỳ vọng ban đầu, tôi chẳng còn chút rung động nào khi gặp lại bạn trai cũ. Cảm xúc còn lại chỉ là sự chán nản, buồn bực như những lần cãi nhau. Mong muốn giảng hòa của tôi nhanh chóng tan biến sau cuộc nói chuyện tại Hà Nội. Lúc này, tôi biết mình đã phí thời gian và tiền bạc cho một người không xứng đáng.

Học cách tiết kiệm, cân bằng tâm lý

Vân Khanh: 11 triệu đồng đó có thể xem là “học phí” cho việc quản lý tài chính. Vài tháng gần đây, mỗi khi nhận lương, tôi lập tức chuyển 40% vào tài khoản tiết kiệm. 60% còn lại cân đối cho các mục ăn uống, xăng xe và mua sắm cho gia đình.

“Cơn nghiện” nước hoa đôi khi vẫn trỗi dậy, nhưng tôi luôn cố gắng kiềm chế hoặc chỉ mua một lọ chiết để thử mùi.

chi tien hoang phi anh 4

Một số chai nước hoa, body mist Vân Khanh còn giữ lại để dùng.

Bảo Minh: Tâm lý tiếc tiền bám riết tôi nhiều tuần. Tôi hủy hết các kế hoạch vui chơi, du lịch để tập trung làm việc, kiếm tiền trả hết phần còn lại nhưng đến giờ vẫn chưa xong. Hiện tại, tôi đang cân nhắc bán rẻ lại máy cho người thực sự có nhu cầu.

Khánh Ngọc: Tôi vẫn duy trì đam mê với truyện tranh nhưng đã biết giữ chừng mực. Để đảm bảo có khoản dư, phòng bất trắc, tôi duy trì thói quen gửi tiết kiệm ngân hàng mỗi tháng.

Sự dằn vặt sau lần “vung tay quá trán” đó vẫn đeo bám tôi đến tận bây giờ.

Linh Thùy: Có thể nói số tiền 5 triệu đồng không lớn, nhưng khoản chi này thực sự rất vô nghĩa và khiến tôi như mua về thêm nhiều cảm xúc tiêu cực. Khi trở về TP.HCM, tôi lao đầu vào cày cuốc để nhanh chóng vơi bớt nỗi buồn.

Từ câu chuyện này, tôi tiêu dùng tỉnh táo hơn, không để cảm xúc lấn át. Dù vậy, gần 9 tháng sau, tôi vẫn ám ảnh và chưa dám yêu người khác.

Gần như tất cả chúng ta đều từng bị mua sắm bốc đồng (impulse buying) quyến rũ.

Đây là thuật ngữ chỉ việc mua sắm mà không có tính toán trước. Chỉ cần khoản chi đó nằm ngoài ngân sách của bạn, nó là một khoản mua sắm bốc đồng.

Niềm vui từ mua sắm bốc đồng là thực, nhưng nó sẽ nhanh qua một khi ta nhận ra mình vừa lãng phí tiền mồ hôi nước mắt cho những điều phù phiếm.

Để hạn chế những lần chi tiêu gây nuối tiếc, Nerd Wallet gợi ý:

  • Dừng lại một chút trước khi trả tiền cho một món nào đó, tự hỏi mình sẽ dùng nó vào việc gì với tần suất bao nhiêu.
  • Lên danh sách cần mua và cầm khoản tiền tương ứng khi đi siêu thị hay trung tâm thương mại.
  • Cẩn thận với những email quảng cáo từ nhãn hàng. Bạn có thể hủy bớt để tránh bị spam và "cám dỗ" chi tiền.
  • Đừng mua hàng lúc đang quá vui hay quá buồn, cũng không nên mua chỉ vì sale, vì rẻ.
  • Hạn chế so sánh cuộc sống của mình với người khác.
  • Đặt mục tiêu tiết kiệm cụ thể như trả nợ, đổi xe, tích lũy mua nhà,... và nghĩ đến chúng mỗi khi cơn bốc đồng kéo đến.

Người trẻ tăng thu, tăng cả chi sau 2 năm

Sau 2 năm dịch bệnh, Ngọc Lân (26 tuổi, TP.HCM) thấy mình tiêu xài phóng tay hơn, từ mua sắm quần áo, nước hoa cho đến hình thành sở thích xả stress tại quán bar.

Hồng Anh

Đồ họa: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm