Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

35 ngày không thể quên của nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân Covid-19

Sau 35 ngày làm nhiệm vụ tại Cần Giờ, Khánh kể lại cho mẹ nghe tất cả việc cô đã làm thời gian qua. Hai mẹ con cùng khóc nhưng cô biết mẹ sẽ luôn tự hào về con đường con gái đã đi.


Đầu tháng 3, Nguyễn Thị Khánh - điều dưỡng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện quận Thủ Đức, bất ngờ nhận được thông báo chuyển công tác sang Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ để trực tiếp tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Dù chủ động viết đơn tự nguyện tham gia, nữ điều dưỡng thoáng băn khoăn khi nghĩ tới mẹ. Cô cùng hai nữ điều dưỡng khác lên xe để sang Cần Giờ. Phía trước là những thử thách cam go, có lẽ sẽ khốc liệt nhất trong nghề của cô. Nữ điều dưỡng ôm chặt balo, dựa vai đồng nghiệp. Dù hồi hộp nhưng cô không hề sợ hãi.

Benh vien Dieu tri Covid-19 Can Gio anh 1

Điều dưỡng Khánh (góc ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng đồng nghiệp sau ca trực. Ảnh: V.K.

Phục vụ người bệnh từ A-Z

Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ xa nhà dân, xung quanh là rừng cây, những đàn dê, nắng như đổ lửa và bãi muối trắng xoá. Mỗi lần nhìn ra ngoài, Khánh đều thấy man mác buồn vì “nhớ hơi thành phố”.

Công việc của nữ điều dưỡng là chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 và những trường hợp cách ly, theo dõi. Khánh cùng đồng nghiệp trả lời hàng trăm thắc mắc mỗi ngày từ những bệnh nhân của mình.

Khi bệnh nhân và người cách ly đến quá đông, cả nhóm hầu như làm việc suốt đêm, từ lấy mẫu bệnh phẩm, làm hồ sơ, phân loại bệnh, sắp xếp phòng ở cho mọi người. Thậm chí, nhân viên y tế tại đây kiêm luôn việc phân phát đồ tiếp tế, thức ăn, nước uống đến cả thông bồn cầu trong phòng bệnh.

“Khi phòng bệnh có bồn cầu gặp sự cố, bệnh nhân gọi lên, chúng tôi liền mang sẵn dung dịch thông tắc đến giải quyết. Thậm chí, nửa đêm, một bệnh nhân gọi điện lên chỉ để nhờ bắt hộ con ong đậu trên cửa sổ”, điều dưỡng Khánh kể lại.

Với Khánh và các y bác sĩ tại đây, khó khăn nhất là bệnh nhân và người cách ly đến từ nhiều quốc gia, tôn giáo khác nhau nên có nhiều khác biệt, nhất là trong ăn uống. Chẳng hạn, có bệnh nhân chỉ ăn chay trường, thậm chí, có người yêu cầu ăn gì cũng được ngoại trừ cơm.

Nữ điều dưỡng kể lúc phát cơm, một người sơ ý lấy nhầm phần thức ăn của người khác, tất cả trở nên xáo trộn. Nhiều lần Khánh và đồng nghiệp phải giải quyết các phần ăn trưa đến 14h, phân chia phần ăn tối đến 21h. Mệt nhoài trở về phòng trực, Khánh trút bỏ lớp bảo hộ, ăn vội phần cơm nguội lạnh dưỡng sức cho ca trực tiếp theo.

Benh vien Dieu tri Covid-19 Can Gio anh 2

Điều dưỡng Khánh hỗ trợ đưa người cách ly vào phòng bệnh. Ảnh: V.K.

Một tuần sau khi nhận công tác chăm sóc bệnh nhân Covid-19, mẹ Khánh gọi lên với giọng hoài nghi sau khi người dì vô tình kể lại. Sợ mẹ lo lắng, Khánh trấn an mẹ chỉ làm nhiệm vụ một tuần. Mẹ cô bớt lo lắng nhưng vẫn chưa yên lòng.

Những cuộc điện thoại dồn dập từ mẹ khiến cô bối rối. Nữ điều dưỡng đành viện cớ nói dối, khi đang ở ngoài đường, khi đang bận chăm sóc bệnh nhân… để né những cuộc gọi video từ mẹ.

Mỗi tối, sau khi hoàn thành công việc, cô thay bộ quần áo thường mặc ở nhà, tìm góc tường trong bệnh viện cùng màu sơn với phòng ngủ để gọi cho mẹ.

“Đồng nghiệp biết chuyện nên thường trêu tôi tháng tư này là lời nói dối của Vân Khánh. Tôi chỉ cười cười vậy thôi vì nếu mẹ biết chuyện, bà càng thêm lo lắng, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tôi lại không thể an tâm làm nhiệm vụ”, Khánh nói.

Cùng nhau vượt qua mùa dịch

Cùng phòng với Khánh còn có điều dưỡng Hiếu, Huyền, sau đó, có thêm điều dưỡng Tâm. Những ngày làm việc áp lực cao ở Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ, họ luôn hỗ trợ, động viên nhau. “Chúng tôi đã cùng nhau có những ngày tháng thực sự khó quên trong mùa dịch này”, nữ điều dưỡng nói.

Benh vien Dieu tri Covid-19 Can Gio anh 3

Với Vân Khánh, những ngày được điều trị bệnh nhân Covid-19 là không thể quên. Ảnh: NVCC.

Nữ điều dưỡng cho biết điều may mắn là cô và các đồng nghiệp luôn nhận được sự động viên, an ủi và rất nhiều tình yêu thương từ mọi người.

“Có lúc mệt quá nhưng nhận được tin nhắn hỏi han, nhắc nhở ăn uống đầy đủ, không để sụt cân… tôi vừa buồn cười vừa vui”, nữ điều dưỡng kể.

Khánh cho biết cô và các đồng nghiệp được ban giám đốc, mạnh thường quân hỗ trợ mọi mặt, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Đặc biệt, bệnh nhân đã khỏi bệnh, người hết cách ly sau khi rời viện cũng gửi đến nhiều đồ ăn, cả hoa tươi để cảm ơn nhân viên y tế.

“Tôi xúc động vì chưa bao giờ thấy mọi người cùng đồng lòng chống dịch như lúc này. Cũng chưa bao giờ nhân viên y tế được chăm lo, yêu thương như vậy”, Khánh nói.

Ngày 18/4, bệnh nhân dương tính cuối cùng ở Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ được xuất viện. Đó là ngày Khánh cũng như hàng trăm nhân viên y tế tại đây không thể quên.

“Cuối cùng chúng tôi cũng đã làm được, đã cứu lấy họ từ tay tử thần Covid-19. Tôi tin các đồng nghiệp của tôi ở mọi miền đất nước cũng sẽ làm được như vậy”, Khánh tự hào nói.

Sau 35 ngày làm nhiệm vụ tại Cần Giờ, cô cũng kể lại cho mẹ nghe tất cả việc cô đã làm thời gian qua. Ở đầu dây bên kia, mẹ cô khóc nấc. Nữ điều dưỡng cũng khóc theo nhưng cô biết mẹ sẽ luôn tự hào về con đường con gái đã chọn.

Sinh viên ngành quân đội tình nguyện hiến máu trong đại dịch Covid-19 Đợt hiến máu tình nguyện do Đoàn Thanh niên BV Trung ương Quân đội 108 và ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ chức.

Việt Nam chưa tính đến việc công bố hết dịch Covid-19

Sáng nay (12/5), Việt Nam tiếp tục không ghi nhận người nhiễm SARS-CoV-2 mới. Đây là ngày thứ 26 liên tiếp không có ca mắc mới trong cộng đồng.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm