Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

4 bệnh da liễu người dân tại vùng lũ cần cẩn trọng

Việc tiếp xúc với nguồn nước bẩn lâu ngày có thể dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm về da, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

'Sau lũ là thời điểm dễ phát sinh nhiều dịch bệnh' Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo bệnh viện tuyến cơ sở cần làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh sau lũ.

Thời tiết xấu, người dân tại khu vực miền Trung phải đối mặt nhiều nguy cơ về sức khỏe. Không chỉ những tai nạn trực tiếp do mưa bão, các bệnh lý về da liễu cũng có khả năng tấn công người dân khi họ phải tiếp xúc nguồn nước bẩn trong thời gian dài.

Theo bác sĩ Lê Thị Mai, Phó trưởng phòng Chỉ đạo Tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), người dân tại vùng lũ có nguy cơ mắc 4 nhóm bệnh ngoài da chính và cần đặc biệt lưu ý.

Các bệnh viêm da

Ví dụ điển hình của nhóm bệnh này là viêm da tiếp xúc. Bác sĩ Mai cho biết việc ngâm mình quá lâu trong nước ngập gây tổn thương tế bào sừng, dẫn đến viêm và kích ứng.

Biểu hiện lâm sàng của viêm da tiếp xúc dễ thấy nhất là các mảng ban đỏ tại vùng tiếp xúc, mụn nước, cảm giác châm chích, bỏng rát và đau nhức.

nguy co mac benh da lieu vung lu anh 1

Bác sĩ Lê Thị Mai, Phó trưởng phòng Chỉ đạo Tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: Quốc Vương.

"Sự khởi phát các triệu chứng thay đổi từ vài phút đến nhiều ngày tùy thuộc nồng độ chất gây kích ứng và thời gian tiếp xúc của bệnh nhân", bác sĩ Mai cho hay.

Người dân cần tránh tiếp xúc yếu tố gây kích ứng và giữ khô tổn thương nhằm ngăn ngừa các bệnh da thứ phát. Ngoài ra, bác sĩ Mai khuyến cáo bệnh nhân có thể điều trị hỗ trợ bằng thuốc chứa corticosteroid tại chỗ và kháng hitamine toàn thân.

Nhiễm trùng da

Nhiễm nấm và vi khuẩn là 2 trường hợp thường thấy khi bệnh nhân tiếp xúc lâu với nước lũ. Đặc biệt, bàn chân là bộ phận tiếp xúc nước bẩn nhiều nhất. Do đó, đây cũng là khu vực dễ dàng bị nhiễm trùng da do nhiễm nấm.

Biểu hiện có thể quan sát bằng mắt thường của người bệnh nhiễm nấm da là ban đỏ, mụn nước thành hình vòng cung, trợt loét da kèm theo cảm giác ngứa nhiều.

nguy co mac benh da lieu vung lu anh 2

Bàn chân là khu vực dễ bị nhiễm nấm nhất trên cơ thể. Ảnh: BVCC.

Trái ngược với viêm da tiếp xúc, người bệnh nhiễm nấm tuyệt đối không tự ý bôi thuốc có chứa corticosteroid. Việc làm này sẽ khiến bệnh diễn biến xấu hơn. Ngoài ra, bệnh nhân bị nhiễm trùng da cũng cần tránh mặc quần áo ẩm, tạo điều kiện cho bệnh phát triển.

Bệnh da bội nhiễm do chấn thương

Theo bác sĩ Mai, vết thương do chấn thương thường là tình trạng ban đầu. Ở giai đoạn sau, tình trạng thường gặp nhất là nhiễm trùng thứ phát.

Biểu hiện của bệnh thường là viêm đỏ, sưng tấy như viêm mô bào, hoại tử. Nếu nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết.

Bác sĩ Mai hướng dẫn: "Người bệnh khi bị bội nhiễm da do chấn thương cần làm sạch vết thương, bôi mỡ kháng sinh và băng vết thương nhanh chóng. Trong trường hợp vết thương bị nhiễm bẩn và nguy cơ nhiễm trùng cao, bệnh nhân có thể sử dụng thêm thuốc kháng sinh dự phòng".

Các bệnh ngoài da khác

Hai nguyên nhân gây bệnh ngoài da phổ biến được xếp vào nhóm này là côn trùng đốt và yếu tố cảm xúc tâm lý.

Với bệnh da do côn trùng đốt, triệu chứng thông thường khi bị muỗi đốt là sẩn huyết thanh. Nếu tình trạng nghiêm trọng, bệnh nhân có thể xuất huyết hoặc hoại tử. Ngoài ra, bệnh nhân bị kiến cắn cũng gặp phải những tổn thương tại chỗ hoặc toàn thân.

Phó trưởng phòng Chỉ đạo Tuyến của Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết cảm xúc tâm lý bất ổn có thể làm trầm trọng thêm một số bệnh da nguyên phát như viêm da dị ứng, mày đay, rụng tóc từng đám, phù mạch, vảy nến, bạch biến...

Để điều trị kịp thời, người bệnh cần nhanh chóng làm sạch vết thương bằng xà phòng nhẹ, băng ép và sử dụng chế phẩm làm dịu, tránh trầy xước. Việc làm này có thể ngăn ngừa nhiễm khuẩn thứ phát, biến chứng phổ biến của vết côn trùng cắn.

nguy co mac benh da lieu vung lu anh 3

Triệu chứng của bệnh nấm kẽ bàn chân. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Mai, bôi các chế phẩm chứa corticosteroid và uống thuốc kháng histamine để giảm triệu chứng ngứa và đau cũng là phương pháp điều trị thích hợp trong trường hợp này.

Tuy nhiên, chuyên gia này khuyến cáo các bệnh nhân vẫn nên cố gắng đến cơ sở y tế ngay khi có thể. Nguyên nhân là thuốc bôi chứa corticosteroid có rất nhiều loại. Mỗi vùng da trên cơ thể sẽ có loại thuốc riêng và cần được chỉ định từ nhân viên y tế.

Ngoài ra, người dân tuyệt đối không được đắp lá và các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc. Việc làm này có thể gia tăng tình trạng bệnh, gây khó khăn cho việc điều trị.

"Trong điều kiện thời tiết xấu và chưa có các loại thuốc chuyên dụng, điều quan trọng nhất khi mắc các bệnh da liễu tại vùng lũ là làm sạch vùng tổn thương bằng nước máy", bác sĩ Mai nhấn mạnh.

Những điều cần làm để phòng dịch bệnh mùa mưa lũ Trong mùa mưa lũ, các bệnh lây truyền qua nước (thương hàn, tả, tiêu chảy...) và véc-tơ (sốt rét, sốt xuất huyết) có nguy cơ xuất hiện.

Người dân vùng lũ cần làm gì để tránh dịch bệnh?

Theo Bộ Y tế, trong mùa mưa lũ, các dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, tiêu chảy, thương hàn thường xuất hiện.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm