Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

4 bệnh không nguy hiểm nhưng gây khó chịu trong mùa đông

Dù không nguy hiểm nhưng bệnh cước tay chân, nổi mề đay, ngạt mũi, nhiệt miệng lại gây nhiều phiền toái cho cuộc sống, sinh hoạt.

Cước tay chân

Thường xuyên xuất hiện trong thời tiết lạnh giá, cước chân tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây khó chịu cho người bệnh trong sinh hoạt.

Cước là dạng nhẹ của chứng tổn thương do tê cóng, khi chân tay tiếp xúc với khí lạnh, lúc đó các mạch máu ngoại vi dưới da, bị co lại khiến máu lưu thông chậm, gây thiếu ô xi ở vùng đầu chi. Theo các chuyên gia y tế, ai cũng có thể bị phát cước, nhất là phụ nữ, những người lao động chân tay ngoài trời... Ngoài ra, bệnh cũng hay gặp ở những người có tuần hoàn máu kém, hay bị lạnh ngón tay, chân ngay trong nhiệt độ không lạnh.

Cước tay chân thường xảy ra vào mùa đông do thời tiết lạnh - Ảnh: VTC1.

Người bị cước thường có triệu chứng các đầu ngón chân tay sưng, nứt nẻ đau buốt, ngứa, bệnh không chữa trị sớm sẽ dẫn đến phù nề, viêm da, loét da.

Trên VTC1, TS Lương y Nguyễn Hoàng (nguyên giảng viên ĐH Dược HN) cho biết cách xử trí tại nhà đơn giản đối với những người bị cước đó là có thể chườm nóng bằng lá ngải cứu, nắm lá lốt cả dây sao vàng; hoặc dùng vật liệu tăng tính ấm để xoa như nước gừng (gừng tươi giã vắt nước, gừng tươi ngâm cồn) cao sao vàng…

Đặc biệt, cước không chỉ bị ở riêng tay chân mà còn xuất hiện cả ở tai và mũi, vì vậy cần giữ ấm toàn cơ thể, sưởi ấm sau khi nhiễm lạnh. Hàng ngày, trước khi đi ngủ, các bác sĩ khuyên nên ngâm chân, tay bằng nước ấm có muối, gừng trong khoảng 15 phút sẽ giúp lưu thông máu. Người bị cước cần lưu ý nên đeo găng tay khi rửa bát, giặt giũ, lau nhà, để tránh tiếp xúc với hóa chất, uống nhiều nước, ăn trái cân thường xuyên để bổ sung vitamin.

Khi phát cước không được gãi mạnh chỉ nên xoa nhẹ nhàng tránh lở loét trên bề mặt da dẫn đến nhiễm trùng. Nếu bị quá nặng không nên tự ý dùng thuốc mà nên đến cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời, tránh các biến chứng xấu xảy ra.

Nhiệt miệng

Nhiệt miệng là một tổn thương ở niêm mạc miệng do nhiều nguyên nhân gây ra như răng sâu, viêm quanh răng, sang chấn từ bên ngoài, hoặc nhiễm khuẩn… Người bệnh thường có biểu hiện khoang miệng xuất hiện vết loét đỏ, sưng, đau gây khó chịu khi ăn uống, giao tiếp. Theo thống kê, khoảng 20-40% dân số gặp ít nhất mắc một lần trong đời, nhiều người có thể bị tái phát. Đặc biệt, vào mùa đông, khi chúng ta sử dụng nhiều thức ăn cay, nóng, bệnh này càng có cơ hội để phát triển.

Tư vấn trên báo Sức khỏe đời sống, bác sĩ Quang Trung cho biết khi bị nhẹ, chúng ta chỉ cần vệ sinh, súc miệng nước muối nhạt (pha muối với nước sôi để nguội và nếm thấy vị mặn hơn nước canh), hoặc sử dụng dung dịch natri clorid 0,9%, tăng cường sức đề kháng, bổ sung vitamin nhóm B.

Nhiệt miệng là một tổn thương ở niêm mạc miệng do nhiều nguyên nhân gây ra như răng sâu, viêm quanh răng, sang chấn từ bên ngoài, hoặc nhiễm khuẩn…

Khi niêm mạc vùng tổn thương chuyển sang màu trắng và đỡ đau là lúc bệnh bắt đầu giảm. Nhiệt miệng có thể khỏi trong vòng 10 ngày.

Dù nhiệt miệng không có loại thuốc nào chữa khỏi nhưng việc điều trị vẫn có thể giúp giảm bớt triệu chứng, giảm khả năng tái phát và kéo dài thời gian không bị bệnh. Bác sĩ Khánh Ngọc tư vấn người bệnh có thể sử dụng một số thuốc như Nitrate bạc, Debacterol, kem bôi có chứa triamcinolone acetonide, Amlexanox, dung dịch tetracyclin dùng súc miệng, Gel lidocain 2%.

Đối với trường hợp nhiệt miệng tái phát nhiều lần hoặc kéo dài không khỏi có kèm theo các triệu chứng toàn thân khác như mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, sưng thành đám cứng, chảy máu, bác sĩ khuyên nên khám chuyên khoa răng - hàm - mặt để xác định nguyên nhân và có cách chữa trị cụ thể.

Để hạn chế nhiệt miệng, các chuyên gia đều khuyên cần có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung những thực phẩm thanh mát, giàu vitamin, khoáng chất và tránh những thực phẩm cay nóng, chiên rán.

Ngoài ra, việc duy trì thói quen uống nước thường xuyên, hạn chế bia, rượu, cà phê, thuốc lá cũng khiến tổn thương do loét miệng nhanh lành, không xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

Nổi mề đay do lạnh

Mùa đông là thời điểm khiến nhiều người khổ sở vì dị ứng khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp ngoài trời. Biểu hiện thường thấy là vùng da trên cơ thể sưng, phát ban, ngứa gây khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt, công việc.

Nổi mề đay do lạnh.

Trên báo Sức khỏe đời sống, bác sĩ Nguyễn Bằng Việt chia sẻ triệu chứng này xảy ra do cơ thể sản xuất nhiều chất histamine. Để điều trị cần dùng thuốc kháng histamine như loratadine, fexofenadine, cetirizine, levocetirizine và desloratadine, doxepin, cyprohepxadine.

Các loại thuốc này sẽ không chữa bệnh nổi mề đay lạnh, nó sẽ chỉ giảm triệu chứng. Nếu xuất hiện mề đay lạnh do sức khỏe có vấn đề, người bệnh cần đến cơ sở y tế để tìm hiểu nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.

Để phòng bệnh, mỗi khi bị nổi mề đay, ngứa, chúng ta phải nhanh chóng vào chỗ kín gió, sưởi ấm hoặc trùm chăn, uống nước nóng, dùng khăn hơ nóng lau nhẹ lên phần da bị dị ứng.

Khi phải ra ngoài vào mùa đông, những người thường bị nổi mề đay do lạnh cần mặc đủ ấm, bảo vệ vùng cổ, ngực; đeo khẩu trang; tăng cường ăn rau và trái cây để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Ngạt mũi

Ngạt mũi là triệu chứng thường gặp ở nhiều lứa tuổi khi trời trở lạnh, khiến cơ thể mệt mỏi vì mất ngủ. Nguyên nhân là do các mô tế bào mũi và các mạch máu mũi bị sưng viêm hoặc do có một lượng lớn chất lỏng trong mũi (sổ mũi).

Theo chương trình Vui sống mỗi ngày (VTV3), ngạt mũi lâu ngày có thể dẫn đến viêm xoang, viêm thanh quản do phải thở bằng miệng. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh nguy hiểm và có thể chữa trị tại nhà bằng những biện pháp đơn giản khong cần đến thuốc.

Sử dụng dung dịch nước muối loãng để nhỏ vừa có tác dụng chống khuẩn vừa làm loãng nước mũi đặc. Chúng ta có thể mua nước muối sinh lý nhỏ mũi tại các cửa hàng thuốc, hoặc tự làm ở nhà bằng cách pha nửa muỗng ca phê muối với 200 ml nước ấm (nếm có vị mặn hơn canh).

Bên cạnh đó, chúng ta có thể xông mũi bằng bát nước nóng, hoặc cho các loại lá cây có chứa tinh dầu và hương thơm như khuynh diệp, sả, bạc hà, chanh, tía tô, kinh giới. Tinh dầu chứa trong cây lá có tính sát trùng và làm thông mũi họng, ngoài tác dụng chữa viêm nhiễm còn giúp người bệnh dễ chịu.

Để hạn chế ngạt mũi, các bác sĩ đều đưa ra lời khuyên cần giữ ấm cơ thể, ăn uống nóng, tránh thực phẩm nhiều đường.

Cảnh giác với món nướng vào mùa đông

Trong tiết trời đông lạnh, các món nướng với mùi thơm, vị béo ngậy, màu vàng óng ả luôn hấp dẫn mọi người. Nhưng những món ăn này cũng tiềm tàng nhiều nguy hiểm nếu chế biến sai.

A.H (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm