Các tín đồ về chăm sóc da rất chịu khó tìm tòi, học hỏi về những dưỡng chất mang lại hiệu quả làm đẹp tối ưu. Đa số người bị "nghiện" làm đẹp sẽ sử dụng nhiều hoạt chất dưỡng da cùng một lúc. Tuy nhiên, không phải chất nào cũng có thể kết hợp được với nhau.
Để lựa chọn và kết hợp mỹ phẩm đúng phải dựa trên nhiều thứ, từ nồng độ, cách thức hoạt động, độ pH cho đến liều lượng. Nếu chưa hiểu kỹ về tác dụng hóa học của mỹ phẩm, quy trình dưỡng da sẽ gây hậu quả xấu cho da.
Dưới đây là các loại dưỡng chất mà khi đứng riêng lẻ, chúng được xem là "thành phần vàng" của skincare nhưng khi kết hợp cùng nhau, chúng lại gây ra nhiều tác dụng phụ không đáng có.
BHA và Retinoid
Các thành phần dưỡng da khi áp dụng trên da phải tùy vào cơ địa và độ nhạy cảm để đưa ra lựa chọn hợp lý. Việc kết hợp hai dưỡng chất nhạy cảm như BHA và Retinoids đồng thời trong cùng một liệu trình dưỡng da được xem là quyết định khá táo bạo.
Như đã đề cập trong loạt bài dưỡng da đón Tết, phương pháp tẩy da chết hóa học hoạt động hiệu quả trên da nhưng lại có khả năng kích ứng khá cao, thành phần da chết được đẩy lên và trở thành những nốt mụn viêm. Khi sử dụng mỹ phẩm có chứa BHA, da sẽ mỏng đi và tương đối nhạy cảm trong thời gian này.
Tẩy tế bào chết hóa học (BHA) không nên sử dụng cùng lúc với Retinoids trong quy trình điều trị da mụn. |
Một số người thấy da bị đẩy mụn liền đi tìm sản phẩm trị mụn, trong đó có "thần dược trị mụn" Retinoids - hoạt chất hoạt động mạnh có thể khiến da bong tróc, nổi mẩn. Vì vậy, nếu da bạn thuộc dạng nhạy cảm, đừng liều lĩnh kết hợp cùng lúc BHA và Retinoids. Hãy sử dụng cách tuần, sau đó là 2-3 ngày/lần, để da quen dần rồi tiếp tục tăng liều lượng.
Benzoyl Peroxide (BPO) và Retinoids
Đây đều là hai "dưỡng chất vàng" trong việc điều trị mụn. Nếu Retinoids giải quyết toàn bộ vấn đề tận sâu lỗ chân lông thì BPO làm gom cồi mụn nhanh chóng. Tuy nhiên, đây là hai dưỡng chất không nên kết hợp cùng nhau.
Khi sử dụng Retinoids, da bạn đã tương đối khô và phải chịu đựng khá nhiều để vitamin A hoạt động hiệu quả. Việc đưa BPO vào các vết mụn sẽ làm cho da khô hơn, thậm chí bị kích ứng và bong tróc nghiêm trọng.
Benzoyl Peroxide và Retinoids đều có tác dụng phụ là làm khô da, khi hết hợp gây hiện tượng bong tróc và khô da trầm trọng. |
Tốt nhất, khi sử dụng Retinoids, bạn chỉ nên kết hợp cùng các sản phẩm làm dịu da như lotion, essence và kem dưỡng ẩm. Làn da chúng ta có giới hạn nhất định, đừng kết hợp nhiều sản phẩm có chứa chất tẩy mạnh cùng lúc sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
BHA và vitamin C
Việc nên hay không kết hợp giữa BHA và vitamin C vẫn còn nhiều tranh cãi. Phía những người sở hữu làn da khô, ít bị kích ứng cho rằng đây là điều hợp lý. Phần lớn người sở hữu da dầu và nhiều mụn lại cho đây là quyết định mạo hiểm.
Vitamin C ở dạng tinh khiết rất dễ xảy ra kích ứng, đặc biệt là các hãng mỹ phẩm hiện nay đều sản xuất vitamin C ở nồng độ khá cao (10%, 20%, 21,5%...). Ngoài ra, vitamin C dễ bị oxy hóa, hoạt động kém trên làn da có độ pH cao. Vì vậy, vitamin C chỉ nên sử dụng khi da đã sạch mụn, hoàn toàn khỏe để giải quyết tình trạng thâm sau mụn.
Không nên sử dụng vitamin C ở dạng tinh khiết trên làn da nhiều mụn, biểu hiện thấy được ngay là bị sót ở vết thương hở, sử dụng lâu dài khiến da mụn bị kích ứng và nổi mụn nhiều hơn.
Vitamin C dễ gây kích ứng, không nên kết hợp với chất hoạt động mạnh trên da như BHA. |
Như đã nói từ đầu, khi sử dụng BHA, da bị mỏng đi và tương đối nhạy cảm. Với một số bạn sở hữu làn da dễ kích ứng, không nên kết hợp BHA và vitamin C.
Nếu bạn là người "nghiện dưỡng da", nên sử dụng vitamin C vào ban ngày và BHA vào buổi tối, tránh hiện tượng da bị kích ứng do nhiều dưỡng chất mạnh hoạt động cùng lúc.
Kết hợp kem chống nắng với kem dưỡng
Kem chống nắng với kem dưỡng khi kết hợp cùng nhau không khiến da bị kích ứng nhưng lại làm mất đi hoàn toàn hiệu quả của các sản phẩm này. Không phải ngẫu nhiên mà các hãng mỹ phẩm lớn nhỏ đều tách biệt hai loại sản phẩm dưỡng da này.
Kem chống nắng chỉ nên thực hiện đúng nghĩa vụ của chính nó, đừng tham lam kết hợp, pha trộn với các mỹ phẩm khác. |
Việc bạn trộn kem chống nắng với các loại mỹ phẩm khác có thể làm biến đổi các thành phần sẵn có, khiến hiệu quả bảo vệ da, lớp màn chống nắng bị giảm đi đáng kể. Hành động vô bổ và tốn thời gian này lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ có tác động lớn đến làn da, da trở nên xấu đi do sử dụng mỹ phẩm nhưng hiệu quả chống nắng lại không có.
Nếu bạn không có quá nhiều thời gian để chuẩn bị, hãy thủ sẵn trong mình lọ kem chống nắng có thành phần dưỡng cao.