Bầm tím và rách ở vùng xương chậu là một số vết thương khi sinh phổ biến mà các bà mẹ gặp phải. Ảnh: Medibank. |
Một đứa trẻ chào đời thay đổi cuộc sống của nhiều phụ nữ. Trong đó, quá trình chuyển dạ và sinh nở đi kèm một số rủi ro.
Bác sĩ tiết niệu và sản phụ khoa Christopher Chong cho biết phần lớn chấn thương như bầm tím quanh vùng xương chậu, rách tầng sinh môn là phổ biến khi sinh. Một số ít trường hợp người phụ nữ có thể bị thương nặng hơn, chẳng hạn tổn thương xương trong khi sinh.
Rách tầng sinh môn
Rách tầng sinh môn khi sinh xảy ra khi đầu thai nhi chui qua thành âm đạo mở rộng, trong trường hợp đầu thai nhi quá to so với căng dãn của thành âm đạo hoặc sự co dãn kém của thành âm đạo. Rách thường xảy ra ở vùng da giữa âm đạo và hậu môn.
Bác sĩ tiết niệu và sản phụ khoa Christopher Chong cho biết rách tầng sinh môn là phổ biến, đặc biệt đối với những người lần đầu làm mẹ vì họ chưa từng sinh con.
Ông cho biết thêm mức độ nghiêm trọng của vết rách phụ thuộc vào vị trí của em bé trong khi sinh. Chúng ít nghiêm trọng hơn nếu đầu của em bé hướng xuống dưới khi thoát ra ngoài, so với hướng lên trên.
- Ngăn ngừa rách tầng sinh môn: Khi em bé sắp chào đời, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ giữa hậu môn và âm đạo, gọi là rạch tầng sinh môn, để mở rộng lỗ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh nở. Vết rạch giúp ngăn ngừa những vết rách lớn hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Bác sĩ sản phụ khoa Christopher Chong cho biết các bà mẹ cũng có thể tập cơ sàn chậu, massage với sự giúp đỡ của chồng để làm cho khu vực này co giãn tốt hơn, ít bị rách nghiêm trọng hơn khi sinh con.
- Điều trị vết rách tầng sinh môn: Vết rách nhỏ sẽ lành trong vòng một tuần, trong khi vết rách lớn hơn có thể mất khoảng 2-3 tuần.
Để giảm đau nhức sau sinh, các bà mẹ mới sinh có thể ngâm mình trong bồn tắm. Đây là cách ngâm nhẹ nhàng ấm áp cho vùng sàn chậu để giảm đau và chữa lành.
Tổn thương cơ sàn chậu
Cơ sàn chậu ngăn nước tiểu rò rỉ ra ngoài khi bàng quang đầy. Trong thời kỳ mang thai, tử cung của phụ nữ giãn nở làm tăng áp lực lên bàng quang, khiến cơ vòng bàng quang và cơ đáy chậu phải chịu áp lực rất lớn, dần trở nên quá tải.
Bác sĩ sản phụ khoa Christopher Chong cho biết trong quá trình chuyển dạ, các cơ này bị kéo căng ra đáng kể, điều này gây tổn thương, dẫn đến sa cơ quan vùng chậu hoặc tiểu không tự chủ.
Trong sa cơ quan vùng chậu, tử cung, ruột, bàng quang hoặc phần trên của âm đạo sa xuống thấp hơn trong khung chậu, tạo chỗ phình ra trong âm đạo, dẫn đến đau và khó chịu ở khu vực này.
Tiểu không tự chủ là việc mất kiểm soát bàng quang. Người mẹ có thể bị rò rỉ nước tiểu khi ho, cười hoặc hắt hơi.
- Ngăn ngừa cơ sàn chậu bị căng quá mức: Phó giáo sư, bác sĩ sản phụ khoa Tan Thiam cho biết cách để ngăn ngừa cơ sàn chậu bị căng quá mức trong khi sinh là duy trì chế độ ăn uống cân bằng và kiểm soát cân nặng khi mang thai.
Ông cũng gợi ý các bà mẹ mang thai nên thực hiện các bài tập kegel thường xuyên để tăng cường sức khỏe cơ sàn chậu.
- Điều trị tổn thương cơ sàn chậu: Các cơ sàn chậu không bao giờ trở lại như trước khi mang thai. Vì vậy, các bà mẹ nên thực hiện bài tập sàn chậu thường xuyên để duy trì sức mạnh và chức năng sau khi sinh.
Các bài tập Kegel tăng cường cơ sàn chậu, có thể được thực hiện cả khi mang thai và sau khi sinh con. Ảnh: Verywell Family. |
Tổn thương xương chậu
Vùng chậu là một khung xương chắc chắn nằm ở đáy cột sống, gồm nhiều xương hợp thành. Nó giữ các cơ và bảo vệ các cơ quan ở vùng bụng dưới của phụ nữ. Khi từ bụng mẹ ra bên ngoài, thai nhi nhất định phải đi qua khung xương chậu.
Bác sĩ sản phụ khoa Christopher Chong cho biết nếu đầu em bé to, nó có thể gây áp lực lên xương chậu của người mẹ trong khi sinh, khiến vùng này sưng lên và đau dữ dội.
Áp lực cũng có thể tạo ra khoảng cách giữa hai xương ở phía trước xương chậu. Sau khi sinh, mẹ có thể bị đau khi đi lại hoặc vận động vùng hông.
Trong trường hợp đầu em bé quá lớn, thậm chí không thể thoát ra ngoài, bác sĩ có thể cần bẻ hoặc nắn xương chậu để đảm bảo ca sinh an toàn. Tuy nhiên, bác sĩ Christopher Chong cho biết những trường hợp như vậy rất hiếm.
- Ngăn ngừa tổn thương xương chậu: Kiểm soát cân nặng và kích thước của thai nhi thông qua lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp ích cho người mẹ khi sinh. Bác sĩ sản phụ khoa Christopher Chong cho biết việc kiểm soát kích thước đầu của em bé, trong phạm vi có thể, cũng ngăn ngừa tổn thương xương chậu.
- Điều trị chấn thương: Các vết thương nhỏ, chẳng hạn bầm tím, đau âm ỉ ở vùng xương chậu, thường tự lành khi nghỉ ngơi đầy đủ. Người mẹ thường mất 6-8 tuần để hồi phục.
Trong trường hợp các bà mẹ bị chấn thương nghiêm trọng khi gãy xương, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình hoặc chuyên gia về xương có thể cần phải phẫu thuật để sắp xếp lại xương.
Gãy xương thường mất khoảng 6 tháng để chữa lành. Trong thời gian đó, phụ nữ có thể bị đau nhẹ ở háng, hông hoặc lưng dưới, cảm thấy đau hơn khi đi lại.
Để phục hồi tốt, bác sĩ Christopher Chong không khuyến khích các bà mẹ chạy hoặc nhảy vì nó làm chậm quá trình chữa lành hoặc làm trầm trọng thêm vết thương hiện có.
Chấn thương xương cụt
Xương cụt là một xương nhỏ giúp nâng đỡ trọng lượng của phần trên cơ thể khi bạn ngồi xuống và đóng vai trò là điểm cân bằng khi bạn đứng thẳng. Ở phụ nữ, nó nằm ở đáy ống sinh.
Tiến sĩ Christopher Chong giải thích: Khi một người phụ nữ trải qua quá trình chuyển dạ, áp lực từ đầu của em bé có thể làm bầm tím, gãy xương hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp là trật khớp xương cụt của người mẹ.
Trong những trường hợp nhẹ, vết bầm tím có thể gây ra cơn đau âm ỉ, nhức nhối ở dưới cùng của cột sống. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, người phụ nữ có thể bị đau lưng dưới liên tục, đau khi ngồi xuống và đứng lên.
- Ngăn ngừa chấn thương xương cụt: Yoga khi mang thai và các động tác giãn cơ giúp tăng cường sức mạnh cho khu vực xung quanh xương cụt.
Cách một người phụ nữ ngồi khi mang thai rất quan trọng. Thay vì dồn trọng lượng trực tiếp lên xương cụt, điều này có thể gây khó chịu và khiến bạn dễ bị chấn thương, bác sĩ Christopher Chong khuyên bạn nên sử dụng đệm hoặc bề mặt mềm để hỗ trợ và bảo vệ thêm cho khu vực này.
- Điều trị vết thương ở xương cụt: Bác sĩ Christopher Chong cho biết vết bầm tím sẽ mất 6-8 tuần để khỏi hẳn. Trong thời gian đó, người mẹ nên nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh phần thân dưới.
Trong trường hợp gãy xương, việc chữa lành vết thương có thể cần phẫu thuật, quá trình phục hồi sau đó có thể kéo dài 3-6 tháng. Bác sĩ Christopher Chong khuyến cáo các bà mẹ nên hạn chế ngồi xổm, dành thời gian tập các bài tập nhẹ nhàng như bơi ngửa giúp giảm áp lực lên xương cụt.
Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ có tỷ lệ căng thẳng, lo âu và trầm cảm liên quan đến công việc cao hơn nam giới. Tại sao lại như vậy? Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez cho thấy thực tại của lỗ hổng dữ liệu giới - những khoảng trống câm lặng đầy rẫy trong nền văn hóa của chúng ta.