4 công nghệ xe thông minh không nên dùng ở VN
Các hãng xe không ngừng nghiên cứu để tạo ra những công nghệ thông minh giúp người lái xe an toàn hơn. Tuy nhiên, với đặc thù giao thông và thời tiết ở Việt Nam, đôi khi chúng lại trở nên thừa thãi.
Gạt nước cảm biến
Trang bị cao cấp này đã xuất hiện trên nhiều xe giá cả “bình dân” hơn ở Việt Nam. Hệ thống này sử dụng các cảm biến hồng ngoại giám sát khu vực nhất định ở kính chắn gió trước. Khi phát hiện hơi nước hoặc bụi bẩn, hệ thống sẽ kích hoạt cần gạt nước làm sạch kính.
Gạt nước cảm biến sẽ hoạt động liên tục với thời tiết thay đổi ở VN. |
Với độ bụi bẩn và hơi nước ở Việt Nam, hệ thống này có lẽ sẽ hoạt động hết công suất. Đó là chưa kể đến trường hợp hệ thống quá nhạy cảm, chỉ một đêm mây mù cũng khiến nó bất ngờ khởi động cần gạt, gây phiền phức cho người sử dụng.
Cảnh báo làn đường
Đối với thị trường Mỹ và châu Âu, thiết bị này được coi là rất hữu dụng, đặc biệt đối với những tài xế bất cẩn, hay đi chệch làn đường. Hệ thống cảnh báo này sẽ dùng một camera để phát hiện các dải phân cách làn đường màu trắng hoặc vàng. Nếu xe chạy đè lên những dải phân cách này mà không có tín hiệu rẽ, hệ thống sẽ phát ra âm thanh cảnh báo người lái. Một số hệ thống khác còn tự động điều khiển phương tiện đi đúng làn đường hoặc phanh lại.
Trên những con phố đông đúc ở VN, cảnh báo chệch làn đường trở nên thừa thãi. |
Với tình trạng giao thông đô thị như ở Việt Nam, để chạy được xe thoát khỏi những khu phố đông như mắc cửi và tắc đường thường xuyên, có lẽ thiết bị cảnh báo của bạn sẽ rung kêu liên tục và người lái có nguy cơ... mắc bệnh về tai nếu cứ để hệ thống hoạt động.
Cửa xe cảm ứng tự hạ xuống khi ngập nước
Đây là một tuỳ chọn rất hữu dụng, tăng tính an toàn cho người lái. Trong trường hợp lái xe lao xuống nước, cửa xe sẽ tự hạ xuống, giúp người lái thoát ra ngoài dễ dàng.
Cảm biến hạ kính sẽ là phiền toái khi cứ mưa là ngập. |
Nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn khác. Giả sử bạn để xe trong hầm. Một cơn mưa lớn ở Hà Nội cũng đủ khiến xe bạn “chìm” trong nước. Lúc này, xe ngập nước và hệ thống kính tự mở được kích hoạt. Kết quả là toàn bộ nội thất trên chiếc xe của bạn sẽ được đón chào những nước và nước.
Công nghệ chống va chạm
Công nghệ chống va chạm sẽ xác định và điều chỉnh khoảng cách và độ gần của xe đối với xe trước hay các vật cản khác. Đây là công nghệ nhắm tới tăng độ an toàn cho người lái. Nếu hệ thống cho rằng xe không phanh kịp, nó sẽ tự động báo hiệu bằng đèn nháy, ghế rung, siết chặt đai an toàn... Nếu vẫn không có kết quả, một số hệ thống sẽ tự động phanh lại để giảm thiểu thiệt hại.
Công nghệ chống va chạm không nên dùng trong đường phố đông đúc. |
Công nghệ này sẽ phát huy tác dụng khi bạn chạy xe trên đường cao tốc, nhưng có lẽ không nên “mơ tưởng” tới việc sử dụng nó khi chạy nội thành. Thử lấy đoạn đường Đê La Thành ở Hà Nội làm ví dụ, giờ cao điểm xe nọ và xe kia khoảng cách có thể đo bằng… centimet. Khởi động hệ thống này, bạn sẽ bị rung ghế, siết đai, đèn nháy liên tục và phanh dúi dụi, có lẽ đến tối cũng chưa thể về đến nhà.
Theo TTTĐ/Autodaily