Viêm mũi họng cấp ở trẻ em là tình trạng viêm đường hô hấp trên, cụ thể là mũi, hầu và họng, do sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Các triệu chứng của bệnh thường sẽ xuất hiện sau khoảng 1-2 ngày kể từ khi nhiễm bệnh. Tốc độ tiến triển bệnh và thời gian bệnh kéo dài phụ thuộc vào từng tác nhân gây bệnh và sức đề kháng của trẻ.
Nguyên nhân gây viêm mũi họng cấp ở trẻ
Nguyên nhân gây viêm mũi họng cấp ở trẻ thường do nhiều nguyên nhân:
- Thời tiết thay đổi đột ngột, mưa nắng thất thường
- Tiếp xúc khói xe cộ, khói thuốc lá, bụi bẩn,…
- Trẻ mới đi học nhà trẻ, mẫu giáo
- Trẻ mới cai sữa hoặc thay đổi chế độ ăn dặm
Viêm mũi họng cấp ở trẻ còn có nguyên nhân là virus, vi khuẩn, nấm, cụ thể:
- Virus: cúm, sởi, Adenovirus…
- Vi khuẩn: Heamophilus Influenzae, phế cầu, tụ cầu, liên cầu… Trong đó nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn nhóm A (S.pyogenes) có thể gây nên biến chứng như viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp
- Ngoài ra, nguyên nhân từ nấm hay bất thường bẩm sinh của trẻ: Trẻ sinh non, trẻ không bú sữa mẹ… cũng có thể mắc viêm mũi họng cấp.
Viêm mũi họng cấp là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em. |
Dấu hiệu khi trẻ bị viêm mũi họng cấp
Khi trẻ bị viêm mũi họng cấp thường có các biểu hiện như:
- Chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, hai bên mũi của bé bị nghẹt do tiết dịch xung huyết phù nề, gây ra tình trạng ho khan, ho có đờm. Mũi và họng của trẻ em là hai điểm rất dễ lây bệnh cho nhau, nên khi một trong hai cơ quan này bị nhiễm bệnh sẽ lây cho cơ quan kia.
- Trẻ có dấu hiệu thở khó khăn, thường phải há miệng để thở do đường mũi bị bí tắc bởi các tiết dịch bên trong mũi.
- Cơ thể trẻ lúc bị bệnh sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, dễ kích động, cáu gắt. Hay bỏ ăn, bỏ bú và khóc về đêm.
- Sốt là triệu chứng dễ phát hiện nhất khi trẻ bị viêm mũi họng cấp, có thể sốt lên đến 39-40 độ C. Bố mẹ nên lưu ý, khi trẻ bị sốt cao kéo dài có thể dẫn đến co giật.
- Nôn, đi ngoài phân lỏng cũng dễ xảy ra khi bị viêm mũi họng cấp.
Nếu trẻ bị viêm mũi họng cấp nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Các biến chứng có thể xảy ra sau viêm mũi họng cấp là: Viêm tai giữa, viêm mũi xoang; Viêm đường hô hấp dưới như: Viêm phế quản phổi, viêm phổi; Viêm khớp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S.pyogenes).
Hàng ngày nên vệ sinh mũi họng cho trẻ nếu bị bệnh. |
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị viêm mũi họng cấp?
Khi trẻ có biểu hiện nhẹ nghĩa là mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn trong và lỏng, cha mẹ có thể lau rửa mũi ngay cho trẻ bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì nên nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi.
Nếu dịch mũi quá nhiều và đặc có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ.
- Giữ ấm cơ thể bé bằng cách mặc đủ ấm, tránh để máy quạt, máy lạnh xả thẳng vào bé.
- Hàng ngày cần vệ sinh răng miệng và họng cho trẻ giúp răng miệng và họng sạch sẽ, tránh bội nhiễm nấm hoặc các vi khuẩn khác.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Nên chế biến thức ăn cho trẻ mềm, dễ nuốt, dễ tiêu. Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây và cho bé uống nhiều nước. Chia thành nhiều bữa ăn, giảm bớt số lượng ở mỗi bữa, không nên ép trẻ ăn hết thức ăn đã chuẩn bị.
Nếu tình trạng không thuyên giảm hoặc có sốt thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Phòng viêm mũi họng cấp ở trẻ
Để phòng viêm mũi họng cấp ở trẻ cha mẹ cần cần giữ ấm cho trẻ, hạn chế cho trẻ tới những nơi đông người tránh tiếp xúc nguồn lây lan.
Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, nhà cửa sạch sẽ. Rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Quan trọng nhớ lịch tiêm phòng cho trẻ đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế.
Phần lớn những trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị đau tai, viêm tai giữa, ho, thở khò khè sau vài ngày bị viêm mũi họng cấp. Do điều trị không đúng cách, bệnh kéo dài kèm theo sức đề kháng kém dẫn đến những biến chứng trên là không tránh khỏi.
Nếu bệnh nhẹ chỉ cần điều trị các triệu chứng, còn khi bệnh đã trở nặng, trẻ ho nhiều, sốt cao, đờm có màu xanh và vàng hoặc đã xảy ra biến chứng thì bắt buộc phải điều trị kháng sinh. Việc điều trị khó khăn hơn, tốn kém chi phí và thời gian kéo dài hơn.
Lưu ý: Phụ huynh không nên tự ý đi mua thuốc điều trị khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh nhiều biến chứng nguy hiểm và tránh tình trạng trẻ nhờn thuốc, khó cho việc điều trị sau này. Để có phương pháp điều trị an toàn, cha mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp nhất cho trẻ.
'Vệ sĩ' vô hình của con người
Nếu có hệ miễn dịch ổn định, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây nên. Bạn sẽ khỏe mạnh mà không cần tới thuốc men.
Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.