Hoàng Phượng Mai (20 tuổi) đến TP.HCM vào tháng 3 để chuẩn bị cho học kỳ mới tại ĐH Fulbright (quận 7) và trải qua 4 tháng giãn cách xã hội ở ký túc xá. Khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, cô cố đặt vé máy bay về nhà để tiết kiệm chi phí sinh hoạt khi trường chưa có kế hoạch giảng dạy trực tiếp cho học kỳ tới.
2 tuần trước, tôi bắt đầu xếp dần đồ đạc vào vali, lên mạng tìm đặt vé máy bay từ TP.HCM về Hà Nội.
Nghe tin đường bay giữa 2 thành phố được hoạt động trở lại, tôi không thể kìm nén niềm vui khi nghĩ đến cảnh gặp lại bố mẹ, em trai sau gần 8 tháng xa cách.
Nhiều người từ TP.HCM trở về Hà Nội trên chuyến bay ngày 11/10, sau khi 2 địa phương nối lại đường bay. Ảnh: Việt Linh. |
Thế nhưng, hành trình này lại phức tạp hơn tôi nghĩ. 2 vali chật cứng vẫn nằm chỏng chơ nơi góc phòng, chốc chốc lại bị dỡ ra, rồi xếp lại.
Điện thoại của tôi cũng hiếm khi đầy pin bởi luôn nhận hàng tá tin nhắn, cuộc gọi cập nhật tin tức mới nhất về quy định bay nội địa hậu giãn cách.
Bất lực
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tôi quay lại TP.HCM vào tháng 3 để chuẩn bị cho học kỳ 2 ở ĐH Fulbright (quận 7).
Tôi dự định sẽ nán lại đây qua dịp hè để xin thực tập ở một cơ quan truyền thông, trải nghiệm lối sống nhộn nhịp và thưởng thức những món ăn đường phố hấp dẫn.
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát và số ca nhiễm nhanh chóng leo thang, tôi vừa sợ hãi, vừa hụt hẫng.
Hoàng Phượng Mai (20 tuổi) kẹt lại ở TP.HCM gần 8 tháng do dịch bệnh. |
Giữa dịch bệnh, tôi mắc kẹt ở thành phố cách nhà hàng nghìn cây số, loay hoay tìm cách tích trữ đồ ăn, thu vén sinh hoạt. Mọi kế hoạch khám phá Sài Gòn, tìm trải nghiệm mới đều đổ bể.
May mắn thay, nhà trường không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên học online, mà còn cho phép chúng tôi ở lại ký túc xá miễn phí suốt kỳ nghỉ hè.
Không phải xoay xở tiền nhà trong lúc khó khăn, lại được thực tập online nên tôi cũng có một khoản thu nhập ổn định để mua sắm nhu yếu phẩm, thuốc men dự trữ.
Tôi và cô bạn cùng phòng đều được bố mẹ gửi cho một chút thực phẩm từ trước, bèn cất trữ ăn dần, hạn chế đi siêu thị nhiều để tránh lây nhiễm.
Dù chỗ ở, thức ăn đều được bố trí ổn thỏa, tôi vẫn luôn thấy bồn chồn. Những ngày giãn cách, thế giới của tôi chỉ bó hẹp giữa 4 bức tường nhà, xoay quanh chiếc laptop.
Tôi vùi đầu vào học, miệt mài làm việc, gọi điện cho người thân và bạn bè thường xuyên để xua tan luồng suy nghĩ tiêu cực. Nhưng hễ nghe tiếng còi xe cấp cứu và nhìn số ca nhiễm ở TP.HCM, tôi lại rơi vào trạng thái bất lực.
Tôi nhiều lần tự hỏi: "Bao giờ Sài Gòn sẽ hết giãn cách, dịch bệnh sẽ được khống chế nhỉ? Khi nào thì mình mới được quay lại lớp học, được về thăm gia đình đây?".
Ở ngoài kia, lực lượng y tế vẫn đang gồng mình chống dịch, nhiều người lâm vào cảnh ngộ khó khăn, thậm chí mất mạng vì Covid-19.
Dù mong được về nhà, tôi chỉ có thể động viên bản thân giữ tinh thần, biết ơn vì những gì mình đang có và tiếp tục hy vọng.
4 lần đổi vé máy bay
Ngày 20/9, sau khi tiêm mũi vaccine thứ 2, tôi như trút được gánh nặng trong lòng lúc nghe tin TP.HCM sắp nới lỏng giãn cách xã hội.
Tôi bắt đầu tính chuyện trở về Hà Nội. Trường tôi hiện vẫn cho sinh viên học online, chưa có kế hoạch cụ thể về việc trở lại lớp học. Do đó, trở về nhà vừa giúp tôi giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt, vừa thỏa nỗi nhớ gia đình.
Khi lên mạng tìm vé máy bay, tôi rất sốc vì nơi nào cũng "cháy vé", chỉ còn duy nhất một hãng hàng không có 2 chuyến/ngày từ 1/10.
Dù giá vé lên đến hơn 3.500.000 đồng/chiều, tôi vẫn chấp nhận bỏ tiền với suy nghĩ nếu ở lại, chi phí ăn ở hàng tháng còn lớn hơn con số này.
Phượng Mai sắp xếp sẵn va li để chuẩn bị cho chuyến bay về nhà. |
Đặt được vé về vào ngày 1/10, tôi hào hứng gọi điện cho gia đình, chia sẻ niềm vui khi sắp được đoàn tụ với bố mẹ, em trai.
Nhưng, tôi buộc phải lỡ hẹn với cả nhà, đổi vé thành 6/10 cho đủ 14 ngày sau khi tiêm vaccine lần 2.
Không dừng lại ở đó, vài ngày sau, chuyến bay của tôi bị hủy vì đường bay TP.HCM - Hà Nội chỉ được hoạt động từ sau ngày 10/10. Tôi đành đặt lại vé, ấn định ngày khởi hành là 11/10.
Tưởng rằng mọi thứ đã ổn thỏa, tôi và người thân một lần nữa nháo nhác nghe ngóng thông tin, đổi vé khi UBND TP Hà Nội yêu cầu người đến từ TP.HCM phải cách ly tập trung 7 ngày theo hình thức tự trả phí.
Cá nhân tôi cảm thấy quy định này khá tốn kém, bất tiện, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nên rất lo lắng. Sau nhiều lần đắn đo, tôi quyết định nghe theo bố mẹ, lùi vé tới ngày 15/10 để theo dõi thêm tình hình.
Khi bấm nút "Đồng ý" thay đổi ngày giờ chuyến bay, tôi thầm cầu mong đây sẽ là lần thay đổi cuối cùng. Nghĩ đến việc phải hủy/đổi vé một lần nữa, hoặc tệ hơn là tiếp tục nán lại TP.HCM, tôi càng thêm bồn chồn.
May mắn thay, chiều 11/10, UBND TP quyết định bỏ yêu cầu cách ly tập trung, chuyển sang tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày. Tôi hào hứng xếp đồ lại vào vali, hy vọng sẽ không phải mở nó ra trước khi đặt chân đến sân bay Nội Bài.
Chỉ cần nghĩ tới việc về nhà, quây quần bên mâm cơm cùng cả gia đình với những món ăn quen thuộc, tôi hào hứng đến mức không ngủ được. Mong rằng chuyến đi này sẽ thuận lợi, không gặp bất cứ trục trặc nào nữa.