Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo tác động của đại dịch Covid-19 lên sức khỏe tinh thần là rất lớn. Mọi người sẽ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc lo lắng do phong tỏa và cách ly.
Sự khủng hoảng về sức khỏe tâm thần có thể dẫn đến trầm cảm và nhiều vấn đề khác.
Theo kết quả khảo sát được thực hiện tại BV Hồi sức Covid-19 TP.HCM công bố tháng 9 vừa qua, tỷ lệ F0 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu 53,3%, stress 16,7%.
Đặc biệt, với bệnh nhân từng phải thở máy, thở oxy dòng cao HFNC, tỷ lệ trầm cảm là 60%, rối loạn lo âu lên đến 66,7%. Trong khi đó, 67% muốn được tư vấn, hỗ trợ trong điều trị và sau khi xuất viện.
Bởi vậy, theo các chuyên gia, người khỏi Covid-19 cần được quan tâm, chăm sóc về sức khỏe tâm thần nhằm không chỉ hồi phục thể chất mà còn cảm thấy bình yên trong giai đoạn khó khăn.
Ở giai đoạn hậu Covid-19, người bệnh dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV vẫn có thể mang nhiều di chứng cả thể chất lẫn tinh thần nghiêm trọng. |
F0 có thể bị trầm cảm
Bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Trưởng khoa Tâm thần kinh, BV Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), cho biết đối với bệnh nhân Covid-19, các rối loạn tâm thần xuất phát từ nguyên nhân virus SARS-CoV-2 gây viêm tế bào não.
Ngoài ra, tình trạng thiếu oxy mạn tính, viêm, đặc biệt là bão cytokine làm ảnh hưởng đến chức năng, hoạt động của tế bào não.
Một số nghiên cứu cho thấy đối với F0, tổn thương của não thường liên quan đến vùng đồi thị và hồi hải mã. Đây là những vùng liên quan đến cảm xúc và hành vi của người bệnh.
Các bệnh lý tâm thần trong đại dịch có thể quy ra một số nhóm triệu chứng thường gặp như ám ảnh (bị đe dọa, vệ sinh, tiếng còi xe); rối loạn khí sắc (buồn rầu, mất hy vọng); rối loạn phân ly (mơ hồ, nhận thức méo mó về các phương pháp phòng, chống dịch); rối loạn hoạt động (kích thích, bùng nổ, than phiền).
Với F0, tổn thương của não thường liên quan đến đồi thị và hồi hải mã - những vùng liên quan đến cảm xúc và hành vi của người bệnh. |
Căng thẳng là tình trạng dễ gặp nhất trong đại dịch. Ban đầu, nó xuất hiện ở các tập thể lớn như chạy trốn, tích trữ đồ đạc, tự phong tỏa, cách ly gia đình, sau đó xuất hiện trên từng cá thể do dịch kéo dài.
Tình trạng này biểu hiện trên thể chất (mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ); tinh thần (giảm độ tập trung và trí nhớ, thiếu quyết đoán); cảm xúc (lo âu, căng thẳng, trầm cảm, tức giận, thất vọng, lo lắng, sợ hãi, thiếu kiên nhẫn) và dẫn đến các hành vi như hối hả, bồn chồn, ăn uống nhiều, hút thuốc, uống rượu, khóc, la hét, đổ lỗi, đập vỡ hay ném đồ vật xung quanh.
Tiếp đó, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là rối loạn tâm lý nặng, thường gặp trên các cá nhân mắc Covid-19 và chứng kiến người cùng phòng bệnh chuyển sang tình trạng nặng hơn hoặc tử vong. Sự lo lắng bị cách ly, kỳ thị cũng dẫn đến tình trạng này.
Người bệnh cảm thấy khổ tâm, buồn phiền khi tái hiện sự kiện gây sang chấn. Ví như tiếng còi xe cấp cứu cũng khiến họ cảm thấy sự lo lắng, đau khổ. Các triệu chứng bất thường có thể kéo dài như nhịp tim nhanh, khó thở, ngột ngạt mặc dù các cơ quan đã phục hồi.
PTSD có thể làm thay đổi nhận thức về cách phòng, chống bệnh như đi theo niềm tin kỳ lạ (cúng bái, sử dụng một số chất điều trị không phù hợp quy định y tế); dẫn đến một số hành vi ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như sử dụng chất gây nghiện, rượu bia.
F0 sau khi khỏi bệnh cần được tầm soát sớm, điều trị tích cực bằng các phương pháp để khí sắc ổn định, tránh tình trạng bất thường. |
Nguy hiểm hơn là tình trạng rối loạn lo âu. Người bệnh xuất hiện sự lo lắng thái quá về những mặt tiêu cực trong cuộc sống, thể hiện ở sự sợ hãi, hoảng hốt, bồn chồn, có một số biểu hiện trên cơ thể như lạnh, đổ mồ hôi, nhịp thở bất thường… Họ không thể ngừng suy nghĩ, mất tập trung dẫn đến suy giảm chức năng xã hội, nghề nghiệp và các chức năng quan trọng.
Vấn đề rối loạn tâm thần nghiêm trọng hơn cả là trầm cảm. Đó là rối loạn khí sắc thể hiện ở sự trầm, buồn, mất năng lượng, mất hứng thú, mệt mỏi làm việc, ăn không ngon, ngủ không yên, cảm giác vô dụng, dùng biện pháp tự hại bản thân như nhịn ăn hay tự sát.
Nhiều nghiên cứu chỉ rõ trầm cảm trên bệnh nhân mắc Covid-19 rất bền vững, khó điều trị. Do đó, các nhà tâm thần học khuyến cáo F0 sau khi khỏi bệnh cần được tầm soát sớm, điều trị tích cực bằng các phương pháp để khí sắc ổn định, tránh tình trạng bất thường, tự sát.
Ứng phó với rối loạn tâm thần
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ca, khi có vấn đề về rối loạn tâm thần hậu Covid-19, người bệnh cần quay về thực tại để trả lời những câu hỏi như “Mình ăn uống đủ chưa? Nghỉ đúng chưa? Giấc ngủ của mình thế nào? Các mối quan hệ của mình ra sao? Mình đã áp dụng phương pháp thư giãn chưa?”. Từ đó, họ tự đáp ứng nhu cầu bản thân để cơ thể hoạt động tốt nhất.
Tự trấn an bản thân là phương pháp đơn giản nhưng rất tốt để xoa dịu cảm xúc, cắt đứt sự lo lắng của bản thân. Các biện pháp như tự ám thị (đọc những câu lặp đi lặp lại trong vòng 10 phút, 2-3 lần/ngày, không quan tâm đến suy nghĩ xen lẫn vào làm phân tâm); chuyển sang hoạt động khác như nghe nhạc đọc sách, xem phim, làm việc nhà, giải quyết việc cá nhân.
Bên cạnh đó, người bệnh cần thoát khỏi vòng xoáy lo lắng bằng cách tránh những thông tin tiêu cực liên quan đến bệnh dịch và cuộc sống; tập hít thở sâu, đều trong 3 phút; rèn luyện sức khỏe thể chất thường xuyên như tập yoga, thiền; ngủ đủ giấc; giữ tinh thần lạc quan, yêu đời; thiết lập nhiều mối quan hệ tích cực, lành mạnh để chia sẻ lẫn nhau; ăn uống khoa học với đường, đạm, mỡ, vitamin, tránh thức ăn nhanh, độc hại, rượu, bia.
Rèn luyện sức khỏe thể chất thường xuyên là cách giúp F0 khỏi Covid-19 thoát khỏi vòng xoáy lo lắng. |
Một phương pháp khác để ứng phó với rối loạn tâm thần là liên lạc với gia đình, người thân để chia sẻ khó khăn, điều mong muốn, cách khắc phục tình trạng hiện tại; liên lạc với bác sĩ điều trị các bệnh mạn tính để được tham vấn phương pháp điều trị, đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng mới cần được hướng dẫn điều trị từ xa; liên lạc các trung tâm tư vấn tâm lý để được hỗ trợ.
Trong giai đoạn bình thường mới, mọi người cần nâng cao nhận thức, chuẩn bị tâm thế cho bản thân để làm việc, chống rối loạn tâm lý.
Theo bác sĩ Ca, người bệnh cần đi khám và điều trị khi có những biểu hiện như mất ngủ kéo dài, dễ gặp ác mộng, hay tỉnh dậy giữa đêm, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi; lo lắng quá mức, suy nghĩ quá nhiều, mất tập trung dẫn đến không làm được công việc thường ngày; mệt mỏi mạn tính, cơ thể không có năng lượng, mất động lực; thay đổi cảm xúc, dễ cáu gắt, nóng giận, không kiểm soát được cảm xúc; thay đổi trong suy nghĩ, xuất hiện niềm tin kỳ lạ; hành vi kỳ cục ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình; áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà nhưng không có kết quả.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn khi điều trị tâm lý là nhiều người ngại chia sẻ khó khăn của bản thân. Trong khi đó, các rối loạn tâm lý cần được phát hiện sớm, điều trị đúng để giải quyết nhanh bệnh, chóng hồi phục.
Chăm sóc tâm lý cho F0 tại nhà
Nghiên cứu sinh, thạc sĩ Trương Nguyễn Xuân Quỳnh, ĐH Boston, Mỹ, ĐH Chulalongkorn, Thái Lan, nhà thực hành CTXH lâm sàng trong lĩnh vực y tế, cho biết các vấn đề tâm lý gặp phải khi là F0 tại nhà như căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, thấy tội lỗi, buồn bã, tự ti, gia tăng cáu gắt, mất kiểm soát cơn giận, cô lập, tâm trạng trầm buồn, kiệt quệ cảm xúc.
Nguyên nhân là thời gian cách ly kéo dài, cảm giác thất vọng, buồn chán, cô đơn, thiếu thông tin và sự bất định của bệnh, tâm lý sợ lây nhiễm cho người khác, thiệt hại tài chính, bị kỳ thị, phân biệt đối xử, có người thân nằm trong viện hay qua đời vì Covid-19.
Qua nghiên cứu, học hỏi từ các tổ chức lớn như WHO, Liên Hợp Quốc, UNICEF, bà Quỳnh đưa ra mô hình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho F0 tại nhà gồm 4 tầng.
Thứ nhất, F0 cần được hỗ trợ nhu cầu cơ bản như nhu yếu phẩm, dụng cụ tập thể dục, phương tiện giải trí tại nhà, được thăm khám, thuốc men đầy đủ, tiếp cận cơ sở y tế.
F0 tại nhà dễ gặp phải vấn đề tâm lý và cần được quan tâm, chăm sóc sức khỏe tinh thần. |
Thứ hai, những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần, bắt đầu có triệu chứng hoang mang, lo lắng, trầm cảm hoặc PTSD nhưng chưa quá nghiêm trọng cần sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng. Các biện pháp bao gồm khuyến khích người bệnh tăng tính kết nối; xây dựng nhóm hỗ trợ cộng đồng; gửi tờ rơi hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tinh thần; thiết lập các kênh giao tiếp với gia đình, bạn bè.
Thứ ba, khi căng thẳng nhiều mà chia sẻ với gia đình, bạn bè vẫn không thấy đỡ hơn, người bệnh cần thêm hỗ trợ không chuyên. Họ không nhất thiết tới gặp bác sĩ, mà chỉ cần nhân viên y tế tại chỗ hoặc người thân được tập huấn cơ bản về chăm sóc sức khỏe tinh thần và sơ cứu tâm lý giúp đỡ, hướng dẫn về chánh niệm nhằm giảm căng thẳng.
Cuối cùng, người có rối loạn không kiểm soát được hoặc có tiền sử về rối loạn sức khỏe tinh thần, cần sự trợ giúp của chuyên gia.
“Trong giai đoạn thách thức, đặc biệt với F0, các vấn đề sức khỏe tinh thần diễn ra là điều dễ hiểu. Điều đó không có nghĩa là họ yếu đuối hay tệ hại. Không có bất kỳ triệu chứng sức khỏe tinh thần nào, không lo âu, không u buồn, không căng thẳng... thì lúc đó mới là bất thường”, bà Trương Nguyễn Xuân Quỳnh khẳng định.