Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những tình nguyện viên vẫn giúp đỡ TP.HCM chống dịch

Nhận tin dương tính nCoV khi đang ở bệnh viện, Lâm nhờ người chăm sóc mẹ vừa trải qua phẫu thuật để dọn đồ đi cách ly. Cậu nói khi khỏi bệnh sẽ tiếp tục tham gia tình nguyện.

Tinh nguyen vien o TP.HCM van di chong dich anh 1

Từ 1/10, TP.HCM từng bước mở cửa, hướng tới bình thường mới. Nhiều bạn trẻ kết thúc công việc tình nguyện để trở lại cuộc sống thường nhật.

Bên cạnh đó, không ít tình nguyện viên vẫn gác lại công việc cá nhân, tiếp tục bám trụ với nhiệm vụ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

4 bạn trẻ chia sẻ với Zing về hành trình đi tình nguyện không ngừng nghỉ trong nhiều tháng qua.

Ngụy Tôn Lâm (24 tuổi), học viên điều dưỡng BV Chợ Rẫy

Tôi xin đi chống dịch từ cuối tháng 6, theo nhóm tình nguyện viên chuyên ngành y khoa của Thành Đoàn TP.HCM.

Từ đội hình tiêm chủng, tôi chuyển qua hỗ trợ ở Trạm Y tế phường An Lạc (quận Bình Tân) tháng 7 đến nay. Đây là vùng đỏ Covid-19 với 90.000 dân, số ca F0 rất nhiều nên 7 nhân viên y tế cơ hữu của trạm và 15 tình nguyện viên luôn trong tình trạng quá tải công việc.

Từ đưa F0 đi cách ly, cấp cứu, chuyển viện đến lấy mẫu xét nghiệm và chuyển mẫu..., nhiều hôm tôi chỉ được ngủ 1,5-2 tiếng.

Tôi vẫn còn ám ảnh những lần chạy cấp cứu trắng đêm, trưa nắng như đổ lửa chạy xe khắp phường hay có hôm trời mưa nép vào mái hiên nhà dân để viết hồ sơ chuyển viện dưới ánh đèn điện thoại.

Khi vaccine bao phủ, công việc của tôi cũng đỡ cực hơn.

Tinh nguyen vien o TP.HCM van di chong dich anh 2

Lâm đưa em nhỏ F0 lên Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 với gia đình.

Ngày 28/9, khi đang ở BV Chợ Rẫy chăm mẹ vừa trải qua phẫu thuật viêm túi mật cấp, tôi nhận được tin báo mình dương tính với nCoV.

Sau khi nhờ cậy các anh, chị ở viện chăm sóc mẹ, tôi thu dọn đồ đạc, chờ xe đưa đi khu cách ly. Tôi không sợ hãi mà luôn nói đùa với mọi người rằng nhờ mắc Covid-19 mà bản thân mới được nghỉ ngơi.

Mấy ngày qua, tôi bị ho, đau họng và tức ngực. Tôi được các chị trong trạm thường xuyên hỏi thăm, tiếp tế đồ. Mẹ đã được cắt chỉ, xuất viện nên tôi cũng bớt lo lắng.

Ở khu cách ly, tôi vẫn phụ việc các y, bác sĩ. Hôm trước, tôi chuyển viện cho bà bầu F0 bị vỡ ối. Có 2 ca khó thở tôi cũng hỗ trợ đưa lên bệnh viện dã chiến.

Những ngày qua, thấy nhiều tình nguyện viên kết thúc công việc, được nhận bằng khen và trở về cuộc sống bình thường, các tình nguyện viên ở quận “vùng đỏ” Bình Tân như tôi cũng rất háo hức.

Tuy nhiên, khi dịch vẫn còn, bệnh viện cũng chưa gọi về đi học trở lại, tôi quyết định bám trụ. Khi khỏi bệnh, tôi sẽ tiếp tục chiến đấu.

Tôi may mắn được mẹ ủng hộ trong suốt hành trình vừa qua. Khi hết dịch, điều đầu tiên tôi muốn làm là đưa mẹ đi chơi khắp Sài Gòn.

Nguyễn Minh Quân (20 tuổi), sinh viên CĐ nghề Du lịch Sài Gòn

Khi nhiều tình nguyện viên trở lại cuộc sống bình thường, tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ công tác phòng, chống dịch ở BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Nhiệm vụ chính của tôi là đưa bình oxy đến cho F0 và làm thêm công tác hậu cần, nhận nhu yếu phẩm được tài trợ, nhập liệu, giấy tờ.

Tinh nguyen vien o TP.HCM van di chong dich anh 3

Quân vừa học online, vừa hỗ trợ chống dịch ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Trước đó, tôi từng tham gia trực chốt phong tỏa, chốt giao thông, điều phối lấy mẫu, tiêm chủng cộng đồng.

Những ngày qua, ba mẹ tôi lo lắng khi thấy nhiều tình nguyện viên đã về nhà nhưng tôi vẫn xin ở lại. Hơn nữa, công việc cũng trùng với giờ học online của tôi.

Tuy nhiên, tôi vẫn sắp xếp mọi thứ ổn thoả và dự định ngừng đi tình nguyện khi số ca F0 giảm xuống đáng kể hoặc hết dịch.

Hơn 4 tháng qua, tôi học được cách quan tâm sức khỏe bản thân cũng như người xung quanh, thấu hiểu và chia sẻ suy nghĩ với mọi người, đồng thời tiếp thu những kiến thức y khoa.

Mỗi chiều khi hết ca làm, tôi thường xuống sân chơi bóng đá cùng đồng đội và các anh nhân viên y tế. Ngoài ra, những buổi văn nghệ hoặc ngồi lại chia sẻ khó khăn với nhau cũng là cách anh em giải tỏa căng thẳng.

Khi trở lại cuộc sống bình thường, tôi sẽ về nhà gặp ba mẹ và kể cho họ nghe nhiều câu chuyện đáng nhớ.

Danh Tiến Thành (18 tuổi), thợ sửa xe

Giữa tháng 7, khi đang là tình nguyện viên ở Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM (quận 7) của Thành Đoàn, tôi tình cờ biết đến Đội phun khử khuẩn Sài Gòn 24h.

Sau đó, tôi xin chuyển đội để hỗ trợ công tác phun khử khuẩn trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Thỉnh thoảng, tôi cũng đi tặng quà cho người dân.

Đội tôi có 9 thành viên, phần lớn là nam. Để đảm bảo an toàn cho gia đình, nhiều anh em ở lại điểm tập trung tại phường Tân Hưng Thuận (quận 12).

Trước đây, tôi thường sáng đi làm, xong việc về nhà nhưng sát khuẩn rất kỹ. Chỉ những lần ra ngoài thành phố, tôi mới ở lại với đội.

Hiện, làm nhiệm vụ ở xã Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) với số ca F0 cao, tôi quyết định không về nhà. Mỗi ngày, tôi vác bình nặng 60 kg đi xịt khử khuẩn ở khắp ngõ, hẻm.

Ban đầu, mẹ phản đối tôi đi tình nguyện vì sợ con nhiễm bệnh. Sau đó, thấy được những việc tôi làm, mẹ ủng hộ và tự hào về con trai út.

Khi thành phố từng bước mở cửa, đôi lúc tôi nghĩ mình nên trở lại với công việc chính. Tuy nhiên, thấy số ca mắc Covid-19 vẫn còn nhiều, tôi quyết định bám trụ với anh em.

Đội tôi đặt mục tiêu tiếp tục công việc đến khi nào cuộc sống trở lại bình thường. Lúc ấy, tôi sẽ cùng tất cả anh em chụp bức ảnh kỷ niệm, rồi tạm biệt nhau để trở lại cuộc sống.

Ngay khi về nhà, tôi sẽ nói “Mẹ ơi, con về rồi. Con nhớ mẹ quá” và tự tay nấu cho mẹ bữa cơm.

Lê Võ Cẩm Tiên (17 tuổi), học sinh trường THPT An Lạc

Tôi phát hiện mắc Covid-19 vào cuối tháng 7, khi tham gia tình nguyện chưa lâu.

Ban đầu, tôi khá lo sợ vì có thể lây nhiễm cho gia đình. Sau đó, tôi được đưa tới Bệnh viện dã chiến số 10 để cách ly tập trung.

Do có triệu chứng nhẹ, khoảng 2 ngày sau, sức khỏe của tôi trở lại bình thường. Khi bình phục, tôi tiếp tục đăng ký làm tình nguyện viên tại đội phản ứng nhanh phường 13, quận 11.

Công việc chính của tôi là cấp cứu lưu động, cung cấp bình oxy, cùng bác sĩ quân y xuống thăm khám cho F0 cách ly tại nhà. Ngoài ra, tôi còn hỗ trợ các chiến sĩ bộ đội đi phân phát lương thực cho người dân và tham gia lấy mẫu xét nghiệm, điều phối tiêm vaccine.

Với tôi, kỷ niệm đáng nhớ nhất là những lần đi chở bình oxy đến cho F0. Khi giúp được ai đó đang cần, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm.

Tinh nguyen vien o TP.HCM van di chong dich anh 5

Tiên (áo xanh lam, ở giữa) tiếp tục xin đi chống dịch sau khi chữa khỏi Covid-19.

Hiện, tôi vừa học online, vừa tham gia tình nguyện. Tôi không cảm thấy mệt vì có thể cân bằng hai việc. Tôi nghĩ đơn giản là thời gian rảnh sau khi học xong, thay vì về nhà để được xả hơi, tôi muốn góp sức cho cộng đồng.

Thực tế, dịch vẫn chưa kết thúc. Khi thành phố nới lỏng giãn cách, mọi người ùa ra đường khiến tôi có phần lo sợ dịch bùng lại.

Nếu có thể, tôi muốn tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch đến khi nào trường cho đi học trở lại trực tiếp.

Khi đó, điều đầu tiên tôi muốn làm là về nhà, ngủ một giấc thật đã. Bởi thời gian qua, có những đêm chạy cấp cứu, công việc tới tấp, tôi chợp mắt mà lòng cứ lo lắng, thấp thỏm.

Tôi hy vọng ngày đó sẽ không còn xa.

Di chứng tâm lý của F0 hậu Covid-19

Gia đình có 3 thành viên mắc Covid-19, bà K.H. là người duy nhất vượt cửa tử về nhà. Sự ra đi đột ngột của chồng và con trai khiến bà ngày nào cũng khóc, mắc chứng mất ngủ.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm