Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tình nguyện viên ở TP.HCM trở lại cuộc sống bình thường

2 tháng 11 ngày, hành trình tình nguyện của Khánh khép lại. Điều đầu tiên cô muốn làm là về nhà, ôm mẹ thật chặt và nói lời xin lỗi vì để bà lo lắng suốt thời gian qua.

Tinh nguyen vien o TP.HCM tro lai cuoc song binh thuong anh 1

Khi đại dịch bùng phát trở lại ở TP.HCM, nhiều bạn trẻ đăng ký tham gia tình nguyện với mong muốn góp sức cùng thành phố đẩy lùi Covid-19.

Họ đảm nhận nhiều công việc từ trực chốt kiểm soát, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, nhập liệu, điều phối điểm tiêm vaccine, phun khử khuẩn đến truy vết F0, chăm sóc bệnh nhân.

Từ ngày 1/10, thành phố từng bước mở cửa, hướng tới bình thường mới, 4 tình nguyện viên chia sẻ với Zing câu chuyện đi “đánh Covid-19” và cảm xúc khi chuẩn bị kết thúc công việc, quay trở lại cuộc sống bình thường.

Đồng Thị Thu Hà (19 tuổi), sinh viên ĐH Ngoại Ngữ - Tin Học TP.HCM

Tôi xin đi tình nguyện từ 6/5, khi quận Gò Vấp bắt đầu bùng phát dịch. Ngày đầu tiên, tôi nhận nhiệm vụ trực chốt khai báo y tế.

Lúc 4h sáng, cô bán bánh mì đến nhờ tôi giúp vì không sử dụng điện thoại thông minh. Xong việc, cô rối rít cảm ơn, hỏi chúng tôi có đói bụng không để cô đẩy xe ra bán mở hàng rồi mang bánh vào cho ăn lót dạ.

Mỗi lần đi làm, tôi luôn nhận được tình yêu thương từ người dân qua những điều bình dị như thế. Lời cảm ơn, vài chiếc bánh, chai nước mát… không giá trị về vật chất nhưng là động lực không nhỏ giúp tôi tham gia tình nguyện hơn 3 tháng qua.

Tôi trải qua nhiều công việc khác như hỗ trợ người dân khai báo y tế, điều phối lấy mẫu xét nghiệm và nhập liệu, hỗ trợ điều phối điểm tiêm vaccine, truy vết F0, lấy mẫu xét nghiệm.

Tôi cũng có thêm nhiều mối quan hệ thân thiết và được học hỏi từ đồng đội, các anh, chị phụ trách những điều bổ ích.

Khi thành phố từng bước mở cửa trở lại, tôi thấy vui vì dịch bệnh phần nào được kiểm soát, người dân được tiêm vaccine, cuộc sống sẽ dần nhộn nhịp, tấp nập như vốn có.

Trước khi trở về nhà, tôi gọi điện báo gia đình để mọi người bớt lo lắng.

Khép lại hành trình tình nguyện, điều khiến tôi buồn nhất là không còn cơ hội gặp gỡ, làm việc cùng đồng đội và sẻ chia với nhau những khoảnh khắc vô giá.

Đại dịch để lại quá nhiều nỗi đau, mất mát nhưng qua đó, tôi cũng được thấy tình người, sự tử tế, bao dung mà không đâu có được.

Nguyễn Thị Phương Anh (22 tuổi), bartender

Cuối tháng 5, khi lâm vào cảnh thất nghiệp do Covid-19, tôi không về quê mà ở lại tham gia chống dịch. Ban đầu, tôi tính xin đi Bắc Giang, nhưng thành phố nơi tôi gắn bó cũng rất cần người.

Ngày đầu tiên, tôi đi trực chốt ở quận Gò Vấp từ chiều đến tối. Khi hết ca, thấy các anh, chị ở quận 12 cần tình nguyện viên điều phối lấy mẫu, nhóm tôi gồm 5 bạn không ngần ngại đường xa và đêm khuya, chạy qua hỗ trợ tới gần 1h sáng. Hoạt động gần như hết công suất, chúng tôi nằm lăn dưới sàn khi xong việc.

Thời gian đó, các quận đều thiếu tình nguyện viên nên mỗi ngày, tôi chạy khắp nơi.

Tôi làm đủ việc từ dọn dẹp ký túc xá, trực chốt, điều phối tiêm vaccine, lấy mẫu, phát đồ ăn cho người vô gia cư, phát quà ở ATM gạo 0 đồng. Hiện tôi trực trong khu cách ly F0, trực tiếp thăm hỏi, chăm sóc bệnh nhân sau khi được tập huấn để hỗ trợ y, bác sĩ.

Tinh nguyen vien o TP.HCM tro lai cuoc song binh thuong anh 3

Thay vì về quê tránh dịch, Phương Anh đi tình nguyện hơn 3 tháng qua.

Có hôm mưa to ngập đường, tôi đi làm mà người ướt nhẹp, mắt cay đỏ, bộ đồ bảo hộ vừa lạnh, vừa khó chịu.

Có khi đứng lấy mẫu hàng giờ dưới trời nắng gắt, thân nhiệt lên cao muốn ngất xỉu nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi cũng không đếm được những ngày đi từ sáng đến đêm, làm mệt đến quên ăn, khát nước không dám uống để tiết kiệm đồ bảo hộ.

Khó khăn vất vả là thế nhưng tôi nhận lại rất nhiều thứ. Đó là tình cảm từ người thân, bạn bè và đồng đội. Hay là lời cảm ơn của những bệnh nhân tôi chăm sóc từ lúc họ còn nằm thở oxy trên giường bệnh đến khi hồi phục, được về nhà.

Khi nghe tin thành phố nới lỏng giãn cách, các hoạt động dần được trở lại, tôi rất vui và hạnh phúc. Sau tất cả đau thương, mất mát và khó khăn mà mọi người đã trải qua, mùa xuân như đang trở lại.

Hơn 3 tháng tham gia chống dịch, xa quê nhà, xa vòng tay cha mẹ vừa buồn, vừa thương. Nên sau khi hết dịch, tôi rất muốn về thăm cha mẹ và kể cho họ nghe về những gì đã trải qua.

Nguyễn Trần Nhật Huy (18 tuổi), sinh viên HV Cán bộ TP.HCM

Tôi là tình nguyện viên của Đoàn Thanh niên xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Ngày 29/7, khi vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết thúc thời gian cách ly tại nhà, tôi lập tức xin đi chống dịch.

Tinh nguyen vien o TP.HCM tro lai cuoc song binh thuong anh 4

Nhật Huy xin đi chống dịch ngay sau khi thi tốt nghiệp THPT.

Gia đình có người thân là nhân viên y tế ở tuyến đầu, tôi tham gia hỗ trợ các tuyến sau để có thêm vùng xanh cho TP.HCM.

Tôi cũng có thêm kiến thức để tuyên truyền cho những người dân trong xóm mình không hoang mang và biết cách phòng, chống Covid-19.

Mỗi khi mặc đồ bảo hộ, chúng tôi thường đùa nhau là “trang bị full giáp để đánh giặc”. Nhiều hôm xong việc, mỗi người một góc ăn ngấu nghiến ly mì, hộp cơm để kịp chạy “deadline” tiếp. Những ngày lấy mẫu test tầm soát cộng đồng, chúng tôi cố làm tới 0h mới về đến nhà.

Dù mất đi một mùa hè và thời gian ở bên gia đình ít hơn, tôi vẫn thấy vui vì có thêm nhiều bạn bè, trải nghiệm mới. Người dân cũng yêu thương, hay cho chúng tôi đồ ăn, nước uống hay bánh trái vào dịp Trung thu.

Khi trở lại cuộc sống bình thường, tôi sẽ nhớ những ngày thức dậy sớm thay vì được ngủ nướng, nhớ những người bạn, anh bộ đội, chú công an… cùng tán dóc hay bám chốt lúc trời mưa.

Những ngày tháng đó cho tôi biết quý trọng cuộc sống, yêu thương gia đình và mọi người xung quanh hơn.

Vũ Ngô Bảo Khánh (18 tuổi), nhân viên bán hàng

Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên khi thành phố đổ bệnh, tôi quyết tâm xin tham gia tình nguyện từ giữa tháng 7.

Những ngày đầu, tôi trực chốt ở các khu vực phong tỏa. Sau đó, tôi xin đi điều phối các điểm lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng. Hiện tôi gắn bó với công tác lấy mẫu tầm soát cộng đồng. Khó khăn lớn nhất là phải tiếp xúc trực tiếp với F0 mà bản thân và người bệnh đều không hay biết.

Suốt thời gian qua, tôi nhận được rất nhiều tình cảm từ các anh, chị đồng đội, những cô, chú tổ trưởng hay người dân khi đi làm việc. Tất cả sẽ trở thành ký ức đáng nhớ ở cột mốc tuổi 18 của tôi.

Sau khi “thất nghiệp”, điều đầu tiên tôi muốn làm là ôm mẹ thật chặt. Tôi sẽ nói lời xin lỗi vì để mẹ phải thấp thỏm lo lắng suốt 2 tháng con gái xa nhà.

Trận đại dịch này lấy đi của mọi người quá nhiều thứ. Khi tất cả qua đi, điều đọng lại trong tôi có lẽ là sự tiếc nuối. Tôi tiếc vì mình chưa thể giúp hết hoàn cảnh khó khăn, tiếc vì Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của quá nhiều người, tiếc vì không ít anh/ chị/ em/ bạn rơi vào cảnh mồ côi.

2 tháng 11 ngày, cuộc hành trình khép lại.

Tôi hy vọng sẽ gặp lại những người đồng đội khi Sài Gòn mạnh khỏe, để cùng nhau áo quần tươm tất, cười nói rôm rả... thay thế cho bộ đồ bảo hộ xanh ngắt hay trắng xóa, kín mít từ đầu đến chân mà chẳng thể nhận diện được ai với ai.

Tôi tin ngày đó sẽ không còn xa.

TP.HCM gỡ bỏ rào chắn nhưng nhiều người chưa tự tin để ra đường

Mất người thân vì Covid-19, bản thân cũng nhiễm bệnh, nhiều người cảm thấy chưa đủ tự tin để ra đường ngay cả khi thành phố gỡ rào chắn, bỏ chốt kiểm soát dịch.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm