1. Ít có cơ hội nhiễm giun sán từ cua
Trước thông tin chế biến cua không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho tính mạng, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ông cho biết cua là một loại động vật rất giàu dinh dưỡng và lành tính. Chúng sống dưới nước, ruộng lầy, bùn đất nên hay có ký sinh trùng và một số vi sinh vật. Do đó, khi mở nắp mai cua đôi khi chúng ta vẫn thấy những con giun còn sống ngoe nguẩy (do chúng ăn trứng giun, sán và sinh sôi trong mình cua). Cá thể có trong cua mà nhiều người nhầm tưởng là vắt chính là những con giun nhỏ này.
“Con người chỉ có nguy cơ nhiễm giun, sán khi ăn cua sống hoặc nấu chưa chín. Tuy nhiên, cách chế biến này rất ít khi xảy ra. Khi được nấu chín, trứng giun, sán hay các ký sinh trùng khác đều chết, khó có cơ hội đi vào cơ thể”, PGS Thịnh nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, để an toàn, chúng ta không nên ăn phần óc có trong mai cua. Đó là nơi chứa nhiều trứng giun, sán nhất. Bạn nên rửa sạch đất cát, rêu bám trên mình cua, bóc và ngâm vào nước để trứng giun trôi ra ngoài trước khi giã, lọc lấy nước.
2. Cua sẽ chết trong môi trường thuốc trừ sâu
Đồng ý với quan điểm con người dễ nhiễm độc và mắc các bệnh nguy hiểm khi ăn thực phẩm bị tích tụ hóa chất, thuốc trừ sâu song PGS Thịnh phủ định nguy cơ nhiễm độc từ cua sống trong môi trường nước bẩn.
Ông cho biết: “Trước đây cua sống rất nhiều trong các đồng ruộng. Hiện tại do người dân sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng, khiến cua, tôm, cá cũng chết dần, không còn nhiều như trước. Ngày nay, cua đồng đã trở thành đặc sản rất hiếm vì lý do này”.
3. Cua nuôi lành hơn cua đồng
Vẫn theo PGS Thịnh, cua nuôi đang phát triển rất mạnh và là hướng đi đúng đắn của ngành thủy sản. Chúng có ưu điểm đỡ nhiễm độc, giun sán hơn cua đồng vì người nuôi có thể chủ động được môi trường sống.
Về mặt dinh dưỡng, cua đồng đa dạng về các thành phần hóa học hơn do môi trường sống được ăn nhiều tạp chất, chất khoáng từ tự nhiên.
4. Đề phòng lây nhiễm chéo
Chuyên gia này khuyến cáo khi chế biến cua bạn cần đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi. Đây là thực phẩm lành tính, không có khả năng gây hại nếu được nấu đúng cách.
Tuy nhiên, chị em nội trợ cần chú ý đến khả năng lây nhiễm chéo các ký sinh trùng và vi sinh vật. Ví dụ, trứng giun có trong bã cua sống rơi vào thực phẩm chín, rau ăn sống.
PGS Thịnh cũng khuyến cáo do lượng purin trong cua tương đối cao nên cũng như tôm, cá biển có thể gây dị ứng. Tuy nhiên, bệnh không quá nguy hiểm, người bị dị ứng chỉ cần tránh hoặc hạn chế ăn.