Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nôn ra cả búi sán mới thoát khỏi tình trạng nguy kịch

Anh M. (Ninh Bình) được chuyển lên khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch. Sau một tuần bệnh nhân xuất viện khi nôn được búi sán.

Nôn ra búi sán

Trường hợp hy hữu này khiến thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai nhớ mãi. Ông kể lại, khi nhập viện bệnh nhân mệt lả, toàn thân phù thũng, ổ bụng chứa toàn dịch. Các bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán bệnh nhân bị xơ gan cổ trướng.

Bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn.

“Do tình trạng bệnh nhân quá nặng với các biểu hiện rối loạn tiêu hóa giống như bị xơ gan nên chúng tôi tạm thời xử trí theo chẩn đoán tuyến dưới. Bên cạnh đó, chúng tôi tiến hành nâng cao thể trạng cho bệnh nhân”, BS Thái nói.

Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân vẫn nôn nhiều, thậm chí trong một lần nôn đã ra cả búi sán lá ruột màu hồng. Điều này khiến kíp trực không khỏi ngỡ ngàng và quyết định chuyển hướng điều trị từ xơ gan sang điều trị sán. Chỉ sau vài ngày tình trạng phù thũng hoàn toàn biến mất, bệnh nhân được xuất viện.

Các chuyên gia cho biết, không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em cũng có thể nhiễm sán lá gan. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viên Nhi Trung ương, cho biết khoa từng tiếp nhận và điều trị cho bé Phàng Thị Ch. (4 tuổi, dân tộc Mông ở Sơn La) trong tình trạng khó thở, nôn liên tục. Tiến hành siêu âm tim phát hiện bệnh nhân tràn dịch màng tim mức độ nặng, dẫn tới chèn ép tim, gây khó thở.

Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện 2 tuần, gia đình cho bé ăn thịt bò tái và cua nướng. Một tuần sau trẻ xuất hiện sốt, đau đầu, đau và chướng bụng.

“Chúng tôi phải tiến hành thở oxy và chọc hút dịch ngoài màng tim cấp cứu. Điều đặc biệt là dịch màng tim của trẻ có màu vàng, lẫn nhiều sợi trắng và mảnh, nhìn như đốt sán. Chúng tôi nghi ngờ bé bị nhiễm ký sinh trùng. Tiếp tục xét nghiệm máu và đưa ra kết luận bé bị nhiễm sán lá gan lớn”, BS Lâm kể lại.

BS Lâm nhấn mạnh, hầu hết bệnh nhi nhiễm sán lá gan khi được đưa vào cấp cứu đều đã bị xâm nhập nội tạng, gây áp xe gan, tràn dịch màng phổi, viêm não, áp xe não.

Không ăn đồ tái, sống

BS Nguyễn Văn Lâm cho biết, sán lá gan lớn là loại sán có kích thước 3-4 cm x 1 cm. Người bệnh nhiễm sán là do ăn thực phẩm tái, nội tạng động vật nhiễm sán chưa được nấu chín, uống nước lã…. Sau khi đi vào cơ thể người, sán ký sinh trong gan mật, trường hợp bất thường có thể nằm ở cơ, dưới da (ký sinh lạc chỗ). Tùy vào số lượng sán và vị trí ký sinh trùng khu trú mà bệnh nhân nhiễm sán có những biểu hiện điển hình hoặc không điển hình.

Khi nhiễm sán lá gan lớn, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút, sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc chỉ thoáng qua rồi tự hết, đôi khi sốt kéo dài.

“Trẻ em mắc sán thường có dấu hiệu da xanh, niêm mạc nhợt. Với người lớn, thì sẽ xuất hiện những cơn đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị - mũi ức. Một số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của các biến chứng như tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hoá” – BS Lâm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên chủ nhiệm bộ môn ký sinh trùng, ĐH Y Hà Nội, nhấn mạnh người dân vẫn không chú ý đến vấn đề này, đây là căn bệnh rất nguy hiểm. Khi sán lá gan lớn ký sinh trong gan gây nên tổn thương dạng khối u.

Điều đáng lưu ý là sán lá gan lớn ngoài ký sinh ở gan, còn bất th­­ường sán non có thể di chuyển và ký sinh­­ trong cơ bắp, phúc mạc, đại tràng, khớp gối, tuyến vú, dưới da, tim, phổi, màng phổi, ổ mắt, thành bụng, ruột thừa, tuỵ, lách, hạch bẹn, hạch cổ, mào tinh hoàn... gây nên những khối u nơi ký sinh rất khó chẩn đoán dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

GS Đề cũng cho biết thêm, Việt Nam đã gặp sán lá gan lớn ký sinh ở dưới da ngực, tuyến vú, bắp chân và khớp gối. Vì thế để mắc bệnh do ký sinh trùng, người dân không ăn sống các loại rau mọc dưới nước, không uống nước lã.

Trong trường hợp thấy trẻ có biểu hiện mệt mỏi, gầy yếu, vàng da, rối loạn tiêu hóa kéo dài, GS Đề khuyến cáo nên đưa con đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc do nhiễm sán gây ra.

http://infonet.vn/non-ra-ca-bui-san-moi-thoat-khoi-tinh-trang-nguy-kich-post161971.info

Theo Ngô Châu Anh/Báo Infonet

Bạn có thể quan tâm