Tính đến cuối năm 2019, có 3.040 người Việt theo học tại New Zealand (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước), trong đó sinh viên đại học chiếm 35%. Đứng đầu danh sách 6 ngành học được sinh viên Việt Nam lựa chọn là Kinh doanh và Quản lý (Business and Management), chiếm đến 31%. Có nhiều lý do khiến số lượng sinh viên “đầu quân” vào ngành kinh doanh tại New Zealand ngày càng tăng trưởng mạnh.
Đào tạo chuẩn quốc tế
Cả 8 trường đại học ở New Zealand đều nhận được các chứng nhận danh giá, đứng thứ hạng cao trong nhóm đơn vị đào tạo ngành kinh doanh quốc tế.
Trong đó, có thể kể đến ĐH Auckland, ĐH Canterbury, ĐH Victoria Wellington, ĐH Waikato đạt kiểm định Triple Crown bởi ba hiệp hội uy tín là EQUIS, AMBA, AACSB. Hiện nay, chỉ có 1% trường kinh doanh trên thế giới nhận được danh hiệu này.
ĐH Công nghệ Auckland, ĐH Massey cũng nằm trong top 5% trường kinh doanh nổi tiếng toàn cầu do Hiệp hội AACSB kiểm định và công nhận. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) trực tuyến của ĐH Otago - được QS World University Rankings: Online MBA 2020 xếp vào top 10 thế giới.
Với những sinh viên yêu thích lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, ĐH Lincoln - top 100 giảng dạy ngành Nông nghiệp và Lâm nghiệp theo QS Five Stars - là lựa chọn đáng cân nhắc.
Nhiều trường đại học tại New Zealand đạt chứng chỉ đào tạo nhóm ngành kinh doanh hàng đầu thế giới. |
Chương trình học thực tiễn
Một trong những điểm cộng của chương trình học nhóm ngành kinh doanh tại New Zealand là tính thực tiễn. Qua mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa nhiều trường đại học và khối doanh nghiệp, sinh viên có cơ hội mở rộng mối quan hệ, tham gia dự án của các công ty sở tại.
Du học sinh tại New Zealand được trải nghiệm môi trường học tập chuẩn quốc tế. |
Thu Trinh (sinh viên chương trình liên kết ngành kinh doanh của ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Victoria Wellington) cho biết hai năm học tập tại New Zealand là khoảng thời gian cô liên tục có cơ hội trau dồi nhiều môn học gắn với thực tiễn, tham gia một số dự án liên kết của trường và doanh nghiệp.
Thu Trinh theo học hai chuyên ngành là kinh tế quốc tế và quản trị (International Business và Management). Với ngành kinh doanh quốc tế, Trinh được học về khác biệt văn hóa trong kinh doanh từ nhiều quốc gia, những cơ hội và thách thức từ sự khác biệt đó...
“Có những môn học mang tính ứng dụng cao, đơn cử là văn hóa giao thương. Nếu cách làm việc của người Việt Nam là hòa nhã, theo số đông thì New Zealand chú trọng chủ nghĩa cá nhân, có tư duy làm trọn vẹn công việc. Những môn học này giúp mình thay đổi tư duy, biết cách làm việc với đối tác, đồng nghiệp ở nhiều quốc gia theo văn hóa của họ”, Trinh nói.
Tốt nghiệp ở New Zealand mang đến cho Trinh nhiều cơ hội nghề nghiệp. |
Riêng về chuyên ngành quản trị, Trinh được tiếp xúc với những môn cải thiện quy trình làm việc.
“Mục tiêu của các môn học là giúp chúng ta có phương pháp làm việc đem lại kết quả cao nhưng chi phí và thời gian thấp. Mình thấy môn học này không chỉ giúp tăng hiệu quả cho công việc, mà còn có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống”, Trinh chia sẻ.
Sau những giờ học ở trường, Trinh làm thêm tại một cửa hàng. Nhờ trao đổi thường xuyên với khách, Trinh không còn tự ti vì khả năng tiếng Anh, nâng cao khả năng giao tiếp và thể hiện quan điểm bản thân… Tất cả kỹ năng và tư duy được rèn giũa trong hai năm học tại New Zealand giúp Trinh vận dụng tốt vào công việc.
“Hai chuyên ngành học đã thay đổi tư duy của mình, bổ trợ nhiều cho công việc hiện tại. Trong khi đó, kỹ năng chăm sóc khách hàng từ công việc bán thời gian giúp mình linh hoạt ứng xử ở vị trí quản lý tại Lazada Việt Nam”, Trinh nói thêm.
Bên cạnh chương trình học thực tiễn, trong ba năm liền (2017-2019), New Zealand là Quốc gia nói tiếng Anh đứng đầu thế giới trong Chỉ số Giáo dục cho tương lai, theo The Economic Intelligence Unit. Đây là một điểm cộng lớn cho ngành giáo dục xứ kiwi.
Cơ hội học bổng hấp dẫn
“Săn học bổng” là một trải nghiệm khó quên với Nguyễn Văn Phúc - cựu sinh viên chương trình Thạc sĩ Tài chính, hợp tác giữa ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Massey (New Zealand).
Sau khi hoàn thành năm nhất tại Việt Nam và sang New Zealand, anh tiếp tục giành được hai học bổng khác. Với thành tích là du học sinh có cao điểm nhất toàn khóa, Phúc tiếp tục được nhận học bổng của trường. Ngoài ra, anh còn giành được học bổng bậc Tiến sĩ của ĐH Massey để tiếp tục theo đuổi ngành Tài chính.
“Các bạn sinh viên cần vượt qua tâm lý lo sợ, ngại ngùng khi săn học bổng. Nếu thường xuyên theo dõi trang web của trường, tập trung học từ đầu, luyện đề chăm chỉ… cơ hội nhận học bổng là không khó”, Phúc chia sẻ.
Nguyễn Văn Phúc trong lễ tốt nghiệp thạc sĩ và nhận học bổng toàn phần tiến sĩ năm 2019. |
Môi trường học tập “lý tưởng”
Minh Sang theo học Cử nhân Thương mại, chương trình liên kết giữa ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Victoria Wellington. |
Người dân xứ kiwi thích du lịch và dành sự quan tâm đặc biệt cho những người đến từ các nền văn hóa khác. Do đó, sinh viên quốc tế được chào đón nồng nhiệt tại đất nước này.
“Từ lúc tìm hiểu về New Zealand, mình đã ấn tượng bởi sự thân thiện của con người nơi đây. Khi chính thức được đào tạo ở quốc gia này, mình nhận thấy rõ hơn sự cởi mở, tôn trọng trong môi trường giáo dục. Nhờ đó, sinh viên có cơ hội thể hiện bản thân mình”, Minh Sang - một cựu du học sinh ngành Kinh doanh tại New Zealand - chia sẻ.
Sinh viên quốc tế tại New Zealand có thể xin thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp. Tùy trình độ, thời hạn thị thực lao động kéo dài 1-3 năm.
Đất nước này cũng cho phép sinh viên làm việc bán thời gian trong quá trình học lên đến 20 giờ/tuần và toàn thời gian trong các kỳ nghỉ lễ.
Thông qua đó, sinh viên sẽ có thêm chi phí để đáp ứng nhu cầu giải trí, du lịch và tích lũy kinh nghiệm thực tế trong quá trình học tập.
Du học New Zealand ngay tại Việt Nam
Sinh viên đang theo học nhóm ngành kinh doanh tại các trường đại học Việt Nam có cơ hội du học bán phần New Zealand thông qua chương trình liên kết, chuyển tiếp quốc tế. Các chương trình liên kết Việt Nam - New Zealand không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo, mà còn giúp du học sinh tiết kiệm chi phí.
Sinh viên yêu thích nhóm ngành kinh doanh có thể tham khảo chương trình liên kết Cử nhân Quản trị Kinh doanh giữa ĐH Công nghệ Auckland và ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM. Sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế TP. HCM cũng có chương trình liên kết Cử nhân Kinh doanh với ĐH Waikato. Hoặc, sinh viên có thể chọn chương trình Cử nhân Thương mại của ĐH Ngân hàng TP.HCM liên kết ĐH Lincoln, Cử nhân Thương mại của ĐH Kinh tế TP.HCM liên kết ĐH Victoria Wellington.
Đối với bậc thạc sĩ, sinh viên có thể tìm hiểu chương trình Thạc sĩ Quản trị Nguồn nhân lực/Tài chính giữa ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Massey.
Thạc sĩ Nguyễn Bích Ngọc chia sẻ về chương trình liên kết. |
Thạc sĩ Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Tư vấn và Hợp tác Quốc tế, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết đây là năm đầu tiên triển khai chương trình liên kết Cử nhân Kinh doanh giữa ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Waikato, cụ thể với ba chuyên ngành Kinh doanh Kỹ thuật số (Digital Business), Logistics và Kinh doanh Quốc tế (International Business).
"Đây là nhóm ngành có nhu cầu nhân lực lớn và hiện Việt Nam cũng đang thiếu. Chúng ta đang ở thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế nên nhu cầu về nhân sự có tư duy và kiến thức toàn cầu lại càng cao. Bên cạnh đó, sự phát triển của cách mạng 4.0 dẫn đến lĩnh vực thương mại điện tử và kỹ thuật số sẽ ngày càng bùng nổ. Nên có thể nói đây sẽ là những ngành xu hướng của tương lai.”, chị Ngọc chia sẻ.
Ngoài kinh doanh, còn nhiều chương trình liên kết dành cho các nhóm ngành khác như Cử nhận Dược, Quan hệ Quốc tế, Khoa học Chính trị, Truyền thông, Khoa học Thực phẩm…
Để giúp phụ huynh, học sinh tìm hiểu thêm chương trình liên kết, ENZ tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến với sự tham gia của nhiều cựu du học sinh. Độc giả có thể đăng ký tham gia tại đây.
Bình luận