Xuất hiện vào giờ chót trên đường đua Oscar 2016, nhưng The Big Short của đạo diễn Adam McKay trở thành đối thủ tiềm ẩn dành cho tất cả các tác phẩm còn lại nhờ nhiều lý do khác nhau.
Từ một trong hai sự kiện ảnh hưởng sâu sắc tới nước Mỹ thế kỷ XXI
Cho tới nay, hai sự kiện được coi là quan trọng nhất đối với xã hội nước Mỹ trong thế kỷ XXI là vụ khủng bố 11/9/2001 và cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2008.
Nếu như vụ khủng bố 11/9 và hệ lụy trực tiếp của nó là cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan và Iraq đã trở thành đề tài quen thuộc của Hollywood trong hơn một thập kỷ qua, thì diễn biến cuộc khủng hoảng tài chính, cũng như những hậu quả của nó đối với đời sống kinh tế và xã hội nước Mỹ lại ít được giới làm phim quan tâm.
Chưa có nhiều bộ phim kể lại diễn biến và hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 tại nước Mỹ. The Big Short (2015) là tác phẩm hiếm hoi đề cập đến câu chuyện đó, theo phong cách hài hước nhưng đầy cay đắng. Ảnh: Paramount |
Ngoại trừ dòng phim tài liệu với các tác phẩm khai thác trực tiếp đề tài ấy như Capitalism: A Love Story (2009) của Michael Moore hay Inside Job (2010) của Charles H. Ferguson, tới giờ mới có một phim điện ảnh gần như duy nhất kể lại những sự kiện trong giai đoạn 2007-2008 là Margin Call (2011) của đạo diễn J.C. Chandor.
Có lẽ những số liệu và thuật ngữ tài chính khô khan, rắc rối, cùng hậu quả vô hình khó cảm nhận của cuộc khủng hoảng đã làm khó giới làm phim trong việc tạo ra các tác phẩm vừa mô tả được thực tế, vừa lôi kéo được khán giả.
Margin Call chính là bằng chứng cụ thể nhất cho những khó khăn đó, khi dàn diễn viên danh tiếng bao gồm Kevin Spacey, Paul Bettany, Stanley Tucci, cộng với phần kịch bản rất chắc tay, cũng không thể giúp bộ phim thực sự trở nên ăn khách hoặc gây ra tiếng vang về mặt nghệ thuật nếu so với những tác phẩm điện ảnh cùng năm có đề tài “mềm” hơn như Hugo của Martin Scorsese hay The Artist của Michel Hazanavicius.
Nhưng với The Big Short năm 2015 của đạo diễn Adam McKay, tác phẩm chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của nhà báo tài chính Michael Lewis, Hollywood rốt cuộc đã tìm ra công thức thành công cho đề tài khó nhằn đó.
Câu chuyện kỳ lạ về những kẻ “ngược dòng”
Bối cảnh của The Big Short là nước Mỹ trong những năm đầu thiên niên kỷ mới, khi nền kinh tế ổn định cùng chính sách nới lỏng tiền tệ đã giúp giới tín dụng phất lên nhanh chóng, đặc biệt là thông qua việc kinh doanh, môi giới địa ốc.
Năm 2005, trong bối cảnh thị trường tài chính và bất động sản phủ đầy màu hồng, Michael Burry (Christian Bale) - một bác sĩ chuyển nghề quản lý quỹ đầu tư lại khiến tất cả khách hàng của anh ta sửng sốt khi đưa ra lời tiên đoán rằng bong bóng địa ốc sẽ vỡ tan chỉ trong vòng hai năm. Bởi vậy quỹ đầu tư Scion của anh cần đi ngược lại chiều hướng thị trường để đặt cược vào các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng CDS (Credit Default Swap).
Gã bác sĩ chuyển nghề quản lý quỹ đầu tư cực kỳ lập dị Burry đưa ra lời tiên đoán không tưởng vào năm 2005. Nhưng những kẻ "ngược dòng" như anh rốt cuộc đã đúng sau đó hai năm. Ảnh: Paramount |
Bằng một việc đơn giản nhưng không mấy ai để ý là đọc kỹ các hợp đồng mua bán địa ốc và tìm ra vô số rủi ro tài chính từ chúng, Burry tin chắc rằng việc ký thỏa thuận CDS với những ngân hàng lớn là mối hời không thể bỏ qua, khi các đơn vị tài chính đó sẽ phải trả số tiền rất lớn cho quỹ đầu tư của anh trong trường hợp thị trường địa ốc đổ vỡ.
Do đó, bất chấp sự phản đối kịch liệt của khách hàng, Burry tung hết tiền của quỹ đầu tư vào các hợp đồng CDS với tất cả những tên tuổi lớn nhất của thị trường tài chính Phố Wall trong sự ngạc nhiên và chào đón của giới chủ ngân hàng tham lam, những kẻ vốn coi thị trường bất động sản là nền tảng không thể tan vỡ của định chế tài chính nước Mỹ.
Thoáng nghe được câu chuyện đầu tư “điên rồ” của Burry, Jared Vennett (Ryan Gosling) - một chuyên viên tài chính tại ngân hàng Deutsche Bank, nhanh chóng nắm bắt được ý đồ và lập tức đi tìm nhà đầu tư để đổ vốn vào thị trường CDS. Người duy nhất chịu tin và hợp tác với Vennett là Mark Baum (Steve Carell) - một chuyên gia giao dịch tài năng nhưng mang nặng trong lòng nỗi tức giận với sự tham lam của giới tài chính Phố Wall.
Lời tiên đoán của Burry còn lôi kéo được thêm Jared Vennett và và Mark Baum vào cuộc. Không một ai tin họ khi thị trường tài chính phủ hoàn toàn màu hồng. Ảnh: Paramount |
Cũng bắt nguồn từ ý tưởng của Vennett, hai giao dịch viên trẻ tuổi và vô danh là Charlie Geller (John Magaro) và Jamie Shipley (Finn Wittrock) bắt đầu tìm cách kiếm lời từ thị trường CDS đầy rủi ro với sự hỗ trợ của chuyên gia tài chính đã về hưu Ben Rickert (Brad Pitt).
Lịch sử cuối cùng chứng minh rằng những kẻ thuộc phe thiểu số như Burry, Vennett hay Baum đã đúng với những tiên đoán xuất thần của họ về thị trường. Nhưng để đi tới thành công, họ phải trải qua rất nhiều áp lực từ bạn bè, đồng nghiệp, và cả những diễn biến kỳ lạ của thị trường với hàng loạt sự kiện mà đến chính nhóm người “ngược dòng” ấy cũng chẳng thể ngờ tới.
Sự tài tình của đạo diễn Adam McKay
Gây dựng tên tuổi qua loạt phim hài Anchorman, Adam McKay có lẽ là lựa chọn bất ngờ của nhà sản xuất Brad Pitt và hãng phim Plan B Entertainment cho một dự án tưởng chừng rất khô khan về tài chính và khủng hoảng kinh tế. Nhưng cũng giống như những kẻ “ngược dòng” trên phim, đội ngũ nhà sản xuất đã đúng.
Dưới bàn tay biên kịch và đạo diễn của McKay, chất hài châm biếm giúp The Big Short trở nên gần gũi, dễ hiểu và lôi cuốn hơn rất nhiều với số đông khán giả vốn không hiểu, và cũng không quan tâm đến những đề tài xa lạ như thị trường tài chính, bong bóng nhà đất…
Để giải thích các thuật ngữ dài dòng và rắc rối của giới tài chính, Adam McKay đã cực kỳ sáng tạo khi viện tới nhiều cái tên nổi tiếng nhưng hoàn toàn không phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó, như nữ diễn viên Margot Robbie, đầu bếp Anthony Bourdain, hay ca sĩ Selena Gomez, để giải thích trực tiếp cho khán giả thông qua những phân cảnh dạng phim tài liệu và ví dụ đời thường rất dễ nắm bắt.
Tham gia diễn xuất, nhưng Brad Pitt còn kiêm nhiệm cả vai trò sản xuất của The Big Short. Anh và hãng phim đã đúng khi chọn Adam McKay cho dự án mang đề tài tưởng chừng rất đỗi khô khan. Ảnh: Paramount |
Bên cạnh đó, chất hài trong tác phẩm cũng được gia giảm hợp lý theo nhịp phim, với phần đầu đậm đặc chất hài châm biếm theo phong cách thường thấy của McKay để giúp khán giả làm quen với bối cảnh nền tài chính nước Mỹ trước khủng hoảng, cho tới phần cuối phim trầm lắng và tập trung vào những diễn biến cùng hậu quả của cuộc khủng hoảng đối với từng cá nhân và cả xã hội. Sự điều tiết tài tình của nhà làm phim giúp khán giả có thể nhanh chóng nắm bắt được nhịp điệu của tác phẩm và bị cuốn vào các chi tiết, nhân vật đầy màu sắc của đời sống kinh tế nước Mỹ.
Không chỉ giúp bộ phim bớt phần nặng nề, nét châm biếm chua cay của The Big Short còn góp phần làm nổi bật hơn sự tham lam đến mức mù quáng, coi thường luật lệ, coi thường số phận người dân bình thường của giới tài chính Phố Wall. Từ những ngân hàng khổng lồ cho tới các quỹ đầu tư nhỏ lẻ, từ những ông chủ lớn nắm trong tay hàng trăm triệu USD, thậm chí là hàng tỷ USD, cho tới những chuyên viên giao dịch địa ốc ở mức thấp nhất, tất cả đều bị màu xanh của đồng đô-la làm mờ mắt. Tới mức ngay cả khi số liệu đã chứng minh hiểm họa cận kề của cơn sốt bất động sản, vẫn không một ai tin vào những dự đoán rất có cơ sở từ Burry hay Baum. Để rồi khi khủng hoảng xảy ra, tất cả lại giẫm đạp lên nhau để tranh giành “miếng bánh” CDS.
Sự phức tạp của thị trường tài chính với những cá nhân tham lam nhưng mưu mô, đầy tính toán được The Big Short khắc họa thành công với mạch truyện lôi cuốn, hợp lý, tạo ra cho người xem cảm giác liền mạch bất chấp việc phim được dựng đa phần với các cảnh ngắn, thoại gọn gàng và nhịp điệu dồn dập từ đầu tới cuối. Do đó, không ngạc nhiên khi tác phẩm hiện nhận được rất nhiều đề cử về kịch bản trong mùa giải thưởng điện ảnh năm nay tại Hollywood.
Dàn diễn viên thượng hạng lên tiếng
Một tác phẩm với cốt truyện phức tạp và nhiều tuyến nhân vật xen kẽ như The Big Short chỉ có thể thành công với dàn diễn viên nhập vai và ăn ý. Và đạo diễn Adam McKay đã có được điều đó với hàng loạt các ngôi sao hạng A như Christian Bale, Steve Carell, Ryan Gosling, Brad Pitt hay Marisa Tomei (vai Cynthia Baum, vợ Mark Baum), cùng một số gương mặt trẻ đầy triển vọng như John Magaro hay Finn Wittrock.
Nổi bật nhất trong số đó là Steve Carell trong vai Mark Baum - giọng nói của lương tri và lý trí giữa Phố Wall điên loạn. Luôn muốn tìm hiểu bản chất của mọi việc, Baum nhanh chóng nắm bắt được dự báo của Burry và Vennett về sự đổ vỡ của thị trường địa ốc. Nhưng rồi cũng chính ông là người nhận ra rằng những đổ vỡ mang tính hiện tượng ấy không thể giúp hàn gắn khuyết điểm cố hữu của định chế tài chính vốn vận hành bởi một mục tiêu duy nhất: tiền, thật nhiều tiền!
Với The Big Short, Steve Carell thêm một lần nữa cho thấy mình không đơn thuần là danh hài, mà thực sự là một ngôi sao đầy thực lực tại Hollywood. Ảnh: Paramount |
Thành công với vai diễn mới trong The Big Short, hay trước đó là với gã quý tộc lập dị John Eleuthère du Pont trong Foxcatcher (2014), Steve Carell cho thấy ông không chỉ là một danh hài, mà thực sự là một diễn viên có thực lực hàng đầu tại Hollywood. Đối nghịch với sự thâm trầm của Carell là nét lập dị của Bale trong vai bác sĩ Burry - kẻ tiên tri, và sự ngạo đời của Ryan Gosling trong vai Vennett - kẻ cơ hội. Mỗi người mỗi vẻ, bộ ba Carell - Bale - Gosling đã tạo ra bức tranh đa diện, nhiều tính cách, đầy màu sắc về Phố Wall, nơi nắm giữ vận mệnh tài chính của cả nước Mỹ.
Thương trường chính là chiến trường. Đây là câu ví von thường được người ta dùng khi nhắc tới nghề kinh doanh hay giới doanh nhân. Nếu sử dụng phép ví ấy, thì Phố Wall là một bãi chiến trường khổng lồ, nơi diễn ra cuộc chiến không ngừng nghỉ giữa những trí tuệ thượng hạng, nhưng cũng dễ dàng trở nên lú lẫn vì đồng tiền. Đáng sợ hơn, “thương vong” của cuộc chiến ấy lại là những kẻ ngoài cuộc, hay chính là những người dân thường chỉ mong có được mái nhà yên ổn hay một khoản thu nhập ổn định, đủ để trang trải cuộc sống.
Nhưng một khi lòng tham vẫn còn thống trị Phố Wall, khi đồng tiền vẫn còn là mục đích sống duy nhất của giới kinh doanh tài chính, thì những cuộc khủng hoảng như trong giai đoạn 2007-2008 sẽ vẫn còn xảy ra, những người dân bình thường sẽ tiếp tục lại là nạn nhân. Và đó chính là thông điệp mà The Big Short, một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc của năm 2015, muốn truyền tải tới công chúng.
Zing.vn đánh giá: 5/5