Theo thống kê từ Globocan, Việt Nam có số ca mắc ung thư mới và tỷ lệ tử vong trong năm 2020 tăng nhanh. Tại châu Á, Việt Nam đứng thứ 8 với ước tính 182.563 ca mắc mới. Cứ 100.000 người Việt Nam có 159,7 người được chẩn đoán mắc ung thư và 106 trường hợp tử vong.
Trong khi nhân loại vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh ung thư, không ít cơ quan y tế hàng đầu khẳng định mối liên hệ mật thiết giữa thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày với tác nhân gây ung thư.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại các thực phẩm, hóa chất liên quan ung thư ở người thành 5 nhóm. Trong đó, nguy hiểm nhất là nhóm một, gồm những thành phần đã được chứng minh gây ung thư. Không ít thực phẩm là món ăn quen thuộc với nhiều gia đình.
Cá muối kiểu Trung Quốc
Ướp muối là phương pháp truyền thống để bảo quản thực phẩm - đặc biệt là cá - thường được sử dụng ở Đông Nam Á và Trung Quốc. Tạp chí Nutrition số tháng 9/2019 công bố kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Trung Quốc về việc những người ăn cá muối nhiều vào thời thơ ấu có khả năng mắc bệnh ung thư biểu mô vòm họng cao hơn.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích trên 2.244 trường hợp mắc ung thư biểu mô vòm họng ở 2 tỉnh miền nam của Trung Quốc, nơi có tỷ lệ bị bệnh này cao nhất. Nhóm được phân tích là các thanh, thiếu niên.
Theo Xinhua, cơ chế khiến cá muối Trung Quốc trở thành thực phẩm gây ung thư cấp độ một vẫn chưa rõ ràng. Cục An toàn Thực phẩm Hong Kong (Trung Quốc) cho hay cá muối có thể làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng là do nồng độ muối cao, khử nước.
Trong quá trình lên men, món ăn này làm sản sinh hợp chất nitroso như nitrosodimethylamine. Đây là chất gây ung thư trong nhiều thí nghiệm.
Cá muối kiểu Trung Quốc được xếp vào nhóm thực phẩm gây ung thư số một. Ảnh: Getty Images. |
Thịt đã qua chế biến
Thịt đã qua chế biến là nội tạng hoặc thịt được ướp muối, lên men hay biến đổi bằng phương pháp khác nhau để tăng thời gian bảo quản và hương vị của sản phẩm.
Các thịt đã qua chế biến có thể kể đến xúc xích, thịt hộp… Nhóm chuyên gia của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), phân tích hơn 800 nghiên cứu chuyên sâu liên quan từ nhiều quốc gia và nhận thấy tiêu thụ nhiều thịt chế biến sẵn có mối liên hệ mật thiết với ung thư đại tràng, dạ dày.
Giả thuyết là các chất gây ung thư có thể hình thành trong quá trình chế biến. Khi chế biến thịt (bằng cách thêm nitrat hoặc nitrit) hay hun khói, nó hình thành các hóa chất có khả năng gây ung thư như hợp chất N-nitroso (NOC) và hydrocacbon thơm đa vòng (PAH). Các chất này tương tự trong quá trình sản xuất cá muối ở trên.
Benzo [a] pyrene sinh ra khi nướng cháy thực phẩm
Benzo [a] pyrene (hay B [a] P) là loại chất gây ô nhiễm hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs) và có đặc tính độc. PAH có mặt ở mọi nơi trong môi trường bởi chúng hình thành trong quá trình đốt cháy hoặc nhiệt phân không hoàn toàn các vật liệu hữu cơ, gồm cả thực phẩm, dầu ăn.
Nhóm chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới về phụ gia thực phẩm (JECFA) kết luận ngũ cốc, dầu ăn là cung cấp chính Benzo [a] pyrene trong bữa ăn. Một nghiên cứu năm 2004 của Cục An toàn Thực phẩm Hong Kong (Trung Quốc) cũng nhận thấy nhiệt độ nấu nướng càng cao hoặc thịt, cá bị nướng nhiệt cao và lâu, càng tạo ra nhiều PAH.
Đặc biệt, nướng bằng than làm phát sinh nhiều PAH hơn thực phẩm nướng bằng gas, điện. JECFA khuyến cáo chúng ta nên giảm mức phơi nhiễm PAH bằng cách thay đổi phương pháp chế biến thực phẩm. Người dân cũng nên loại bỏ chất béo, mỡ trước khi nướng thịt, loại bỏ phần bị cháy và tránh nướng quá kỹ.
Thịt nướng ở nhiệt độ cao, thời gian lâu càng dễ sinh ra hydrocacbon thơm đa vòng với đặc tính độc. Ảnh: Getty Images. |
Aflatoxin trong ngô, gạo bị mốc
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), aflatoxin là viết tắt của Aspergillus flavus toxins. Đây là chất độc được sinh ra trong quá trình trao đổi chất của nấm mốc Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus ở thực phẩm, thức ăn của gia súc.
Aflatoxin là độc tố có nguy cơ cao gây ung thư mạnh (nhất là ung thư gan và tổn thương ở thận). Chất độc này được cho là nguyên nhân gây ra 25.200-155.000 trường hợp ung thư gan hàng năm, chiếm 5-28% tổng số ca bệnh trên thế giới.
Độc tính của aflatoxin thường khởi phát nhanh và phản ứng rõ ràng như xuất huyết, tổn thương gan, phù nề, rối loạn tiêu hóa, thậm chí tử vong nếu hấp thu ở liều cao. Khi phơi nhiễm liều thấp trong thời gian dài, chúng gây ra các khối u ác tính và những ảnh hưởng có hại lâu dài khác.
Aflatoxin thường sinh ra khi lúa, ngô, khoai, gạo bị mốc. Ảnh: Getty Images. |
Aflatoxin thường sinh ra khi lương thực như ngô, khoai, sắn, lứa mì, gạo, lạc bị mốc. Bản chất của nó là bền với nhiệt, men tiêu hóa, không bị phân hủy khi đun nấu ở nhiệt độ thông thường. Do đó, thực phẩm đã bị nhiễm độc Aflatoxin, ngay cả khi rang, nấu, luộc ở nhiệt độ cao vẫn chưa thể phá hủy hoàn toàn độc tố.
Ngoài các chất, thực phẩm trên, danh sách thành phần gây ung thư số một còn có hạt cau, trầu không khi ăn kèm thuốc lá, khí thải diesel, thực vật chứa axit aristolochic, polychlorinated biphenyls, cadmium và hợp chất cadmium, hợp chất crom, dioxin...
Không phải tất cả người tiếp xúc thực phẩm gây ung thư số một đều sẽ bị ung thư
WHO xếp loại các thực phẩm trên dựa vào những bằng chứng thu được trên người, động vật. Các cấp độ xếp loại nhóm chất và mối liên quan với ung thư giúp chúng ta xác định những nhân tố nguy hại.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa những chất thuộc nhóm này chắc chắn sẽ gây ung thư cho mọi người. Quá trình hình thành bệnh còn căn cứ vào môi trường sống, độ tuổi, yếu tố di truyền và sức khỏe của mỗi cá nhân.
Nhiều tác nhân gây bệnh chỉ sau một lần tiếp xúc. Số khác có thể gây bệnh sau thời gian tiếp xúc ở cường độ cao. WHO và IARC không đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm. Nói cách khác, họ không đưa khuyến cáo hay kết luận về định lượng của các thực phẩm được nêu ra.
Các tổ chức y tế, sức khỏe và người dân dựa trên cơ sở này để có lựa chọn ăn uống phù hợp, lành mạnh nhất.