Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

4 ngày đi team building phải mua thêm 8 bộ đồ đồng phục

Nguyệt Hà ngần ngại khi phải thay đổi 8 bộ đồ theo yêu cầu dresscode của công ty. Trong khi đó, Kiều Trinh lại thích chiếc áo đồng phục được phát sẵn trước chuyến team building.

8 bộ đồ theo chủ đề của từng hoạt động là những gì Nguyệt Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cần chuẩn bị cho chuyến team building 4 ngày 3 đêm cùng công ty.

Trước chuyến đi một tháng, bộ phận HR đã thông báo kế hoạch về đồng phục. Trong đó, trong suốt buổi tiệc tối, chương trình tham quan và chụp ảnh tập thể, các thành viên đều cần mặc trang phục đồng bộ, theo chủ đề có trước.

Nhiều đồng nghiệp trong công ty Hà hưởng ứng, sôi nổi bàn tán về những bộ váy áo sẽ mặc. Thấy vậy, cô cũng sắm sửa thêm một số món, bao gồm chiếc váy dài đính kim tuyến lấp lánh kiểu dạ hội.

“Tôi ngại lạc lõng trong đám đông nên mua sắm cho đúng màu sắc. Quá nhiều concept, rất khó mặc theo”, nhân viên này nói.

dong phuc cong ty anh 1

Một số doanh nghiệp xây dựng kế hoạch dresscode, đồng phục team building phức tạp, khiến nhân sự e ngại. Ảnh minh họa: Lê Minh/Pexels.

Khi mặc gì đi team building trở thành bài toán

Nếu như Nguyệt Hà chuẩn bị trang phục team building theo ý thích, chỉ cần đúng chủ đề, Trang Nhã (28 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) lại được yêu cầu mặc chiếc áo đồng phục cùng mũ lưỡi trai màu cam in tên doanh nghiệp.

dong phuc cong ty anh 2

Nguyệt Hà phải sắm sửa thêm nhiều váy áo, phụ kiện cho chuyến du lịch công ty.

Chia sẻ với phóng viên, cô cho biết toàn bộ nhân sự đều cần mặc áo, mũ giống nhau khi tham gia hoạt động team building, chụp ảnh.

“Áo được đặt làm theo số lượng lớn nên kích thước không vừa vặn với số đo cơ thể, người mặc chật, người lại bị rộng. Chất liệu cũng hơi nóng, bí”, Nhã nói.

Ngoài bộ đồng phục, Nhã cũng chuẩn bị thêm vài bộ đồ mặc cùng với bộ phận.

Việc sắm những mẫu váy hở vai, sặc sỡ chỉ mặc một lần cho chuyến đi, sau đó sẽ không còn mặc lại bởi không hợp phong cách hơi cô hơi ngại.

“Chỉ mặc chiếc váy đó khi chụp ảnh rồi thay ra nên bỏ tiền thấy rất phí”, Nhã nói.

Trong khi đó, Anh Tuấn (25 tuổi, quận 8, TP.HCM) quyết định không mua áo quần màu tím theo dresscode công ty trong chuyến team building.

dong phuc cong ty anh 3

Kiều Trinh chụp ảnh kỷ niệm với chiếc áo đồng phục công ty.

“Tôi vẫn mua một bộ vest để mặc trong buổi tiệc tối theo concept của công ty. Bộ đồ này tôi có thể dùng lại trong các dịp khác nên không nghĩ ngợi nhiều”, Tuấn cho hay.

Trái ngược, Kiều Trinh (26 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) lại yêu thích chiếc áo thun đồng phục tương đối thanh lịch, tối giản, dễ ứng dụng được công ty phát trước buổi team building.

Theo Kiều Trinh, đây là sự thay đổi tích cực của bộ phận nhân sự với sự góp ý của tập thể nhân viên.

“Áo thấm hút mồ hôi tốt. Có thêm một chiếc áo mặc đi team building, sau đó diện đi làm khá rất tiện, dễ mix match”, Kiều Trinh nói.

Cái khó của doanh nghiệp

Chia sẻ với phóng viên, Bình Nguyễn (29 tuổi), quản lý tại một công ty sản xuất ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho rằng việc nhân viên mặc đồng phục trong chuyến du lịch mang nhiều ý nghĩa lớn đối với doanh nghiệp.

Trước tiên, bộ đồng phục hỗ trợ công ty xây dựng hình ảnh thương hiệu. Những bức hình tập thể mặc trang phục đồng bộ có thể được lưu trữ trong kho tư liệu của công ty, sử dụng trong quá trình tuyển dụng nhân sự mới, tiệc kỷ niệm ngày thành lập...

Khi nhân viên chia sẻ hình ảnh tập thể lên mạng xã hội, doanh nghiệp cũng có thể gián tiếp quảng bá hình ảnh, gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu.

Tiếp theo, mục đích của các chuyến team building là gắn kết nhân sự, củng cố và nâng cao tinh thần tập thể. Nếu loại bỏ đồng phục hoặc hoạt động tập thể, mục đích này khó đạt được.

Hiểu rằng nhiều nhân viên muốn diện trang phục phù hợp với phong cách cá nhân, song lãnh đạo doanh nghiệp không thể phê duyệt khoản chi lớn cho một chuyến du lịch thiếu tính gắn kết.

“Khi mặc đồng phục, các bạn dễ dàng cảm thấy là một phần của tập thể. Nhiều người đã đến địa điểm du lịch này trước đó song đồng ý đi lần 2, lần 3 bởi mong muốn tạo ra kỉ niệm đẹp với công ty. Mặc đồng phục là bước đầu tiên trong quá trình này”, Bình nói.

dong phuc cong ty anh 4

Việc tạo ra đồng phục, dresscode phù hợp với mong muốn của số đông là bài toán khó đối với bộ phận nhân sự. Ảnh minh họa: Denniz Futalan/Pexels.

Về phía bộ phận nhân sự, việc thực hiện bộ đồng phục, dresscode được lòng số đông trong chuyến team building là bài toán khó. Chuyên viên nhân sự Tâm Anh (27 tuổi, quận 8, TP.HCM) thường xuyên phải làm việc với các đơn vị cung cấp đồng phục trước chuyến du lịch tập thể.

Công ty cô yêu cầu các nhà cung cấp tham gia đấu thầu, đề xuất ý tưởng rồi mới duyệt bản thiết kế, tiến hành sản xuất với số lượng lớn. Trong quá trình này, cô cũng thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của nhân viên các bộ phận.

Sau khi tiến hành hỏi ý kiến đồng nghiệp, Tâm Anh kết luận rằng số đông mong muốn đồng phục doanh nghiệp có màu sắc trung tính, chất liệu thoáng mát (với đồ mùa hè), giữ ấm tốt (với đồ mùa đông).

Đặc biệt, nhân sự đều mong muốn đơn vị may đo đến văn phòng lấy số đo cụ thể, đảm bảo trang phục vừa vặn với cơ thể người mặc, tránh khiến nhân viên phải tự mang đi sửa chữa.

Ngoài ra, khi xây dựng dresscode, Tâm Anh và phòng ban mình cũng đề cao sự đơn giản, dễ thực hiện, tránh tạo tâm lý bị ép buộc cho nhân sự. Ngoài ra, cô cũng không đưa ra yêu cầu chi tiết, tạo điều kiện cho các cá nhân lựa chọn trang phục theo sở thích, mong muốn riêng.

Ví dụ, thay vì tạo ra những concept khó thực hiện như sang trọng, bắt chước phim ảnh..., chuyên viên nhân sự này chỉ quy định trang phục theo tông trắng - đen, cho phép người mặc tự do lựa chọn kiểu dáng, phong cách váy áo.

“9 người 10 ý. Chúng tôi không thể làm vừa lòng tất cả, nhưng vẫn nỗ lực để giải quyết nỗi ám ảnh của nhân sự với đồng phục công ty, dresscode trong các chuyến du lịch”, Tâm Anh cho biết.

Theo báo cáo năm 2023 được thực hiện bởi tổ chức nhân sự Gomada, trong bối cảnh xu hướng làm việc từ xa ngày càng thịnh hành, người lao động cho rằng hoạt động team building hỗ trợ cải thiện tinh thần tập thể, gắn kết nhân sự.

Theo Society for Human Resource Management, trong chuyến du lịch công ty, nhân sự có thể mặc đồng phục in tên doanh nghiệp hoặc trang phục nhóm theo quy định dresscode, concept chung.

Tuy nhiên, 36% nhân sự cho biết họ cảm thấy bị ép buộc khi mặc đồ theo yêu cầu trong hoạt động tập thể. Để tránh tâm lý miễn cưỡng, tạo ra sự thoải mái cho nhân sự, Society for Human Resource Management khuyên các công ty, tổ chức nên thực hiện đồng phục phi giới tính, phù hợp với nhiều dáng người, có màu sắc trung tính, dễ dàng phối hợp với các item khác.

Khi đó, người lao động có thể tái sử dụng đồng phục trong nhiều hoàn cảnh, góp phần giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu hiệu quả.

Sẵn sàng đóng thêm nếu chuyến team building 'đáng tiền'

Thanh Hải đóng thêm 4 triệu đồng để cùng công ty du lịch Thái Lan vì biết nếu tự đi, anh sẽ tốn hơn 10 triệu.

Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm

Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm