Công ty của Thanh Hải (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) sắp có chuyến du lịch tập thể đến Thái Lan. Bên cạnh các chi phí đã được hỗ trợ theo chính sách, mỗi nhân viên chính thức cần đóng thêm 4 triệu đồng để tham gia. Hải đồng ý với số tiền này.
“Ngân sách công ty có hạn. Muốn đi chơi nước ngoài, tôi cho rằng việc đóng thêm tiền là hợp lý”, Hải nói.
Năm 2022, nhân viên này cũng đóng thêm tiền cho chuyến team building 3 ngày 2 đêm đến Đà Nẵng. Chuyến đi hào hứng, nhiều hành trình giúp anh và đồng nghiệp "chơi tới bến". Nếu tự đi, anh thừa nhận sẽ không thể vui như vậy.
Team building hay du lịch công ty được xem là hoạt động gắn kết không thể thiếu của nhiều doanh nghiệp, giúp xây dựng văn hóa và góp phần củng cố tinh thần tập thể.
Theo thời gian, các chương trình team building dần được “thay áo” với những điểm đến hấp dẫn, chú trọng vào các trải nghiệm mới nhằm thu hút nhóm nhân sự trẻ tuổi.
Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng khiến các chi phí phát sinh đáng kể, dẫn đến việc công ty phải kêu gọi nhân sự đóng góp thêm cho kỳ nghỉ mát tập thể.
Nhiều nhân viên thừa nhận việc đóng tiền sẽ hợp lý nếu chương trình thú vị, vui vẻ, giúp kết nối đồng nghiệp chứ không phải là các hoạt động thiếu điểm nhấn.
Đi đâu, chơi gì
Mỗi năm, câu hỏi “team building đi đâu, chơi gì?” luôn được bàn tán sôi nổi tại công ty của Thanh Hải. Nhiều nhân sự kỳ vọng sẽ được xuất ngoại cùng đồng nghiệp.
Từ tháng 3, phòng hành chính nhân sự công ty đưa 3 đề xuất về địa điểm du lịch, bao gồm Nha Trang, Phú Quý và Thái Lan. Với 2 địa điểm trong nước, nhân sự không cần phải đóng thêm chi phí phát sinh.
Thanh Hải đồng ý đóng thêm tiền cho chuyến team building, mong muốn được đi nước ngoài, trải nghiệm mới lạ. |
Tuy nhiên, nếu chọn Thái Lan, mỗi nhân viên sẽ đóng thêm tiền do chi phí di chuyển, khách sạn tăng cao trong cao điểm hè.
“Đa số thích đi Thái Lan, nhưng mọi người cũng cân nhắc khi biết phải đóng thêm tiền”, anh kể lại.
Với Thanh Hải, việc đóng thêm 4 triệu đồng để có một chuyến du lịch hè trọn gói bao gồm vé máy bay khứ hồi, khách sạn, ăn uống, tham quan tại xứ chùa vàng là hợp lý. Nhẩm tính, chuyến đi Thái Lan trước đó của anh vào cuối năm 2022 đã tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng.
“Chi phí công ty đưa ra rẻ hơn một nửa giá tự đi, tôi thấy khoản chi này là hợp lý”, Hải chia sẻ.
Ngoài ra Hải cũng hiểu những chuyến đi này không chỉ để du lịch, mà còn gắn kết môi trường làm việc.
Khánh Vi chưa đủ thân thiết với đồng nghiệp để đi du lịch chung. |
Ngược lại, Khánh Vi (26 tuổi, quận 1, TP.HCM) không muốn đóng thêm 2 triệu đồng cho chuyến team building đến Phú Quốc.
Theo lời Vi, công ty cô sẽ nâng cấp các dịch vụ trong kỳ nghỉ như ở resort cao cấp, view sát biển thay vì ở khách sạn, kéo dài thời gian nghỉ dưỡng từ 2 ngày 1 đêm thành 3 ngày 2 đêm.
Thực tế, 2 triệu đồng không quá lớn, nhưng Vi và đồng nghiệp không thân thiết. Danh sách các hoạt động lại khá nhàm chán, không có điểm nhấn.
“Năm nào công ty tôi cũng chỉ ra biển chơi những trò chơi đồng đội, tối đến tổ chức gala party, ăn uống hát hò xong lại về”, Vi nói.
Quản lý tìm cách cân đối
Chia sẻ với phóng viên, Phương Anh (26 tuổi, quận 3, TP.HCM), nhân viên hành chính nhân sự tại một công ty phân phối hàng tiêu dùng, cho biết từ đầu năm, quỹ tiền dành cho team building đã được cấp trên ấn định. Dựa vào tình hình tài chính, số tiền đầu tư vào team building mỗi năm là khác nhau.
Bộ phận của Phương Anh chịu trách nhiệm cân đối tiền quỹ để tổ chức hoạt động, hạn chế đến mức tối đa việc để nhân sự chi trả thêm chi phí. Song, dù có bàn bạc nhiều lần, đây vẫn là bài toán không dễ.
“Nhu cầu của nhân sự ngày càng cao và rất đa dạng. Mọi người muốn kỳ nghỉ mới lạ, nhiều trải nghiệm, sang trọng hoặc muốn du lịch nước ngoài, nhưng ngân sách chung rất khó đáp ứng được hết. Trong khi đó, những điểm đến trong nước dần trở nên quen thuộc, nhàm chán với nhiều nhân viên, việc thúc đẩy họ hào hứng tham gia cũng khó khăn không kém”, cô tâm sự.
Để lựa chọn địa điểm hấp dẫn, đồng thời hạn chế số tiền nhân sự phải đóng thêm, Phương Anh cùng đồng nghiệp cùng phòng ban phải liên tục làm việc với các hãng bay, đơn vị lữ hành để tìm ra mức ưu đãi hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, để nhân sự hài lòng khi đóng thêm tiền đi team building, các hoạt động, dịch vụ, quyền lợi trong kỳ nghỉ phải được công khai, từ đó mới khiến họ hài lòng với số tiền mình đã bỏ ra.
“Chuyến du lịch Phan Thiết năm 2022, nhân viên chúng tôi đóng thêm 1,5 triệu đồng/người. Trong đó, công ty đảm bảo cho họ các quyền lợi như resort cao cấp 4 sao, 2 bữa tối buffet hải sản, xe giường nằm cao cấp khứ hồi và các hoạt động như tắm bùn, massage miễn phí bên cạnh các trò chơi tập thể và phần quà hấp dẫn”, cô nói.
Để nhân viên hào hứng với team building và sẵn sàng chia sẻ chi phí cùng công ty là một bài toán khó với các HR, quản lý. Ảnh minh họa: Lê Minh/Pexels. |
Đồng tình với Phương Anh, Thạch Thảo, quản lý bộ phận bán hàng một công ty sản xuất đồ gia dụng, cho biết bản thân cũng gặp khó khăn trong việc vận động nhân viên tham gia team building.
Ở cấp độ quản lý, Thảo đánh giá du lịch công ty là quyền lợi mà nhân sự nên tận dụng, đồng thời đây cũng là cơ hội để nhân viên, sếp gắn kết, giúp họ có thời gian nghỉ ngơi, thăm thú các điểm du lịch.
“Với mỗi người, số tiền đóng thêm có thể là hợp lý hoặc không, nhưng sẽ tốt hơn nếu nhân sự cảm thấy những hoạt động trong chuyến đi hào hứng, gắn kết, chứ không rập khuôn hay khiến họ tự hỏi 'chỉ thế thôi à'”, quản lý này nhận định.
Tại công ty của Thảo, trong chuyến du lịch đi Chiang Mai (Thái Lan) vừa qua, mỗi nhân sự phải đóng thêm 3 triệu đồng. Song, công ty có chính sách chia nhỏ số tiền này, rồi trừ dần vào lương các tháng sau đó để tâm lý mọi người thoải mái hơn, đỡ áp lực việc chi trả thêm quá nhiều ngay từ đầu.
Ông Vũ Việt Anh, tiến sĩ khoa học, chủ tịch Hội đồng Quản trị Học viện Thành Công, nhận định du lịch tập thể hoặc team building đóng vai trò quan trọng trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Đây là hoạt động giúp giải tỏa căng thẳng và gắn kết các thành viên.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để các lãnh đạo tìm ra thế hệ quản lý mới nhờ quan sát quá trình làm việc đội nhóm, giao lưu và kết nối.
Những chuyến đi đông đúc lúc đầu có thể hiệu quả, nhưng các công ty cần chiến lược vui vẻ lâu dài hơn. Họ phải tạo ra hoạt động team building đủ ý nghĩa để nhân viên muốn tham gia và đủ hấp dẫn để khiến họ trở lại.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.