Ngày 1: Trải nghiệm ở nhờ tại Kuala Lumpur
Trước ngày khởi hành một tuần, tôi mua vé khứ hồi Air Asia cho chặng TP.HCM - Kuala Lumpur với giá ưu đãi 2 triệu đồng (chỉ có hành lý xách tay). Những ngày cuối năm 2016, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đông đúc. Tôi mất một tiếng xếp hàng làm thủ tục check in vé, xuất cảnh và an ninh hành lý.
Tôi đến sân bay quốc tế Kualua Lumpur 2 (KLIA 2 - sân bay quốc tế KL dành riêng cho hãng Air Asia) lúc 12h45 địa phương, và mất một tiếng để xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh.
Chú Lum Victor đón tôi tại sân bay. Tôi biết chú qua Facebook, thỉnh thoảng bình luận hình ảnh và đây là dịp chúng tôi gặp mặt ngoài đời. Từ sảnh đến của KLIA 2, chúng tôi theo hướng mũi tên chỉ dẫn tới KLIA Express - nơi bán vé tàu điện vào trung tâm Kuala Lumpur.
Tòa tháp đôi Petronas - biểu tượng của thành phố Kuala Lumpur. |
Có 3 phương tiện di chuyển từ sân bay KLIA 2 vào trung tâm KL Sentral: xe buýt giá 10 RM (55.000 đồng), taxi 65 RM (340.000 đồng), tàu điện 55 RM (290.000 đồng). Tôi chọn cách thứ ba, giá vé trung bình nhưng thời gian di chuyển nhanh 35 phút và tránh kẹt xe.
Tại KL Sentral, tôi mua trước vé tàu hỏa cao tốc cho hành trình Kuala Lumpur đi Ipoh. Từ lúc lấy số thứ tự tới hoàn tất mua vé, tôi phải chờ 3 tiếng, do người dân mua vé về thăm nhà. Vé tàu hỏa khứ hồi từ nhà ga KL Sentral đến nhà ga Ipoh là 70 RM (365.000 đồng), thời gian di chuyển 2 tiếng rưỡi.
Buổi tối, chú Lum đưa tôi đi trải nghiệm thành phố bằng tàu điện ngầm. Chúng tôi ghé khu Chinatown trên đường Petaling. Nơi đây bán đủ mặt hàng như quần áo, túi xách, giày dép…Tôi cứ ngỡ mình đứng trong khu Tiểu Ấn giữa lòng Kuala Lumpur.
Sau đó, chúng tôi đi tàu điện từ trạm Pasar Sani tới trạm KLCC. Bước ra khỏi trạm tàu điện và đi lên trên mặt đất, chúng tôi chụp hình lưu niệm trước tháp đôi Petronas - biểu tượng của Malaysia, là tòa tháp đôi cao nhất thế giới với 88 tầng.
Với sở thích giao lưu và tìm hiểu văn hóa bản địa, tôi tham gia mạng xã hội dành cho cộng đồng phượt Couchsurfing. Thông qua đó, tôi nhờ các bạn địa phương tư vấn các địa điểm tham quan, cách thức di chuyển, xin ở nhờ theo hình thức homestay (lưu trú tại nhà người dân), hoặc gặp mặt cà phê để chia sẻ những trải nghiệm du lịch.
Dịp này, anh Abbey Thangiah cho tôi ở nhờ một đêm tại Kuala Lumpur trước khi tôi đi Ipoh. Tối thứ sáu hàng tuần, anh đều tổ chức buổi tập trung các couchsurfer (dân phượt) đến từ các quốc gia. Bữa đó, tôi được dịp gặp gỡ các bạn đến từ khắp nơi trên thế giới như Nhật, Hàn, Indonesia, Australia, Mỹ…
Ngày 2: Khám phá Ipoh - xứ sở cà phê trắng
Sáng hôm sau, Abbey chở tôi ra KL Sentral. Tàu hỏa cao tốc khởi hành đi Ipoh đúng 9h như thông báo in trên vé. Sau 2 tiếng rưỡi, tàu đến nhà ga Ipoh tọa lạc ngay phố cổ.
Nơi tôi lưu trú là nhà nghỉ dạng giường tầng có tên Bed & Bike Backpacker Studio Ipoh, tọa lạc trong khu Tiểu Ấn, cách nhà ga Ipoh khoảng 10 phút đi bộ. Nhiều khách Tây chọn giường tầng trong phòng tập thể bởi giá rẻ từ 30 RM (160.000 đồng) một đêm.
Thành phố Ipoh (phát âm là I-pô) là thủ phủ của bang Perak, gồm thành phố cũ (Old Town) và thành phố mới (New Town). Phố cũ và mới cách nhau qua con sông Kinta.
Buổi chiều là thời điểm lý tưởng cho tôi thong thả tản bộ ngang dọc phố cổ. Đến Ipoh, không du khách nào bỏ qua hẻm nhỏ lâu đời Panglima, xưa kia tên gọi là Concubine Lane.
Bức tranh tường "Ông chú và cốc cà phê trắng". |
Ipoh giống Penang ở đặc điểm, tại một số góc đường và hẻm nhỏ, du khách sẽ tìm thấy những tranh tường vẽ theo hiệu ứng đánh lừa thị giác. Các tranh tường nổi tiếng ở Ipoh chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng cũng đủ toát lên nét độc đáo của “xứ sở cà phê trắng”.
Để hiểu rõ hơn về văn hóa và lịch sử phát triển Ipoh, tôi đăng ký tham quan hai bảo tàng nằm trên đường Bijeh Timah: Ho Yar Hor và Han Chin Pet Soo. Căn nhà Ho Yar Hor được xây dựng năm 1941, nơi ông Ho Yar Hor khởi tạo sự nghiệp phát triển trà và thảo dược của gia tộc. Ngày nay, nhà máy sản xuất trà của gia tộc ông xuất khẩu trà với số lượng lớn ra nước ngoài.
Kế bên là bảo tàng Han Chin Pet Soo, 120 năm trước từng là câu lạc bộ giải trí dành cho tầng lớp thượng lưu người Hoa tại Ipoh (chủ của những mỏ thiếc). Từ năm 2015, bảo tàng mở cửa cho khách tham quan.
Khám phá Ipoh, tôi còn thưởng thức ẩm thực tại các quán ăn lâu đời. Quán Lou Wong nằm trên đường Bandar Timah nổi tiếng 60 năm với món cơm gà luộc và gà quay ăn kèm nước chấm sốt ớt rất ngon, giá chỉ 5.5 RM một phần (30.000 đồng).
Cùng trên một đường, quán Nam Heong nổi danh với loại cà phê trắng cùng các món bánh tráng miệng. Bên cạnh đó còn có nhiều hàng quán ăn ngon tập trung quanh khu phố cổ.
Cà phê trắng là đặc sản của Malaysia. |
Cuối ngày, tôi rẽ vào con hẻm nhỏ xíu cạnh quán nước Plan B. Trong đó, tiệm Bits & Bobs bán kem dừa ngon ngất ngây, rất đáng để thử, giá 10 RM (52.000 đồng) gồm 3 viên kem rắc đậu phộng.
Ngày 3: Tham quan các công trình kiến trúc lâu đời ở ngoại ô Ipoh
Buổi sáng, anh Simon Wong - thành viên Couchsurfing người địa phương - chạy xe tới chở tôi ra vùng ngoại ô Ipoh để tham quan các công trình kiến trúc lâu đời. Ipoh nổi tiếng với những ngôi chùa xây trong hang động.
Điểm dừng chân đầu tiên là chùa hang Kek Look Tong mà theo tiếng Malay thì Kek nghĩa là very (rất), Look là happy (hạnh phúc) và Tong là cave (hang động). Như vậy tên ngôi chùa mang ý nghĩa “hang động rất hạnh phúc”. Đường dẫn vào hang là hai dãy cầu thang có hình dáng của đuôi cá chép. Bên trong lòng hang tượng trưng cho dạ dày của con cá - chứa tất cả may mắn, vui vẻ và hạnh phúc.
Những bức vách và trần của hang động đều là thạch nhũ. Qua hàng thế kỷ, chúng có tạo hình đa dạng mà tôi có thể thỏa sức tưởng tượng như hình ảnh con chuột đang chúc mũi xuống, tê giác, con ngựa…
Cách đó 5 phút đi xe là chùa Sam Poh Tong, thành lập từ năm 1912, là chùa thờ Phật của cộng đồng người Hoa tại Ipoh, tọa lạc bên trong ngọn đồi đá vôi. Ngày nay, ngôi chùa là điểm tham quan nổi tiếng và thu hút du khách.
Tiếp theo, chúng tôi ghé chùa Da Sen Ngan - cũng xây trong hang núi và phía ngoài là khoảng sân rộng. Chùa hoạt động chừng 2 năm nay, bên ngoài và trong chùa có vô số những hàng tượng Phật lớn, nhỏ.
Chùa Da Sen Ngan. |
Sau bữa trưa, chúng tôi chạy xe tới lâu đài Kellie. Tòa lâu đài mang tên ông William Kellie Smith, người Scotland, chủ đồn điền cao su. Năm 1909, ông xây dựng dinh thự đầu tiên mang tên Kellas với lối kiến trúc kết hợp giữa 3 nền văn hóa của quê hương ông và Marocco, Ấn Độ. Tất cả vật liệu xây dựng được nhập từ Ấn Độ.
Ngày 4: Trở về Kuala Lumpur và TP.HCM
Tôi chọn chuyến 9h để di chuyển từ nhà ga Ipoh về lại Kuala Lumpur bằng tàu cao tốc. Đến nhà ga KL Sentral vào buổi trưa, chú Lum đón và đưa tôi dạo một vòng quanh các cửa hiệu mua sắm. KL Sentral bán không thiếu món gì từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm đến hàng ăn. Sau đó, tôi đi tàu điện KL Express tới sân bay KLIA 2 (giá 55 RM) để đáp chuyến bay tối về TP.HCM.