Đừng bao giờ đi taxi
Điều này là một điều chắc chắn đối với những du khách đến xứ Cảng Thơm. Đơn giản là bởi taxi ở đây rất đắt. Quãng đường khoảng 3,5 km sẽ mất khoảng 50 HKD (350.000 đồng, với tỷ giá quy đổi 1 HKD = 3.000 đồng). Đó là chưa kể bạn sẽ phải đứng xếp hàng rất dài mới tới lượt.
Giao thông Hong Kong đi bên trái. Vì vậy khi không quen, bước chân lên xe, bạn dễ có cảm giác say xe. Toàn bộ những điều bạn đã quen trước đó sẽ bị đảo ngược. Mọi thứ như đang lao rất nhanh vào mình.
Đó là chưa kể lái xe Hong Kong chạy xe rất nhanh, và đường hẹp nên tôi thấy "đau tim". Tất nhiên, ai thích cảm giác mạnh và nhiều tiền thì xin mời.
Vậy du khách sẽ đi bằng gì? Câu trả lời là phương tiện công cộng. So với các đô thị một số quốc gia phát triển tôi đã tới trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, các phương tiện công cộng ở Hong Kong tốt và tiện hơn một bậc. Với 4 loại hình, du khách hoàn toàn có thể tích hợp sử dụng để di chuyển khắp thành phố.
Stanley market - một khu thương mại kết hợp flea market. Nơi này có bến tàu cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ để phục vụ Toàn quyền Hong Kong và ngôi nhà đá cổ giờ thành cửa hàng của H&M. |
4 loại hình bao gồm: MTR - tàu điện ngầm; bus; tram - tàu điện và ferry - tàu thủy. Ngay khi đặt chân xuống sân bay Chek Lap Kok, với số tiền đã đổi sang HKD (nên đổi tại Việt Nam, tỷ giá sẽ tốt hơn), việc đầu tiên du khách cần làm là mua thẻ Octopus.
Giá thẻ là 150 HKD, trong đó bạn chỉ được dùng 50 HKD vì 100 còn lại là tiền cược thẻ. Khi nào trả thẻ, bạn sẽ lấy lại số tiền đó. Theo tôi, khi mua thẻ, bạn hãy yêu cầu nhân viên nạp thêm 100 HKD để tiện đi lại trong 4 ngày.
Thẻ Octopus là loại thẻ dùng được cho tất cả các phương tiện như đã kể trên, trừ taxi. Từ sân bay Chek Lap Kok, bạn đi MTR về trung tâm mất khoảng 40 HKD.
Hãy chú ý xem bản đồ để biết khu vực mình ở chỗ nào để xuống trạm ở gần đó, rồi cuốc bộ về hostel. Nếu muốn có bản đồ, hãy lấy ở quầy bán thẻ MTR hoặc các quầy "information tourist".
Tất nhiên, đó không phải lựa chọn tối ưu trong thời công nghệ như hiện nay. Với một chiếc smart phone, du khách có thể mua một thẻ sim giá 79 HKD, và cả Hong Kong bỗng chốc thu nhỏ lại bằng chiếc điện thoại.
Khi đã có 3G, hoặc thậm chí là ngay cả khi chưa mua sim, bạn vẫn có thể dùng Wi-Fi miễn phí tại sân bay.
Hãy nghiên cứu bản đồ MTR của Hong Kong trên trang Travel China Guide (tìm phần Hong Kong/transportation/subway). Với 9 line tàu rất rõ ràng đến từng địa điểm cụ thể, bạn sẽ biết mình đi mấy chặng và xuống ở trạm nào. Nếu thấy khó khăn quá, hãy hỏi nhân viên tại nơi bán vé, họ sẽ nhiệt tình chỉ cho bạn.
MTR hoạt động đến gần 2h, và bus có những chuyến chạy thâu đêm. Bạn để ý ở các điểm dừng xe bus, nếu thấy có số hiệu chuyến xe nào mà bên cạnh có hình mặt trăng và con cú, đó là chuyến bus phục vụ đêm.
Tập thói quen đi bộ
Hãy mang trong hành trang một đôi giày thể thao, bởi ở Hong Kong, bạn có thể phải đi bộ rất nhiều. Bước chân ra đường, bạn sẽ ngay lập tức gặp cảnh tấp nập từ sáng sớm đến quá nửa đêm. Ai cũng hối hả đi lại, đặc biệt là các bến tàu điện ngầm và điểm dừng chờ xe bus.
Đường xá Hong Kong khá xiên xẹo và nhiều con hẻm thông luồn lách, nên việc đi bộ rất hợp lý. Nhưng bạn hãy nhớ mở Google Maps với phần chỉ dẫn cụ thể với nút "walk" để không lạc lối ở Hong Kong.
Cho dù bạn không đi bộ trên đường nhiều, việc mua sắm cũng làm cho bạn khá tốn sức, bởi các trung tâm thương mại rộng lớn và nằm liền kề. Khu Causewaybay với Times Squares là lớn nhất, bên cạnh còn Sogo và rất nhiều các khu mua sắm khác nữa.
Từ shopping mall này qua trung tâm khác cách nhau vài con phố nên tốt nhất là đi bộ. Chi phí mua sắm không nên tính vào chi phí chuyến đi, dù nếu đi đúng mùa thì hàng hoá cũng rất hấp dẫn với giá rẻ.
Trong trung tâm thương mại Times Squares. |
Về chuyện ăn uống, những con phố của Hong Kong khá giống Việt Nam, với các hàng quán nằm nhan nhản vỉa hè. Với hình ảnh món ăn và giá tiền được niêm yết trước cửa hàng, du khách dễ dàng chọn được món ăn mình muốn. Nếu ăn trên các đại lộ lớn như Hennessy, giá khoảng 30-40 HKD cho cả đồ ăn và thức uống. Nhưng nếu bạn chịu khó đi vào hẻm, giá sẽ rẻ đi được khoảng 1/3.
Và nhớ hãy luôn mang chai nước bạn nhận khi nhận phòng, bởi đi bộ nhiều, bạn sẽ rất khát nước. Mang theo chai nước 1 lít là rất phù hợp. Nếu hết, hãy giữ lại vỏ và tìm một điểm uống nước miễn phí tại các nơi công cộng để đổ đầy. Bạn sẽ tiết kiệm được ít nhất 6 HKD cho một chai nước.
Mì với thịt gà và thịt heo có giá 38 HKD, đầy đủ và no. |
Hãy tạm tính chi phí của chuyến đi đến thời điểm này. Ở phần 1, chúng ta còn 106 USD = 822 HKD. Tính từ khi đặt chân xuống sân bay, số tiền đã tiêu gồm: thẻ Octopus 250 HKD (trong đó 100 HKD sẽ lấy lại được) + 79 HKD (simcard). Vậy là còn 493 HKD.
Bạn có tin rằng với số tiền này đến khi kết thúc chuyến đi, bạn vẫn còn tiền để mua hàng miễn thuế tại sân bay, dù đã đi chơi ở khu Lan Quế Phường?
Phần 1:
Phần 3: