Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí kíp đi Hong Kong 4 ngày với 400 USD

Nếu khéo tính toán, bạn hoàn toàn có thể có một chuyến đi chất lượng, bao gồm cả chi phí vé máy bay, visa, ăn ở chứ không phải ngủ bờ ngủ bụi để rồi nhận "gạch đá".

Vé máy bay và khách sạn: 4 triệu đồng

Nếu bạn muốn đi du lịch rẻ, tiết kiệm, hãy lên chi tiết kế hoạch về thời gian, địa điểm đến, số tiền dành dụm được.

Việc lên kế hoạch chi tiết chỉ càng giúp bạn dễ xin nghỉ phép, hai ngày thứ 5 và thứ 6 cộng với cuối tuần là bạn sẽ có một chuyến đi Hong Kong (Trung Quốc) thỏa thích.

Để chuẩn bị cho chuyến đi vào tháng 12/2016, tôi bắt đầu săn vé máy bay giá rẻ từ tháng 5. 

Lúc đó, Vietjet Air chưa mở đường bay TP.HCM - Hong Kong, nên lựa chọn duy nhất là Vietnam Airlines. Tôi mua đúng đợt khuyến mãi, nên giá vé khứ hồi là 2,6 triệu.

Bây giờ các bạn có nhiều lựa chọn hơn với Jetstar và Vietjet Air. Mới đây, Jetstar đã mở chương trình khuyến mãi vé đi Hong Kong và vài điểm quốc tế trong năm 2017 với giá 11.000-88.000đ (chưa thuế phí sân bay).

Du lich gia re Hong Kong anh 1

Chuyến xuất ngoại cuối cùng trong năm 2016 của tôi.

Sau khi mua vé, việc tiếp theo là tìm nơi ăn ở. Hong Kong nổi tiếng là đô thị đắt đỏ trong khu vực châu Á và thế giới. Hãy so sánh sẽ thấy, nếu bạn thuê một phòng ở Hà Nội hay Sài Gòn với giá khoảng 500.000-700.0000 đồng sẽ được phòng thuộc loại khá - tốt, ở Hong Kong sẽ rơi vào khoảng từ 2,3-3,5 triệu đồng.

Vốn là một đô thị lớn nhưng diện tích lại nhỏ, những tòa nhà ở Hong Kong thường nhỏ hẹp mà cao. Khách sạn cũng được xây dựng theo những tiêu chuẩn như vậy, nên khá bất tiện vì chật chội. Thế nhưng, với những người du lịch một mình hoặc nhóm 2-3 người lại có kinh phí thấp, hostel là một lựa chọn tốt hơn.

Ngược lại với khách sạn, hostel nằm ở những khu vực khá trung tâm, chỗ ở không đến nỗi tệ, tuy không tiện ích bằng nhưng vẫn sạch sẽ, kín đáo và an toàn. Tôi chọn Hong Kong Hostel nằm trên đường Paterson trong khu Causewaybay, một khu khố sầm uất với nhiều trung tâm thương mại, với giá chỉ khoảng hơn 300.000 đồng một giường một đêm (chưa thuế và phí phục vụ). Như vậy, tiền ở cho hành trình 4 ngày của tôi hết gần 1,5 triệu đồng.

Du lich gia re Hong Kong anh 2
Nhà cao tầng dày đặc ở Hong Kong.

Nếu tổng ngân quỹ cho chuyến đi là 400 USD, lúc này tiền khách sạn và tiền phòng mới hết có 4 triệu, tức là chưa hết 200 USD. Giá quy đổi tại thời điểm tôi đi giữa tháng 12/2016 là 23.000 đồng = 1 USD.

Cửa ải khó: xin visa

Việc xin visa du lịch Hong Kong (Trung Quốc) với du khách Việt Nam khá khó khăn và vô chừng. Visa chỉ được cấp trước thời điểm khởi hành của du khách 3 ngày, và có khi bạn có visa trong tay chỉ trước chuyến đi đúng một ngày.

Tuy nhiên, thời gian cấp cũng tùy thuộc vào thời điểm trong năm. Nếu không phải mùa du lịch, bạn có thể nhận sớm hơn từ 7-10 ngày.

Vì vậy, nếu quyết định đi Hong Kong, bạn nên đặt vé máy bay sớm, đừng đặt vé khống.

Hãy hoàn thiện thật tốt hồ sơ xin visa, bởi thực ra hồ sơ của Hong Kong cũng thuộc loại dễ làm. Chỉ cần hợp đồng lao động, sao kê tài khoản ngân hàng, hộ khẩu (hoặc KT3), vé máy bay, hộ chiếu là bạn có thể xin được visa rồi.

Visa du lịch Hong Kong được cấp từ hai đầu mối, một là Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và TP.HCM, hai là bạn có thể nộp tại Cục Di dân Hong Kong. Visa cũng được cấp nhiều loại, từ single (một lần xuất nhập - thường cấp cho khách du lịch với thời hạn 7 ngày), multi (đi lại nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định), visa thương mại... Màu sắc, hình dáng của hai loại visa được cấp do hai nơi cũng khác nhau.

Được một người bạn giới thiệu, tôi chọn dịch vụ xin visa Hong Kong có cái tên khá ngộ nghĩnh: Hà Mã. Hồ sơ của tôi sẽ được gửi trực tiếp đến Cục Di dân Hong Kong và khi được cấp, bạn sẽ nhận được một chiếc tem visa. Chỉ cần bóc và dán vào hộ chiếu là lên đường.

Cách này rất tiện dụng. Bạn chỉ cần scan hồ sơ và gửi gửi qua email. Việc dịch các văn bản cũng không khó. Họp đồng lao động đã có văn bản mẫu song ngữ. Bạn có thể tìm kiếm trên Internet.

Với sao kê tài khoản ngân hàng, hãy sử dụng dịch vụ ngân hàng online, chọn mục Tiếng Anh và xuất file dạng Excel, sau đó convert sang file JPG là bạn đã xong hồ sơ cùng các giấy tờ tùy thân.

Trong quá trình xin, nếu có sai phạm nào, bên cấp sẽ liên lạc để bạn bổ sung, nhưng thường là không có. Nếu du khách từng đi du lịch khắp nơi thì nên chụp hoặc scan lại những trang có visa của các quốc gia khác đính kèm vào hồ sơ, sẽ có sức nặng hơn. Đừng quên cung cấp code book khách sạn qua Agoda để đơn vị cấp visa thấy rằng bạn chỉ đi du lịch.

Với chi phí từ 90 USD một người cho khách đoàn từ 3 người và 120 USD cho khách lẻ, phí visa Hong Kong khá đắt đỏ. Nhưng nếu không muốn bỏ phí toàn bộ vé máy bay và tiền book khách sạn, việc "nghiến răng" cũng đáng.

Sự tiện ích của việc chỉ làm hồ sơ qua email cũng là một điểm cộng. Bạn sẽ bớt được thời gian mang hồ sơ đi photo rồi chạy đến nộp, rồi đợi chờ để bổ sung, trong khi công việc hàng ngày không có thời gian để thoải mái với những điều vụn vặt đầy khó chịu như vậy.

Du lich gia re Hong Kong anh 3

Times Square, trung tâm thương mại lớn nhất của Hong Kong.

Lúc này, tôi đã chi 294 USD cho "ngân sách" 400 USD, chỉ còn lại 106 USD để hưởng thụ. Bạn có tin số tiền đó đủ cho 4 ngày tại Hong Kong đắt đỏ? Hãy đón đọc kỳ 2 để có câu trả lời.

Phần 2: 

Chi tiêu ở Hong Kong: Nếu biết cách, giá cả không hề đắt

Nghĩ đến Hong Kong là nghĩ đến đô thị sầm uất bậc nhất thế giới, mức sống cao và chi tiêu tốn kém. Nhưng nếu biết cách, bạn có thể tận hưởng đô thị này với giá rất rẻ.

Phần 3: 

Chợ và chùa - đặc sản của Hong Kong

Nếu nhìn vào các sách hướng dẫn hoặc đi theo đoàn, du khách đều đến những điểm mà ai dù chưa đến Hong Kong cũng biết. Hãy chọn những "đặc sản" khác của Hong Kong.

Du Miên

Bạn có thể quan tâm