Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến sáng 25/4, Việt Nam ghi nhận 5 bệnh nhân tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh. Trước đó, các trường hợp này đều có 2-3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Các chuyên gia về truyền nhiễm cho rằng có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích vấn đề này bao gồm: Virus được kích hoạt trở lại, xác virus chưa được đào thải hoàn toàn, người lành mang trùng và kỹ thuật xét nghiệm.
Vì sao bệnh nhân tái dương tính?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết một số người bị nhiễm virus khi hết bệnh đa số thành người bình thường, không còn khả năng phát tán virus. Một số nhỏ có thể chuyển sang người lành mang trùng, không triệu chứng nhưng mang virus trong người.
“Trường hợp này trong y văn có ghi nhận, nghĩa là sau khi hết bệnh, họ chưa đẩy hết virus ra ngoài và trở thành người mang trùng. Ngoài ra, cũng có thể là do xác virus còn tồn đọng trong cơ thể”, bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Khanh cho biết người lành mang trùng không có triệu chứng hoặc đã hết triệu chứng nhưng vẫn còn chứa virus trong mũi, họng. Về mức độ phát tán của virus ra ngoài, chuyên gia này nhận định cần phải có thời gian nghiên cứu thêm nhưng khả năng lây nhiễm cho người khác là có.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng bệnh nhân tái dương tính có thể là người lành mang trùng hoặc xác virus còn tìm thấy trong mẫu bệnh phẩm. Ảnh: Phạm Thắng. |
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết mới đây, chúng ta ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân dương tính trở lại sau khi điều trị khỏi bệnh. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác cũng ghi nhận những trường hợp tương tự. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tìm hiểu thêm trước khi đưa ra câu trả lời chắc chắn.
Nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích vấn đề này như sai lầm trong thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, sai lầm trong quá trình xét nghiệm, bệnh nhân bị tái phát hay tái nhiễm bệnh.
“Bản thân tôi nghiêng theo giả thuyết sau: RT-PCR là một xét nghiệm đáng tin cậy nhất hiện nay để xác định bệnh. Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ dùng để phát hiện đoạn gene của virus mà hoàn toàn không có khả năng xác định được virus còn sống hay đã chết. Vì vậy, nếu ở những bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng trong dịch đường hô hấp vẫn còn chứa xác của virus, khi xét nghiệm vẫn còn có thể dương tính”, TS Hùng nói.
Ngoài ra, chuyên gia này cho biết hiện tượng tái dương tính có thể là do sự hoạt động trở lại của lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể người bệnh.
Có thể virus trong quá trình điều trị chưa hết hoàn toàn mà vẫn còn tồn động trong các tế bào những không đủ để gây bệnh nữa. Có thể sau khi hồi phục, hệ miễn dịch của bệnh nhân không đủ chống lại virus nên chúng kích hoạt trở lại.
Một giả thuyết khác có thể do sự phát triển của virus SARS-CoV-2. Có thể chúng có khả năng tồn tại trong trạng thái "ngủ" trong cơ thể và được kích hoạt trở lại. Vấn đề này hiện tại chưa có nghiên cứu cụ thể.
Cùng bàn về vấn đề này, một chuyên gia có kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm cho rằng hiện tại chưa có đủ thông tin để đưa ra kết luận về nguyên nhân của hiện tượng tái dương tính.
“Bệnh nhân có thể tái phát, có thể tái nhiễm hoặc chưa hoàn toàn âm tính, bởi hiện tượng 1-2 lần âm tính rồi dương tính trở lại khá phổ biến. Ngoài ra, một nguyên nhân khác có thể là kỹ thuật xét nghiệm kém nhạy. Vấn đề này khá tế nhị nhưng có xảy ra trong thực tế”, vị chuyên gia nói.
Bệnh nhân tái dương tính có lây cho người khác?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng nhận định việc một người đã âm tính với SARS-CoV-2 sau đó lại dương tính có nhiều yếu tố.
Ông nhận định có thể người đó chưa khỏi bệnh, chưa hết virus hoặc việc lấy mẫu có đạt chuẩn 100% không. Điều đó phụ thuộc vào việc vận chuyển đi lại về nơi xét nghiệm, kỷ luật của từng cá nhân, đặc biệt trong quá trình lấy mẫu.
Chuyên gia cho biết khả năng người bệnh sau khi được điều trị, 3 lần âm tính lại dương tính là rất ít. Trong trường hợp có xảy ra, tải lượng virus để lây cho người khác cũng rất thấp.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết khả năng người bệnh sau khi được điều trị, 3 lần âm tính lại dương tính là rất ít. Ảnh: Việt Hùng. |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định dịch Covid-19 tại nước ta đang ngày càng có nhiều sắc thái. Sáng 25/4, chúng ta ghi nhân thêm một số trường hợp bệnh nhân tái dương tính. Điều này chứng tỏ ngành y tế rất minh bạch, công khai cho người dân nắm được tình hình.
“Trước đó, Việt Nam ghi nhận trường hợp đầu tiên tái dương tính là bệnh nhân số 22. Tôi cũng hồi hộp chờ kết quả của những người tiếp xúc, may mắn là tất cả đều âm tính. Hiện tại, chúng ta tiếp tục chờ F1 của các bệnh nhân tái dương tính vừa công bố. Nếu tất cả đều âm tính, có thể bệnh nhân này là người lành mang trùng, tải lượng virus quá ít nên không lây lan”, BS Khanh nói.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên tìm hiểu những tác nhân khác gây triệu chứng cho bệnh nhân tái dương tính. Khi xét nghiệm tìm thấy virus trong mẫu bệnh phẩm, có thể đếm tải lượng virus. Nếu tải lượng virus đủ lớn thì mới có thể lây lan cho người khác được.
“Bệnh nhân số 22 và số 188 chưa ghi nhận lây cho người tiếp xúc. Có thể bệnh nhân tái dương tính không có khả năng lây bệnh cho người khác, nhưng không loại trừ trường hợp người dân hiện nay đã có ý thức phòng ngừa nên không lây nhiễm bệnh”, bác sĩ Khanh nói.
“Về khả năng lây nhiễm của những người tái dương tính, thế giới cũng chưa công bố. Do đó, không cách nào khác chúng ta phải chờ kết quả của những người tiếp xúc gần với người tái dương tính trở lại và tự phòng hộ cá nhân”.
Đồng quan điểm, TS Lê Quốc Hùng cho rằng điều chúng ta cần làm hiện nay là phải theo dõi những bệnh nhân dương tính sau khi điều trị là họ có phát bệnh trở lại hay không? Những người tiếp xúc gần với người bệnh có bị lây bệnh hay không? Nếu không bị phát bệnh lại hay không truyền bệnh cho người khác thì có dương tính cũng không đáng ngại.
Người khỏi bệnh cần tự cách ly thêm 14 ngày và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, theo dõi. Ảnh: Việt Linh. |
Quản lý chặt người khỏi bệnh
Bác sĩ Khanh cho rằng với hiện tượng tái dương tính, việc phòng ngừa của người dân phải chặt chẽ hơn.
“Chúng ta phải đề phòng người hết bệnh, đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Bởi họ có thể chuyển sang người lành mang trùng. Ngoài ra, sau khi xuất viện, người khỏi bệnh vẫn là phải tuân thủ phòng hộ cá nhân, mang khẩu trang, rửa tay, che giọt bắn và hạn chế tiếp xúc với người khác nhất là người có nguy cơ”, bác sĩ Khanh nhận định.
Đồng quan điểm, TS Hùng cho biết tới hiện nay chúng ta vẫn chưa hiểu rõ bản chất của hiện tượng dương tính lại. Do vậy, những bệnh nhân này và người tiếp xúc gần với họ vẫn cần phải được cách ly và theo dõi.
Ông cho biết hiện nay, TP.HCM triển khai lấy lấy mẫu bệnh phẩm ngày thứ 5 và thứ 10 sau xuất viện cũng là phương pháp tốt để chúng ta kiểm tra virus còn trong cơ thể người bệnh hay không. Đây là phương pháp cần thiết thực hiện để theo dõi và kịp thời phát hiện người dương tính sau điều trị.
Trước đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, bệnh viện được phân công điều trị Covid-19, đề nghị theo dõi, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho người mắc COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các đơn vị trên thực hiện ngay việc tiếp tục chỉ đạo mạng lưới y tế trên địa bàn để kiểm tra, quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe của người mắc Covid-19 sau khi được công bố khỏi bệnh.
Khi kết thúc 14 ngày cách ly của người bệnh kể từ ngày công bố khỏi bệnh, bệnh viện đã điều trị người bệnh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương, cơ quan y tế và đơn vị liên quan nơi người bệnh cư trú tiến hành làm lại xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho người bệnh (bằng kỹ thuật RT-PRC).