Bộ GD&ĐT cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra từ ngày 25/6 đến 27/6 với mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Cả nước có hơn 887.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019 tại 1.980 điểm. Gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 trường đại học, học viện, cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp báo. Ảnh: Việt Linh. |
79 thí sinh vi phạm quy chế thi
Sau môn thi cuối cùng diễn ra sáng 27/6, Bộ GD&ĐT cho hay kỷ cương trường thi được tăng cường, duy trì nghiêm kỷ luật phòng thi, không còn hiện tượng phao thi. Người vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo nghiêm minh.
Đến nay, Bộ GD&ĐT chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 4 bị khiển trách.
Bộ GD&ĐT cũng thông tin một số sai sót đã xảy ra như phát nhầm đề thi cho thí sinh, in sao thiếu đề thi dẫn đến các em phải làm bài muộn so với quy định. Hội đồng thi đã xử lý bằng cách bù thời gian làm bài để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Tại Lào Cai, cán bộ coi thi ký nhầm tên vào ô chấm thi. Khi 3 thí sinh đang làm bài, nhầm lẫn mới được phát hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của các em. Bộ GD&ĐT đã đình chỉ công tác coi thi của hai giám thị, động viên 3 thí sinh. Chiều 27/6, các em đã thi lại môn Ngữ văn bằng đề dự bị.
Kỳ thi năm nay xuất hiện một số trường hợp thí sinh đặc biệt, như bị tai nạn, bỏ thi vì cha đâm mẹ... Ông Mai Văn Trinh cho biết quy chế đã quy định việc xét đặc cách tốt nghiệp. Các hội đồng thi căn cứ vào đó xử lý sao cho đảm bảo quy chế và tính nhân văn.
Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - một phòng thi tại Sơn La có thí sinh ghi số báo danh không đúng vào bài làm môn Ngữ văn. Cán bộ xử lý chưa linh hoạt, yêu cầu học sinh làm lại bài.
Ban chỉ đạo thi quốc gia đã đình chỉ hai cán bộ coi thi, đồng thời làm công tác tư tưởng để thí sinh thi lại bằng đề dự bị.
“Chúng ta luôn đặt quyền lợi của thí sinh lên trên quyền lợi cán bộ coi thi”, ông Trinh nhấn mạnh.
Trước thắc mắc về việc báo cáo sau ngày thi của Bộ GD&ĐT không nhắc đến 4 trường hợp ở Lào Cai, Sơn La, ông Mai Văn Trinh giải thích sự việc được phát hiện cuối ngày, không phải ngay sau khi kết thúc môn thi. Trong khi đó, báo cáo nhanh được thực hiện ngay sau buổi thi. Ông khẳng định việc xử lý tuân theo đúng quy chế.
Đề thi 2019 dễ hơn 2018 để đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp?
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về việc đề thi năm 2019 được cho là dễ hơn năm ngoái do công thức tính điểm tốt nghiệp có sự thay đổi (70% điểm thi THPT quốc gia) nhằm đảm bảo tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, ông Mai Văn Trinh nói không phải như vậy.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng phải quay về bản chất của đề thi THPT quốc gia. Trước kia, nước ta có hai kỳ thi riêng biệt. Kỳ thi THPT quốc gia không phải phép cộng cơ học, mà đánh giá kết quả 12 năm học, xét tốt nghiệp và làm cơ sở để tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Kỳ thi này còn tin cậy, các trường đại học còn sử dụng kết quả để tuyển sinh. Ngoài ra, các trường đại học tự chủ có thể tổ chức kỳ thi riêng.
Đề thi gồm nhóm câu hỏi cơ bản phục vụ đa số thí sinh và nhóm câu hỏi phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Việc so sánh đề của Khoa học Xã hội dễ hơn Khoa học Tự nhiên không cùng hệ quy chiếu.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định với 6 cán bộ coi thi vi phạm quy chế, đình chỉ chỉ là giải pháp xử lý tức thời. Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xem xét trách nhiệm cá nhân, xử lý thích đáng. Ảnh: Việt Linh. |
Bộ GD&ĐT sẽ thanh tra chấm thi ở 63 tỉnh, thành
Bộ GD&ĐT cho biết thời gian tới sẽ thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi. Trong đó, các bài đạt điểm cao được chọn để chấm kiểm tra.
Theo ông Mai Văn Trinh, việc chấm thi tự luận sẽ được thực hiện nghiêm túc, với hai vòng độc lập, có camera an ninh. Trong quá trình nhập kết quả chấm Ngữ văn hai vòng độc lập, phần mềm sẽ đối sánh để phát hiện sai lệch, nếu có.
Với môn thi trắc nghiệm, đáp án được mã hóa. Bộ GD&ĐT chưa công bố đáp án ngay sau khi kỳ thi kết thúc cũng nhằm hạn chế tiêu cực ở khâu chấm thi. Trách nhiệm lớn sẽ thuộc về các trường đại học.
Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở tất cả 63 hội đồng thi trong cả nước, đồng thời tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không để xảy ra tình trạng nghẽn mạng.
Quang cảnh buổi họp báo chiều 27/6 tại trụ sở Bộ GD&ĐT ở Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
Nói thêm về công tác thanh tra của kỳ thi năm nay, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT - cho biết bộ đã thành lập các đoàn đến 63 hội đồng thi, với số lượng nhiều hơn năm ngoái.
Ngoài hai cán bộ từ trường đại học, đoàn có thêm một chánh thanh tra hoặc phó chánh thanh tra từ sở giáo dục, nhưng không được làm việc tại địa phương mình công tác.
Như vậy, mỗi hội đồng sẽ có 3 cán bộ thanh tra. Bộ sẽ giám sát để đảm bảo đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc.