Nguyễn Huy Hoàng, phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP HCM
Đạt 270 điểm ở quý IV, Huy Hoàng xuất sắc giành tấm vé bước vào trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15. Chàng trai hiện là niềm tự hào của thầy cô, bạn bè...
Huy Hoàng cho hay, cậu có niềm đam mê đặc biệt với Toán học. Những năm tiểu học, chàng trai khiến mọi người khâm phục khi có khả năng tính nhẩm nhanh, thích khám phá quy luật số học. Đến năm lớp 7, cậu đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi Toán. Đó cũng là cột mốc để Hoàng có thể chinh phục những giải thưởng cao hơn về sau.
Huy Hoàng là nhà leo núi cuối cùng giành quyền tham dự trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2015. |
Theo chàng trai sinh năm 1997, Toán là môn học đầy thú vị và tư duy. Do đó, cậu thường giải một bài toán khó ở nhiều góc độ và cách triển khai khác nhau.
“Mình không có khái niệm sẽ bỏ cuộc nếu gặp bài tập khó. Toán học cũng là một ngôn ngữ. Nhiều người suy nghĩ Toán rất khô khan, quy tắc… nhưng với mình, nó hấp dẫn và cho người học nhiều cảm xúc. Khi giải xong một câu khó, mình cảm thấy như vừa chinh phục được thử thách trong cuộc sống” - cậu chia sẻ.
Đánh giá về các đối thủ còn lại tại trận chung kết, Huy Hoàng cho biết, cậu không đặt nặng vấn đề tâm lý. Với Hoàng, bạn nào cũng giỏi và có sở trường khác nhau.
"Vì vậy, mình đang cố gắng chuẩn bị cho mình tinh thần thoải mái và đủ tỉnh táo để làm nên kỳ tích. Mình tin rằng, sự tự tin là một trong những yếu tố tạo nên thành công. Mình sẽ không để mất bình tĩnh ở bất cứ thời điểm nào. Trong cuộc thi, không ai nói trước được điều gì nhưng với thế mạnh là môn Toán, mình sẽ cố gắng hết sức để có thể làm được điều mình mong muốn” - Huy Hoàng bày tỏ.
Tương lai, 9X dự định đi du học. Cậu ước mơ có thể khám phám, đặt chân lên nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, Hoàng cũng muốn làm một công việc liên quan đến sở trường Toán học và thử sức ở các lĩnh vực khác như Xã hội học.
Huỳnh Anh Nhật Trường, THPT chuyên Trần Hưng Đạo (Bình Thuận)Với 300 điểm giành được ở quý II, Huỳnh Anh Nhật Trường (sinh năm 1997, THPT chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận) là người đầu tiên mang cầu truyền hình trực tiếp chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 15 về trường.
Huỳnh Anh Nhật Trường lần đầu mang cầu trực tiếp Đường lên đỉnh Olympia về trường. |
Đồng hành với Nhật Trường ra Hà Nội tham dự cuộc thi là dì ruột Nguyễn Thị Kim Chi (sinh năm 1968). "Bố mẹ Trường ở đầu cầu Bình Thuận. Ngày xưa khi xem chương trình Đường lên đỉnh Olympia, tôi ước mơ con mình có ngày tham dự cuộc thi. Nay cháu có cơ hội thể hiện tài năng, tôi rất hãnh diện và như phần nào thỏa mãn ước nguyện" - cô Chi chia sẻ.
Về thành tích học tập, suốt 12 năm liền, Nhật Trường đều là học sinh giỏi. Khi học cấp 3, do từ nhà đến trường cách 70 km nên cậu phải thuê chỗ trọ và tự lập mọi thứ.
Nói về các đối thủ còn lại, Trường chia sẻ: "Huy Hoàng là người có tư duy tốt và phong thái tự tin. Viết Đức có thế mạnh ở tất cả các vòng. Trong khi đó, Ngọc Vũ lại nắm chắc kiến thức phổ thông".
Trước các đối đáng gờm, Nhật Trường không tránh khỏi lo lắng khi tự nhận vòng Tăng tốc là điểm yếu của mình. Sau khi kết thúc kỳ thi quý II, 9X không ngừng học tập và bồi đắp kiến thức của bản thân. Chuẩn bị cho trận chung kết sắp tới, chàng trai 18 tuổi bày tỏ: "Em nghĩ sức khỏe, sự tự tin và tâm thế thật thoải mái là điều cần thiết nhất".
Nguyễn Cao Ngọc Vũ, THPT Kim Sơn A (Ninh Bình)
Chàng trai sinh năm 1997 đến từ Ninh Bình là gương mặt tiếp theo lọt vào top 4 chung kết năm chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 15.
Trong suốt 12 năm học phổ thông, Vũ đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc của trường. Cậu còn dành được rất nhiều giải thưởng từ những cuộc thi như huy chương vàng môn Toán Olympic Quốc Gia, huy chương vàng giải Toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia, giải nhì cuộc thi học sinh giỏi Toán tỉnh Ninh Bình…
Nguyễn Cao Ngọc Vũ đã sẳn sàng chinh phục đỉnh Olympia. |
Ngọc Vũ cho biết, cậu đã chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc so tài để tìm ra nhà vô địch. Trong các môn học, Vũ đặc biệt tự tin với môn Toán và Hóa. Ngược lại, cậu khá lo lắng về môn Sử và Văn.
“Trong 4 vòng thi, mình đặt niềm tin cao nhất vào vòng Tăng tốc. Hy vọng với kiến thức đã học tập và trau dồi suốt thời gian qua, mình sẽ dành điểm số cao trong vòng thi này” - 9X chia sẻ.
Nhận xét về 3 đối thủ, Ngọc Vũ coi thí sinh Nhật Trường sẽ là đối thủ nặng ký nhất của cậu trong cuộc thi. Tuy nhiên, hai chàng trai còn lại cũng có những thế mạnh riêng. Ngọc Vũ hy vọng, may mắn sẽ mỉm cười với mình trong trận chung kết sắp tới.
Văn Viết Đức, THPT Thị xã Quảng Trị
Từng đạt 360 điểm tại cuộc thi tuần, 210 điểm thi tháng và 225 điểm trong cuộc thi quý, Văn Viết Đức trở thành thí sinh đầu tiên mang cầu truyền hình trực tiếp của chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2015 về trường THPT thị xã Quảng Trị.
Viết Đức sinh ra trong gia đình có bố là cán bộ kiểm lâm, mẹ làm giáo viên tiểu học. Thế mạnh của Đức là Toán, Địa, Sử. Cậu được các thí sinh khác đánh giá cao bởi khả năng nhạy bén, làm chủ mọi tình huống.
Văn Viết Đức đến từ Quảng Trị. |
Chàng trai đến từ Quảng Trị cho biết: “Phần thi quan trọng nhất, quyết định chiến thắng là Vượt chướng ngại vật và Tăng tốc. Các thí sinh cần bình tĩnh, dứt khoát, mới có cơ hội lấy hết điểm để bứt phá trong hai phần thi này".
Hành trang của Viết Đức mang đến trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2015 chính là những lời chúc tốt đẹp của gia đình, bạn bè và thầy cô. Đó là động lực lớn nhất giúp anh tự tin mang vinh quang về cho quê hương.
Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2015 sẽ được THTT trên kênh VTV3 vào 9h30 Chủ nhật (16/8).