Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

4 vợ chồng ở TP.HCM, Hà Nội chia sẻ quá trình có căn nhà đầu tiên

Lương Hiếu được bố mẹ tặng chung cư khi thông báo cưới vợ, Thanh Ngọc và chồng chưa vội mua nhà để dành tiền đầu tư, Ngọc Trân thường xuyên thay đổi không gian sống sau 3-4 năm.

Vo chong tre mua nha anh 1

Căn nhà đầu tiên mang ý nghĩa lớn đối với các cặp vợ chồng trẻ, đánh dấu bước ngoặt khi bắt đầu hành trình mới hay cuộc sống độc lập như một gia đình.

Trong khi nhiều người được bố mẹ tặng hoặc hỗ trợ một phần chi phí mua nhà, số khác phấn đấu nhiều năm với kế hoạch tài chính kỹ càng để có nơi thoải mái trở về sau những lo toan, bộn bề bên ngoài.

Zing chia sẻ câu chuyện của 4 gia đình, ở nhiều độ tuổi khác nhau, để tìm hiểu về quá trình sở hữu căn nhà đầu tiên, cũng như ý nghĩa của tổ ấm riêng đối với họ.

Bố mẹ tặng nhà để lấy vợ
Lương Hiếu - Thanh Huyền (24 tuổi, Hà Nội)

Vo chong tre mua nha anh 2

Lương Hiếu - Thanh Huyền sẽ kết hôn trong năm 2023. Họ được bố mẹ chồng tặng căn nhà như là quà cưới.

Năm 2022, khi thông báo cho gia đình về chuyện kết hôn, tôi được bố mẹ và anh chị ủng hộ. Mọi người lập tức bắt tay vào chuẩn bị cho đám cưới, trong đó có tìm mua một căn hộ chung cư.

Đó cũng là món quà cưới bố mẹ dành cho vợ chồng tôi.

Trước đấy, cả nhà cũng xác định khi tôi lấy vợ sẽ ra ở riêng vì đang sống chung khá đông người.

Tiêu chí tìm nhà là gần bố mẹ, giá khoảng 3-4 tỷ đồng, có 2-3 phòng ngủ. Cuối cùng, chúng tôi chọn được căn hộ giá 3,6 tỷ đồng với đầy đủ nội thất chỉ sau 2 tuần.

Tôi không cần sửa sang lại nhiều vì chủ nhà trước đã bài trí đồ đạc khá hợp lý. Chúng tôi chỉ cần bổ sung một số vật dụng cá nhân.

Với vợ chồng tôi, việc được gia đình hỗ trợ tiền để mua nhà sẽ là bước đệm để hai đứa có thể tập trung ổn định cho cuộc sống mới và chuẩn bị có em bé sau này.

Điều này cũng giảm bớt áp lực kiếm tiền bởi chúng tôi vừa tốt nghiệp đại học, với mức lương hiện tại, tôi nghĩ khoảng 10-15 năm nữa mới có thể mua được nhà.

Dùng tiền mua nhà để đầu tư
Thanh Ngọc (29 tuổi) - Hoàng Huy (33 tuổi, Hà Nội)

Sau khi kết hôn vào năm 2018, vợ chồng tôi sống tại nhà của bố mẹ chồng. Lúc đó, ông bà sinh sống ở nước ngoài nên chúng tôi khá thoải mái, tự do.

Tôi thấy may mắn khi thời gian đầu chưa phải lo chuyện nhà cửa, hai đứa có điều kiện sắp xếp công việc cũng như tài chính, chuẩn bị mọi thứ tốt nhất cho việc sinh em bé.

Một năm sau, khi bố mẹ về nước, tôi và chồng quyết định ra ở riêng. Thực ra, chúng tôi vẫn có thể ở cùng ông bà. Tuy nhiên, hai đứa muốn độc lập hơn nên tính mua một căn hộ, ưu tiên ở gần nhà nội để tiện đi lại.

Ban đầu, vợ chồng tôi dự định mua nhà với số tiền tiết kiệm và bố mẹ hỗ trợ thêm. Song khi tính toán lại, một phần vì chưa tìm được căn nào ưng ý, một phần đang cần vốn để đầu tư, kinh doanh nên hai đứa quyết định chưa mua nhà ngay.

Vo chong tre mua nha anh 3

Dù đã có đủ tiền mua nhà, vợ chồng Thanh Ngọc quyết định ở thuê để tiếp tục tìm căn hộ ưng ý.

Thời gian này bùng dịch Covid-19 nên tôi tìm được căn hộ đúng tiêu chí: đầy đủ nội thất, có sân chơi trẻ em, gần trường học, siêu thị với giá thuê 11 triệu đồng/tháng.

So với thu nhập của hai vợ chồng cũng như mặt bằng chung của các cặp đôi khác, số tiền chi cho việc thuê nhà tương đối cao. Tuy nhiên, nhờ có khoản tiền bố mẹ hỗ trợ và lãi đầu tư, chúng tôi cũng “gánh” được một nửa tiền nhà.

Sau đó, vợ chồng tôi chuyển nhà thêm 2 lần vì giá tăng sau mỗi đợt hết hợp đồng. Điều này đồng nghĩa với việc tôi phải thuê nhà xa trung tâm hơn để có mức giá hợp lý.

Việc đi thuê nhà và thay đổi nơi ở với tôi không làm xáo trộn cuộc sống. Ngược lại, nó giúp tôi có cơ hội trải nghiệm sống ở nhiều nơi để chuẩn bị cho việc mua nhà sau này.

Đổi nhà liên tục vì thích mới mẻ
Lê Ngọc Trân (quận 2, TP.HCM)

Tôi kinh doanh về thi công cảnh quan, còn chồng là kiến trúc sư. Tháng 8/2022, chúng tôi vừa hoàn thiện căn nhà mới với chi phí hơn 3 tỷ đồng.

Bên cạnh công việc chính, tôi còn kinh doanh bất động sản nên thường làm nhà thật đẹp, có gu nhất định rồi bán khi được giá. Do đó, đây không phải căn nhà đầu tiên, mà là thứ 4 vợ chồng tôi cùng dựng nên.

Khi mới cưới, chồng tôi có sẵn căn hộ chung cư. Sau 4-5 năm, hai đứa mới chính thức mua được nhà chung về ở. Chúng tôi may mắn có gia đình hỗ trợ ban đầu, nhưng từ nền móng đó, cả hai sẽ phát triển thêm nhờ việc đầu tư, giống như bố mẹ cho 10 đồng, mình sẽ làm ra 30-40 đồng.

Vợ chồng tôi thích ở nhà đẹp, nhưng không muốn cố định một chỗ quá lâu. Bởi vậy, cứ sau 3-4 năm, chúng tôi lại chuyển nhà để phù hợp với nhu cầu ở từng thời điểm. Tổng cộng, chúng tôi có 8 lần thay đổi nơi ở trong 11 năm kết hôn.

Vo chong tre mua nha anh 4

Căn nhà hiện tại có diện tích chỉ 4x20 m, nhưng các con tôi thích bơi lội nên chồng vẫn dành chỗ để xây bể bơi.

Ngoài ra, ưu tiên của chúng tôi là có không gian thư giãn sau một ngày bận rộn bên ngoài. Chồng tôi đưa những vật liệu như tre và cỏ cây, hoa lá nhiều nhất có thể vào nhà. Mỗi phòng ngủ đều có cửa sổ với rèm cây xanh mát, tông màu chủ đạo cũng dùng màu nhạt để hài hòa với sự tối giản, nhưng vẫn sang trọng và tinh tế.

Theo quan điểm của tôi, vợ chồng mới cưới hoặc dưới 30 tuổi, có con nhỏ không nhất thiết phải ở nhà phố. Khi đó, chung cư là lựa chọn phù hợp hơn. Với mức giá 1,5-3 tỷ đồng, cả nhà vẫn được sử dụng một số dịch vụ chung như sân bãi, bể bơi, phòng gym, mà ở nhà phố có thể khó có điều kiện xây.

Thậm chí, nếu chưa đủ tiền mua chung cư, các cặp đôi trẻ cũng có thể ở nhà thuê, tập trung phát triển sự nghiệp. Tới năm 35-40 tuổi, hoặc khi con cái đã lớn, họ mới cần có căn nhà để an cư lạc nghiệp, vững vàng.

Bên cạnh nơi ở chính, vợ chồng tôi đang thực hiện được 50% kế hoạch về căn nhà thứ 2 để thư giãn cuối tuần và mời bạn bè về chơi. Đó nên là địa điểm nằm không quá xa với nhà chính, không mất công đi lại hay tốn kém chi phí thuê người chăm sóc thường xuyên.


Xây nhà mới sau 13 năm
Song Anh (quận 3, TP.HCM)

Vợ chồng tôi sống riêng ngay từ lúc mới cưới, ở căn nhà của bà ngoại chồng để lại. Ba mẹ hai bên đều ở xa.

Vừa không mất tiền đi thuê nhà, lại có khoản còn dư, hai đứa quyết định mua mảnh đất ở Biên Hòa (Đồng Nai) để dành cho sau này.

Vợ chồng tôi hiếm muộn, quá trình tìm con hết 8 năm, bao nhiêu tiền nong đều đổ vào bệnh viện. Đến khi con trai 5,5 tuổi và cần phòng riêng, chúng tôi mới quyết định xây nhà.

Tôi từng có công việc ổn định, từ năm 2020 nghỉ ở nhà chăm con và kinh doanh online, chồng làm bên điện nên cũng có chút để dành. Hai đứa hùn với nhỏ em mua nhà ở Long An, sau 4 năm bán chia đôi thì có tiền làm nhà mới, cộng thêm bên nội cho và đi vay thêm.

Sau khi tổ ấm hoàn thành với nhiều công sức và tâm huyết của hai vợ chồng với tổng chi phí 1,2 tỷ đồng, chúng tôi còn nợ 150 triệu đồng. Nhưng cũng nhờ vậy, tình cảm gia đình gắn kết hơn vì cùng nhau “cày” trả nợ.

Tôi và chồng đều thích không gian xanh nên chi 50 triệu đồng để mua cây cối, hoa lá trồng quanh nhà. Nhờ đó, không cần phải về quê, chúng tôi cũng có thể trồng cây và nuôi cá tại không gian chật hẹp trong thành phố.

Phải đến lúc này, vợ chồng tôi mới thực sự cảm thấy có căn nhà của riêng mình khi tự tay lên ý tưởng xây dựng, thiết kế và chăm chút từng góc nhỏ.

Thời gian tới, chúng tôi cố gắng trả hết nợ căn nhà đầu tiên và chuẩn bị cho căn nhà thứ 2 ở Biên Hòa để sau này về già, sống đời điền viên.

Áp lực khi chuẩn bị cưới như deadline treo trên đầu

Bên cạnh tâm trạng háo hức, không ít người trẻ sắp tổ chức hôn lễ không tránh khỏi cảm giác lo lắng, hồi hộp, áp lực khi có quá nhiều thứ cần tính toán và lo liệu.

Các nhà sách đang trở lại

Sau đại dịch, nhiều khách hàng chán ngấy thời gian phải giải trí trên màn hình và tìm đến mua sách ở cửa hàng theo cách truyền thống. Với cửa hàng mới, không gian sẽ được phân chia, có khu vực đọc sách và nơi bán nước giải khát, cà phê. Riêng tại Mỹ, trong năm qua, hơn 300 hiệu sách độc lập mới mọc lên khắp cả nước, trong một sự hồi sinh đáng ngạc nhiên và đáng hoan nghênh sau thời kỳ đầu suy thoái do đại dịch.

Cac co dau 'sieu thi' hinh anh

Các cô dâu 'siêu thị'

0

Chuỗi siêu thị giá rẻ Costco bỗng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những cặp vợ chồng Mỹ muốn tiết kiệm vài nghìn USD tiền tổ chức đám cưới.

Deo nhan du chua cuoi hinh anh

Đeo nhẫn dù chưa cưới

0

Nhiều cặp đôi Hàn Quốc xem việc đeo nhẫn đôi như cách đánh dấu cột mốc tình cảm, tuyên bố tình trạng hẹn hò của bản thân hay đơn giản là món quà tặng người yêu.

Thiên Nhi - Hải Phong

Bạn có thể quan tâm