Thành lập từ năm 1993 với nhiệm vụ chuyển thể các nhân vật truyện tranh lên màn ảnh, nhưng phải mãi tới năm 2008, Marvel Studios mới cho ra mắt sản phẩm đầu tiên do tự mình sản xuất: Iron Man. Trước đó, Marvel Studios chỉ tham gia hợp tác sản xuất cùng các hãng khác như bộ ba phim Spider-Man với Sony hay loạt phim X-Men với 20th Century Fox.
Sau 7 năm kể từ khi Iron Man ra mắt, Marvel Studios nay đã trở thành một thế lực thực sự tại Hollywood khi có tới hai bộ phim cán mốc doanh thu 1 tỷ USD toàn cầu trong hai năm liên tiếp. Tổng doanh thu các phim do Marvel Studios tự sản xuất hiện nay đã lên tới hơn 6 tỷ USD.
Đạo diễn tài năng đã chia tay với Ant-Man sau 8 năm cùng Marvel phát triển dự án bom tấn này. |
Nhưng bất cứ thành công nào cũng đi kèm với những tranh cãi, hay thậm chí là khuất tất. Trong tuần cuối cùng của tháng 5/2014, hãng Marvel đã được nhắc tới trên trang nhất của nhiều tờ báo về điện ảnh khi họ chia tay với đạo diễn Edgar Wright sau 8 năm ròng rã cùng nhau phát triển dự án bom tấn Ant-Man, bộ phim dự kiến ra mắt trong mùa hè 2015 và mở đầu cho Phase 3 (Kỷ nguyên anh hùng 3) của hãng.
Trong thông cáo báo chí chính thức, Marvel cho biết quyết định đến từ cả hai phía do có “sự khác biệt trong quá trình sáng tạo”. Chỉ một vài ngày sau đó, nhiều thông tin lọt ra ngoài cho biết kịch bản do Edgar Wright và Joe Cornish chắp bút đã bị Marvel chỉnh sửa hoàn toàn và gây ra sự đổ vỡ không thể tránh khỏi. Số phận của Ant-Man lúc này quả là đáng lo ngại khi ngày khởi chiếu chỉ còn cách hơn một năm nữa. Cho tới lúc này, Ant-Man vẫn chưa tìm được đạo diễn mới (và bị nhiều fan đọc chệch thành Ain't-Man). Cái tên mới nhất xuất hiện là đạo diễn Adam McKay đã từ chối bộ phim chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi những thông tin thương lượng đầu tiên giữa ông và Marvel xuất hiện.
Cũng nhân dịp này, thử cùng Zing.vn điểm lại những chuyện xung đột hậu trường mà Marvel Studios từng phải đối mặt và giải quyết trong những năm qua.
1. Jon Favreau và Iron Man 2
Trong vũ trụ điện ảnh của Marvel Studios, Iron Man 2 thường hay được coi là mắt xích yếu nhất. Hầu hết khán giả xem xong bộ phim đều có chung một than phiền: bộ phim đã cố gắng thể hiện quá nhiều thứ. Iron Man 2 có rất nhiều tình tiết xảy ra song song, và sau đó tất cả được kết thúc một cách thiếu thỏa đáng, từ chuyện trả thù của Whiplash cho tới lò phản ứng phát độc tố trên ngực Tony Stark. Bên cạnh đó, các chi tiết được liên kết lỏng lẻo này cốt được lồng ghép để nhằm hướng tới The Avengers. Điều này khiến nhiều khán giả, giới phê bình và cả chính đạo diễn Jon Favreau cảm thấy khó chịu.
Đạo diễn Jon Favreau (giữa) không hài lòng với quá trình sản xuất của Iron Man 2, cũng như không đạt được thỏa thuận để thực hiện The Avengers với Marvel Studios. |
Vài tháng trước khi có thông báo chính thức rằng Jon Favreau sẽ không tiếp tục thực hiện Iron Man 3, thông tin về chuyện vị đạo diễn không hài lòng với quá trình sản xuất Iron Man 2 đã bị lộ ra. Nhận thấy dự án phim bị ép tiến độ, Jon Favreau bực mình vì phải tiến hành công việc với một kịch bản không rõ ràng và liên tục bị can thiệp cốt để cài cắm các chi tiết liên kết tới The Avengers. Chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi Jon Favreau muốn tự mình đạo diễn The Avengers nhưng Marvel lại không đồng ý bởi hãng không chấp thuận một mức thù lao cao hơn so với Iron Man 2 dành cho ông.
Sau đó, Marvel đã chọn Joss Whedon và Shane Black cho chiếc ghế đạo diễn của lần lượt The Avengers và Iron Man 3, một phần cũng bởi thù lao của họ thấp hơn Jon Favreau khá nhiều. Jon Favreau cuối cùng mắc kẹt lại trong vai trò điều hành sản xuất của cả hai phim và tiếp tục thủ vai phụ Happy Hogan, trợ tá của Tony Stark/Iron Man.
2. Terrence Howard và Iron Man 2
Ngoài việc có cốt truyện thống nhất, một trong những phương cách để duy trì vũ trụ điện ảnh là một bức tranh tổng thể của Marvel là giữ chân các diễn viên qua các hợp đồng nối tiếp từ dự án này sang dự án khác. Các diễn viên khi tham gia vào các bộ phim siêu anh hùng của Marvel phải ký kết những hợp đồng kéo dài nhằm đảm bảo họ sẽ sẵn sàng tham gia khi hãng triệu tập. Tính tới thời điểm hiện tại, Marvel đã duy trì khá tốt điều này. Nhưng ở thời điểm ban đầu, mọi thứ không được trơn tru mà sự vụ với nam diễn viên Terrence Howard trong quá trình sản xuất Iron Man 2 là một ví dụ điển hình.
Nhân vật Rhodes của Terrence Howard (trái) từng khao khát được mặc một bộ giáp của Tony Stark trong Iron Man. Rất tiếc, người hoàn thành mong ước ấy của Rhodes trong Iron Man 2 lại là Don Cheadle chứ không phải Terrence Howard. |
Mặc dù Terrence Howard đã nhập vai James "Rhody" Rhodes thành công trong Iron Man thì rốt cuộc anh đã bị thay thế bởi Don Cheadle khi Marvel thực hiện phần tiếp theo. Vậy chuyện gì đã xảy ra? Theo Terrence Howard, hãng phim trả cho anh 4,5 triệu USD cho tập phim đầu tiên, và theo đúng hợp đồng đã kí, nam diễn viên sẽ nhận được 8 triệu USD cho phần tiếp theo. Tuy nhiên, anh không nhận ra rằng đây chỉ là hợp đồng không ràng buộc và khi cuộc đàm phán cho Iron Man 2 diễn ra, Marvel quyết định chỉ trả anh… 1 triệu USD.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Terrence Howard chia sẻ rằng Robert Downey Jr. thậm chí gần như đã không làm gì để giữ anh lại cho dù trước đó Howard là người giới thiệu Downey Jr. vào vai Người sắt. Nam diễn viên cay đắng cho biết: “Hóa ra người tôi đã từng giúp trở thành Người sắt đã lấy đi số tiền lẽ ra phải thuộc về tôi và đẩy tôi đi khi Iron Man 2 chuẩn bị được thực hiện”.
Dẫu đảm nhận một mắt xích quan trọng là Người khổng lồ xanh, nhưng tài tử Edward Norton cũng chia tay với Marvel Studios chỉ sau một tập phim The Incredible Hulk duy nhất. |
Terrence Howard cũng không phải là người duy nhất bị Marvel thay thế. Sau này, Edward Norton trong The Incredible Hulk cũng đã bị thế chân bởi Mark Ruffalo trong The Avengers. Hẳn có rất ít người dám đứng lên nói thẳng về những gì đã xảy đến với họ ở phía sau hậu trường của các siêu anh hùng đến từ Marvel Studios.
3. Dàn diễn viên hậu The Avengers
Đã hai năm trôi qua nhưng The Avengers hiện vẫn là bộ phim ăn khách thứ ba mọi thời đại với mức doanh thu 1,5 tỷ USD toàn cầu. Thành công này giúp thúc đẩy các dự án khác của công ty, rót thêm kinh phí đầu tư cho mỗi phim sau này và đẩy kỳ vọng của khán giả lên cao hơn. Thật không may, điều này cũng dẫn tới sự hoài nghi của các diễn viên rằng liệu họ có được đối xử xứng đáng với công sức và giá trị hình ảnh của bản thân hay không.
Sau khi The Avengers được công chiếu chưa tới một tuần, đã rộ lên những tin tức về cuộc đàm phán hợp đồng giữa Robert Downey Jr. với cả Avengers: Age of Ultron và Avengers 3. Trong lúc Marvel cố gắng giữ chân ngôi sao hạng A này thì hãng cũng để lộ việc diễn viên chính thủ vai Iron Man được trả tới hơn 50 triệu USD cho The Avengers. Trong khi đó, một vài đồng nghiệp của anh chỉ được nhận có vỏn vẹn 200.000 USD, một khoản thù lao ít ỏi hơn rất nhiều.
Suýt chút nữa Robert Downey Jr. đã chia tay với thương hiệu Iron Man và The Avengers bởi anh cho rằng các đồng nghiệp của mình bị đối xử không công bằng sau những thành công mà Marvel Studios đã gặt hái được. |
Điều mà Marvel không ngờ tới là chính Robert Downey Jr. là người lãnh đạo dàn diễn viên chống lại hãng nhằm đòi quyền lợi công bằng. Một nguồn tin cho biết: “Robert Downey Jr. là người duy nhất có quyền lực thực sự và dám cả gan trong vụ này. Anh ta còn gửi một thông điệp rằng mình sẽ không làm việc ở nơi mà đồng nghiệp bị đối xử không ra gì”.
Khoảng một tháng rưỡi sau, Robert Downey Jr. cuối cùng cũng ký hợp đồng với Avengers: Age of Ultron và Avengers 3. Có thể hãng phim và dàn diễn viên đã đi tới một sự đồng thuận nào đó nhưng vụ xung đột này chứng tỏ một điều rằng, Marvel Studios hết sức chặt chẽ, đủ để khiến nhân sự của họ phải bất mãn.
4. Patty Jenkins và Thor: The Dark World
Tới tháng 9/2011, Marvel đã cho thấy định hướng của hãng phim khi họ liên tiếp chọn những đạo diễn được ít người để ý tới nhằm chèo lái dự án của họ: từ Kenneth Branagh, một diễn viên kiêm đạo diễn vốn nổi tiếng với những tác phẩm mang hơi hướng nhạc kịch cho Thor, cho tới Joss Whedon, người mới chỉ có một tác phẩm điện ảnh trước đó, cho The Avengers. Gần đây nhất, Marvel Studios đã thuê anh em nhà Russo, hai đạo diễn chuyên thực hiện phim sit-com, tâm lý trên sóng truyền hình làm người chèo lái Captain America: The Winter Soldier vừa ra mắt hồi tháng 4 năm nay.
Patty Jenkins suýt chút nữa đã trở thành nữ đạo diễn đầu tiên tham gia vào một bộ phim siêu anh hùng của Marvel. |
Tuy nhiên, Marvel Studios từng có một quyết định cực kỳ thú vị khi chọn Patty Jenkins làm đạo diễn cho Thor: The Dark World. Trước đó, Jenkins không hề làm bất kì một tác phẩm điện ảnh nào trong vòng 8 năm trở lại. Bà là người từng thực hiện bộ phim Monster, tác phẩm từng đem lại tượng vàng Oscar cho Charlize Theron, hồi năm 2003. Tiếc rằng thỏa thuận giữa Marvel Studios và Patty Jenkins lại chẳng đi tới đâu. Thế giới siêu anh hùng của Marvel vẫn chưa thể có nữ đạo diễn đầu tiên.
Không giống như câu chuyện xảy ra với Jon Favreau, xung đột giữa Marvel và Patty Jenkins chỉ được nhắc tới qua những chi tiết hết sức mơ hồ. Chỉ hai tháng sau khi Jenkins rời khỏi Thor: The Dark World bởi lý do quen thuộc là “khác biệt trong sáng tạo”, một vài tin đồn đã lọt ra ngoài cho biết bà không được toàn quyền thực hiện bộ phim và hãng phim không hài lòng với những hoạch địch mà nữ đạo diễn đã vạch ra.
Đạo diễn Alan Taylor (phải) được cho là cũng không hài lòng với Marvel Studios sau khi thực hiện xong Thor: The Dark World. |
Sau đó, đạo diễn Alan Taylor đã được Marvel chọn làm người chỉ đạo cho Thor: The Dark Wolrd và tập phim tiếp theo về Thần sấm gặt hái được doanh thu hết sức khả quan tại phòng vé khi ra mắt hồi tháng 11/2013. Tuy nhiên, vụ xung đột với Patty Jenkins đã để lại hậu quả không nhỏ khi có thông tin rằng nữ minh tinh Natalie Portman, người đóng một vai trò quan trọng trong việc Marvel chọn vị nữ đạo diễn trong quá khứ, đang có những tranh cãi với hãng phim về phần tiếp theo của Thor. Thêm vào đó, chính đạo diễn Alan Taylor cũng không hề có ý định tái hợp với Marvel sau những tin đồn cho biết ông không hề vừa ý với cách làm việc của hãng phim. Hiện Alan Taylor đang thực hiện Terminator: Genesis, tập mới của loạt phim Kẻ hủy diệt, cho hãng Paramount và Skydance Pictures.