Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

41 cử nhân nộp trên 1 tỷ đồng mua đầu vào thạc sĩ

Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Hóa phối hợp cùng Kinh tế tổ chức mở lớp chuyển đổi môn học đảm cho 41 người tham dự kỳ thi vào lớp cao học.

Tại đây, một số cán bộ của Trung tâm GDTX phối hợp cùng ban cán sự lớp thu với số tiền 28 triệu đồng/học viên để chạy đầu vào. Song bất thành, vụ việc bị vỡ lở. Một học viên (đề nghị giấu tên) nói: “Khi ban cán sự lớp đưa ra thông tin trên, ai cũng đồng tình ủng hộ. Bởi sẽ yên tâm khi làm bài thi vì biết đề trước.

Mặt khác, nếu đỗ với tỉ lệ 80-90% thì đủ điều kiện mở lớp học ngay tại địa phương mà không phải về Hà Nội tiếp tục chặng đường đèn sách. Song kết quả của kỳ thi lại không đúng như lời hứa, chỉ có 7 thí sinh đỗ. Tài liệu do ban cán sự lớp đưa trước hôm thi cũng trật lất so với đề bài, khiến chúng tôi rất bức xúc”.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa.

Một học viên trong ban cán sự lớp cho biết tùy theo từng học viên, có người phải chuyển đổi 7-9 môn, người ít nhất cũng phải chuyển 5 môn.

Mỗi môn, học viên phải nộp học phí 920.000 đồng. Số tiền thu với mức 28 triệu đồng/học viên là để các cán bộ Trung tâm GDTX nêu trên lo lót thi đầu vào lớp cao học thành công.

Khoảng 23h ngày 13/9/2013, một trong số ba cán bộ Trung tâm GDTX nêu trên đưa đề tới cho ban cán sự lớp ôn thi cao học để chuyển tới các học viên. Câu hỏi của đề đưa tới rơi vào chương hàng hóa. Thế nhưng, khi kỳ thi diễn ra vào ngày 14/9/2013 thì đề lại trúng vào phần tiền tệ, đối ngoại. Kết quả công bố điểm ngày 20/10/2013, chỉ có 7 thi sinh đỗ.

Bại lộ do không trả lại tiền

Sự việc sẽ không bị vỡ lở nếu những cán bộ công tác tại Trung tâm GDTX đã trót nhận hơn 1 tỷ đồng trả lại toàn bộ số tiền trên cho 41 học viên. Thế nhưng khi các học viên đòi tiền lại thì ba cán bộ đang công tác tại Trung tâm GDTX vẫn dùng dằng không muốn trả.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa - nơi xảy ra vụ chạy đầu vào thi cao học.

Một số học viên gửi đơn thư tới một số quan chức, khoản tiền thu để lo lót mới trở về túi của chủ nhân. Nhưng ba cán bộ Trung tâm GDTX này tiếp tục giữ số tiền 189 triệu đồng của 7 học viên thi đỗ. Sau nhiều lần giằng co, cán bộ Trung tâm GDTX mới chịu mang trả nốt số tiền 189 triệu đồng cho 7 học viên đó.

Ông Đào Phan Thắng - GĐ Trung tâm GDTX - cho biết: Trường có ký hợp đồng với trường ĐHKT tổ chức lớp học chuyển đổi các chuyên đề cho cán bộ đang công tác tại các cơ quan chức năng trong tỉnh để đủ điều kiện thi cao học.

Sau đó, anh em học viên đấu mối thế nào đó rồi thuê nhà trường địa điểm ôn thi vào cao học. Ông Thắng nói: “Tôi chưa biết mặt một học viên nào trong lớp ôn thi cao học này.

Còn nếu có chuyện hứa hẹn lo chạy chọt thì đó là quan hệ giữa cá nhân cán bộ của Trung tâm GDTX với lớp ôn thi cao học. Trung tâm GDTX không có chủ trương làm việc này. Tôi không liên quan và không chỉ đạo việc làm sai trái”.

Sau khi nhận được nội dung phản ánh trên, Trung tâm GDTX đã họp ban giám đốc, yêu cầu từng cá nhân liên quan đến đơn thư tường trình, giải trình, báo cáo rõ tại sao lại có chuyện như vậy.

Sau đó viết kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Ông Thắng cho biết thêm: “Trung tâm GDTX đã quyết định kỷ luật với mức cảnh cáo đối với bà Lê Thị Liên và ông Bùi Sỹ Hồng, trường hợp ông Lê Trọng Sơn nhận mức kỷ luật khiển trách. Chúng tôi phải làm nghiêm khắc để những người có nhu cầu học chân chính không bị mắc lừa”.

Dù ông Thắng khẳng định không liên quan, không chỉ đạo việc làm sai trái trên, tuy nhiên vụ việc trên là rất nghiêm trọng, xảy ra tại đơn vị, ban lãnh đạo Trung tâm không thể không có trách nhiệm. Hơn nữa việc đưa tiền để chạy thi đầu vào cao học đã hoàn thành.

Vì vậy ngoài những cán bộ của trung tâm đã bị kỷ luật, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc xem xét trách nhiệm của các học viên, cán bộ, công viên chức đưa tiền nhằm chạy đầu vào thi cao học trên.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/41-cu-nhan-nop-tren-1-ti-dong-mua-dau-vao-thac-si-179392.bld

Theo Lao động

Bạn có thể quan tâm